Ngày 13/10, Sinchew đưa tin Tăng Nhược Băng ngã xuống khi đang tắm cho con trai. Nữ diễn viên người Malaysia được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi, mất ở tuổi 36. Theo thông tin từ gia đình, Tăng Nhược Băng được đưa đi bệnh viện ngay khi ngã trong nhà tắm. Nữ diễn viên ngừng tim khi đang trên đường cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân đột tử do nhồi máu cơ tim.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh lý tim mạch, gấp 20 lần số người tử vong do ung thư và gấp 10 lần do tai nạn giao thông. Nhồi máu cơ tim là một trong số các bệnh lý tim mạch nguy hiểm đó. Bệnh gây ra những cái chết đột ngột, nhanh chóng và ngày càng có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ tuổi.
Nhồi máu cơ tim (NMCT) là tình trạng mạch vành nuôi dưỡng tim bị tắc nghẽn, dẫn đến thiếu máu cục bộ cơ tim, biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực. Sau đó là tình trạng hoại tử tế bào cơ tim, dẫn đến suy tim và đột tử.
Nhồi máu cơ tim trước đây được xem là bệnh lý của người cao tuổi ( >65 tuổi). Tuy nhiên giờ đây, NMCT có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. NMCT xuất hiện ở những người < 45 tuổi, được đánh giá là trẻ tuổi và dưới 35 tuổi được coi là rất trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ
NMCT chủ yếu liên quan đến các mảng xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa làm giảm kích thước lòng động mạch vành, dần dần gây hẹp và tắc động mạch. Trong quá trình sinh hoạt, do một nguyên nhân nào đó ( ví dụ như sau gắng sức, sau dùng chất kích thích…) khiến cho mảng xơ vữa động mạch bị nứt vỡ. Từ đó, khởi động quá trình hình thành cục máu đông. Cục máu đông di chuyển theo dòng máu và gây tắc nghẽn động mạch vành.
Nếu như NMCT ở người cao tuổi thường liên quan đến các yếu tố như tăng huyết áp, đái tháo đường typ2, hút thuốc lá…, mảng xơ vữa động mạch hình thành một cách từ từ và làm cho tế bào cơ tim có sự thích nghi với tình trạng thiếu máu thì ở người trẻ lại ngược lại. NMCT ở người trẻ thường liên quan đến những thói quen không lành mạnh, làm thúc đẩy sự hình thành màng xơ vữa nhanh chóng. Lòng động mạch vành trơn láng hơn nên khi cục máu đông gây tắc nghẽn đột ngột thì tế bào cơ tim không kịp thích nghi và nhanh chóng bị hoại tử. Tuy nhiên, nếu được cấp cứu và tái thông kịp thời, thì người trẻ sẽ có cơ hội phục hồi nhanh hơn.
Các yếu tố nguy cơ gây NMCT ở người trẻ bao gồm:
Hút thuốc lá: Đây là nguyên nhân phổ biến gây NMCT có ST chênh lên ở người trẻ. Hút thuốc lá, hút thuốc lào hay thuốc lá điện tử đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Béo phì: Thói quen ăn uống nhiều đồ chiên, rán hoặc uống các đồ uống ngọt, nước ngọt… khiến người trẻ có nguy cơ bị thừa cân, béo phì. Người có BMI > 30 có nguy cơ cao bị bệnh NMCT.
Yếu tố giới tính: Hầu hết bệnh nhân bị NMCT trẻ tuổi là nam giới. Tuy nhiên, nữ giới trẻ tuổi bị bệnh thường liên quan đến các yếu tố riêng biệt như sụ thay đổi hormon sinh dục nữ trước khi mãn kinh ( Oestrogen được chỉ ra có tác dụng bảo vệ đối với hệ tim mạch); tâm lý hay lo lắng, căn thẳng và sức khỏe tinh thần kém; sử dụng thuốc tránh thai chứa nội tiết dạng kết hợp…
Sử dụng các chất kích thích: Lạm dụng các chất kích thích như cocain, cần sa… gây ra 10% số ca NMCT ở người trẻ tuổi. Khi sử dụng các chất kích thích này sẽ làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim, gây co thắt mạch vành và tăng nguy cơ bị bệnh.
Ngoài ra, việc sử dụng các chất kích thích ( chủ yếu là các steroid đồng hóa androgen) hoặc chất kích thích tạo hồng cầu… ở những vận động viên trẻ chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư đều làm tăng nguy cơ bị NMCT.
Stress do học tập, công việc hoặc do cuộc sống: Tình trạng này kéo dài khiến thần kinh căng thẳng, kéo theo nguy hại đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch. NMCT hoàn toàn có thể xuất phát từ nguyên nhân người bệnh thường xuyên stress, áp lực, căng thẳng...
Yếu tố di truyền: Trong một số trường hợp, đột biến gen hoặc sự thiếu hụt một số chất bẩm sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra còn có một số yếu tố khác đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường ở người trẻ tuổi…
Biểu hiện của NMC ở người trẻ như thế nào?
Dấu hiệu cơn đau thắt ngực bao gồm: cảm giác đau nghẹt hoặc đè nén vùng ngực trái hoặc sau xương ức, lan lên hàm và vai trái. Cơn đau kéo dài trên 30 phút, nghỉ ngơi không thấy đỡ và có thể đi kèm với cảm giác khó thở, vã mồ hôi lạnh, mệt mỏi… Một số trường hợp người bệnh đột ngột ngã gục, mất ý thức. Một số khác lại có biểu hiện đau thượng vị hoặc nóng tức thượng vị, buồn nôn nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa.
Ở nữ giới thường có thêm các biểu hiện như đánh trống ngực, mệt mỏi quá mức, khó thở hoặc đau thượng vị, buồn nôn, nôn… Do thường đi kèm với tâm lý lo lắng mức độ cao khiến cho cơn đau ngực trở nên tồi tệ hơn.
Cách để phòng tránh bị NMCT ở người trẻ bao gồm:
Không hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện.
Hạn chế sử dụng rượu, bia.
Xây dựng và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh kèm theo tập thể dục thường xuyên.
Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, giảm áp lực.
Ở nữ giới, nên khám sức khỏe định kỳ trước khi sử dụng thuốc tránh thai nội tiết.
Tốt nhất là sử dụng thuốc có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt ở những người có nhiều nguy cơ như bị tăng huyết áp, đái tháo đường…
Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm đặc biệt ở những người có bệnh lý nền.
Khi thấy các biểu hiện bất thường nghi ngờ bị bệnh, cần nhanh chóng nhờ người xung quanh đưa đến bệnh viện bằng xe taxi hoặc gọi xe cấp cứu.
Không tự ý lái xe đến bệnh viện.