Vụ lính TQ bỏ chạy: Bắc Kinh vẫn cố cãi, rêu rao báo cáo của LHQ là "vô lý"

Thủy Thu |

"Trong mưa bom bão đạn, binh lính gìn giữ hòa bình Trung Quốc đã kiên cường bảo vệ vị trí đến cùng", người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng bao biện.

Mới đây, đội điều tra thuộc Liên Hợp Quốc đã trình Hội đồng Bảo an kết quả điều tra về cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan đã không bảo vệ dân thường trong bối cảnh bạo lực hồi giữa năm nay tại Juba (thủ đô Nam Sudan).

Đặc biệt, báo cáo điều tra chỉ ra, binh lính gìn giữ hòa bình của một số quốc gia, điển hình là Trung Quốc đã bỏ rơi dân thường khiến họ trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Tuy nhiên, chính phủ Bắc Kinh đã ngay lập tức chỉ trích báo cáo trên.

Cụ thể, tại buổi họp báo thường ngày hôm 4/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, nội dung của bản báo cáo đã đưa ra những "cáo buộc vô lý", "phía Trung Quốc lấy làm tiếc về ảnh hưởng tiêu cực do bản báo cáo gây ra với sự nghiệp gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc".

Đồng thời, bà Hoa không quên "ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm" của binh lính gìn giữ hòa bình Trung Quốc:

"Trong xung đột, dưới sự chỉ huy của phái đoàn đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, quân nhân Trung Quốc đã nghiêm túc chấp hành sứ mệnh. Trong mưa bom bão đạn, kiên cường bảo vệ vị trí đến cùng, toàn lực ngăn cản xung đột leo thang".

Trước đó, ngày 10/10, người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cũng nói rằng,"những báo cáo chỉ trích nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc chỉ là xuyên tạc, hoàn toàn không đúng sự thật".

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 12/7 thì ca ngợi "sự hy sinh của binh sĩ gìn giữ hòa bình Trung Quốc ở Nam Sudan đủ khiến thế giới phải rúng động".

Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ nhiều quan chức thuộc Liên Hợp Quốc tiết lộ, vào tháng 1/2017, sau khi tân Tổng thư ký Antonio Guterres lên nắm quyền, Trung Quốc có ý định sẽ tiếp quản quyền lãnh đạo lực lượng gìn giữ hòa bình này.

Hơn 19 năm qua, vị trí này do các lãnh đạo mang quốc tịch Pháp đảm nhiệm.

Trước đó, ngày 11/7, hơn 100 tay súng đã tấn công căn cứ của Liên Hợp Quốc tại thủ đô Juba, Nam Sudan. Xung đột xảy ra khiến gần 300 người thiệt mạng.

Điều đáng tiếc, khi xung đột xảy ra, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, điển hình là các nhóm lính Trung Quốc lại …tháo chạy, bỏ mặc dân thường bị tấn công. Vụ việc cũng khiến một số nhân viên Liên Hợp Quốc bị hãm hiếp tập thể.

Theo báo cáo, cơ sở của Chương trình lương thực thế giới (WFP) cũng bị cướp mất số thực phẩm trị giá 29 triệu USD, cùng hàng loạt thiết bị và vật tư khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại