Vụ trẻ gần 2 tháng tuổi bị giúp việc rung lắc: Nguy cơ giập não, phù, chảy máu trong...

LH |

Hình ảnh giúp việc rung, lắc, đánh, tung lên với em bé mới 1 tháng 17 ngày tuổi khiến nhiều người phẫn nộ. Nhiều người lo lắng cho sức khỏe của bé.

Hậu quả của bạo hành, cụ thể là rung, lắc trẻ chưa có thống kê cũng như nghiên cứu toàn diện nào tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt vẫn có thói quen cho trẻ nằm võng để ru ngủ ngay từ khi còn rất nhỏ. Lý do là làm như thế sẽ khiến trẻ nhanh ngủ, ngủ sâu. Nhiều người thậm chí đu võng thật mạnh để khiến trẻ cười, tuy nhiên điều này tuyệt đối không nên.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết: Trên thế giới đã nhắc tới khái niệm hội chứng rung lắc. Còn ở Việt Nam, hội chứng này ít được nói tới. Tại Việt Nam, cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu và thống kê về hội chứng này.

"Trẻ mới sinh, cơ và dây chằng vùng cổ yếu, chưa phát triển nên chưa thể chịu đựng được sức nặng của đầu. Bên cạnh đó, trong đầu lại có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục phát triển. Não của trẻ lại mềm, màng não mỏng.

Vì thế, nếu bị rung lắc mạnh, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não. Khi não không có sự di chuyển đồng bộ sẽ gây ra sự đập trở lại xương sọ làm giập não, phù, chảy máu trong não...", PGS.TS Dũng cảnh báo.

Theo các tài liệu trên thế giới, trẻ mắc hội chứng rung lắc khối não sẽ di chuyển theo quán tính vật lý và có thể va đập vào hộp sọ, làm não bị sưng phù, áp lực nội sọ tăng lên và tổn thương các mạch máu trong não.

Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ. Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, học tập không tiếp thu được bài vở.

Tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, gây giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là bố mẹ thường không biết trẻ bị tổn thương vì rung lắc mạnh lại do người lớn gây nên. Vì vậy, nhiều trường hợp trẻ đã bị tổn thương nhưng vẫn tiếp tục bị “tra tấn” bởi các lần rung lắc mạnh tiếp theo, khiến trẻ bị tổn thương ngày càng nặng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: Tuyệt đối không rung lắc trẻ quá mạnh, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Khi thấy trẻ có những biểu hiện như bị kích thích mạnh, đờ đẫn, ngủ mê mệt, da xanh tái, ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng, khó thở, cứng cổ, nghẹo về một bên... thì cần gọi cấp cứu ngay.

Phẫn nộ khi xem clip người giúp việc bạo hành, rung, lắc bé hơn 1 tháng tuổi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại