Vào ngày 9 tháng 11, các lực lượng Azerbaijan gần biên giới của nước này với Armenia đã bắn một tên lửa phòng không di động vào máy bay trực thăng Hind của Nga đang hoạt động bên trong không phận Armenia. 2 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và người thứ 3 bị thương.
Baku ngay lập tức khẳng định đây là một tai nạn, xin lỗi Moscow và đề nghị bồi thường. Vẫn chưa rõ Nga sẽ làm gì trong những ngày tới.
Moscow có quan hệ tốt với cả Baku và Yerevan. Tuy nhiên, họ không thể bỏ qua sự cố nà.
Theo Forbes, chiếc trực thăng đã rơi xuống gần Nakhchivan, nơi hiện tại không phải là địa điểm giao tranh trong cuộc xung đột đang diễn ra. Hơn nữa, nó bị bắn rõ ràng khi đang hoạt động trong không phận Armenia. Đó là một vấn đề lớn.
Nga duy trì một căn cứ quân sự ở thành phố Gyumri của Armenia. Moscow gần đây đã trấn an Yerevan rằng họ sẽ cung cấp cho nước này “mọi hỗ trợ cần thiết” theo các điều khoản của thỏa thuận quân sự giữa hai nước nếu lãnh thổ của Armenia bị đe dọa trực tiếp bởi cuộc xung đột này.
Việc bắn trực thăng Hind trong không phận của Armenia cũng có thể được hiểu là đã tạo thành mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với chủ quyền của Armenia. Azerbaijan tuyên bố lực lượng của họ không biết chiếc trực thăng là của Nga nhưng dường như đã cố tình nhắm mục tiêu vào một chiếc máy bay khi nó vẫn đang bay trong không phận Armenia.
Việc trực thăng của mình bị bắn có thể thúc đẩy Nga gây áp lực lên cả hai bên để chấm dứt giao tranh càng sớm càng tốt. Điều đó có thể rất quan trọng vì Nga là cường quốc duy nhất được cho là có khả năng đưa cuộc xung đột này kết thúc với mối quan hệ và ảnh hưởng đối với cả hai bên.
Không rõ liệu Nga có phản ứng bằng cách gây sức ép với Azerbaijan hay không. Moscow đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ankara sau khi máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc Su-24 Fencer của Nga ở miền bắc Syria vào ngày 24 tháng 11 năm 2015. Vụ bắn hạ đã giết chết cả hai phi công và khiến tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận.
Mặc dù vẫn còn quá sớm để xác định, tuy nhiên, vẫn có một số so sánh đáng chú ý giữa hai trường hợp.
Đầu tiên, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã không vội xin lỗi Nga về vụ việc. Mãi đến mùa hè năm sau, ông mới công khai bày tỏ sự hối tiếc về những gì đã xảy ra. Sau đó, Nga bắt đầu từ bỏ áp lực đối với Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu hợp tác với nước này ở Syria.
Trái ngược hoàn toàn, gần như ngay sau khi Azerbaijan nhận ra lực lượng của họ đã bắn trúng một máy bay trực thăng của Nga chứ không phải của Armenia, nước này đã vội xin lỗi Moscow. Trong những ngày tới, họ có thể sẽ cố gắng và thể hiện sự sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với bất kỳ cuộc điều tra nào.
Phản ứng của Nga đối với sự cố Su-24 có thể cho chúng ta một số dấu hiệu về những gì họ có thể làm ở Armenia. Hồi đó, nước này đã nhanh chóng triển khai các tên lửa phòng không tầm xa S-400 được ca ngợi nhiều tại căn cứ ở phía tây Syria, vốn cho đến lúc đó chỉ được bảo vệ bởi các tên lửa phòng không tầm gần hơn nhiều.
Lực lượng này đã phong tỏa không phận Syria một cách hiệu quả đối với không quân Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng có lý do chính đáng lo ngại rằng Nga đang muốn trả thù bằng cách hạ một trong những chiếc F-16 của họ vào Syria nếu có cơ hội.
Thậm chí rất lâu sau khi quan hệ tan băng sau khi Erdogan bày tỏ sự hối tiếc, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn liên tục phải xin phép Nga để vận hành máy bay quân sự của họ trong không phận của Syria cho đến ngày nay.
Có lẽ việc Nga triển khai S-400 tới Gyumri có thể gửi một thông điệp tương tự, mặc dù ít đe dọa hơn nhiều đến hai đối thủ trong cuộc xung đột này. Sau khi triển khai các hệ thống, Moscow có thể chủ trương ngừng bay tạm thời tất cả các máy bay quân sự ở cả hai nước như bước đầu tiên hướng tới việc thiết lập một lệnh ngừng bắn lâu dài.
Azerbaijan chủ yếu dựa vào các máy bay không người lái do Israel và Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo để nhắm mục tiêu vào các lực lượng trên bộ của Armenia và hỗ trợ trên không cho các lực lượng của mình. Nếu Nga triển khai S-400 và thúc giục một khu vực cấm bay tạm thời trên chiến trường, Baku có thể sẽ tuân thủ.
Rốt cuộc, họ sẽ không muốn làm phật lòng Moscow ngay sau khi đã giết các quân nhân Nga. Nga cũng có thể nhấn mạnh rằng Armenia cũng tạm thời ngừng hoạt động không quân để không có vẻ như họ đang khiển trách Azerbaijan một cách thái quá.