“Vũ khí” mới trong cuộc chiến chống ung thư mắt

BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) |

Cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư mắt gần đây đã có nhiều bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho người bệnh, giúp điều trị thành công nhiều trường hợp bệnh nặng.

Ung thư võng mạc

Là loại ung thư mắt phổ biến nhất ở trẻ em dưới 6 tuổi, xuất hiện do đột biến gene RB1 trên nhiễm sắc thể số 13. Bệnh có thể biểu hiện 1 hoặc 2 mắt, có thể tự phát hoặc do di truyền (gia đình có người bị u nguyên bào võng mạc). Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể khỏi với tỷ lệ sống lên tới 90 - 95% và khả năng giữ nhãn cầu rất cao ở các nước phát triển.

Ngày nay, chúng ta đã thiên về hướng bảo tồn nhiều hơn là từ bỏ mắt. Sự lựa chọn các phương pháp bảo tồn cũng khá phong phú như lạnh đông, quang đông, đĩa xạ trị.

Gần đây, phương pháp điều trị hóa chất tiêm tĩnh mạch, tiêm thẳng vào động mạch mắt nâng cao tỷ lệ giữ được nhãn cầu, thậm chí có thể khôi phục thị lực trong một số trường hợp.

Đi đầu là các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y tế Weill Cornell và Bệnh viện Presbyterian, New York (Mỹ) đã tiến hành luồn một đường ống chuyên dụng xuyên qua cơ thể lên tới mắt, sau đó truyền trực tiếp thuốc melphalan (alkeran) tới khối u nguyên bào võng mạc qua động mạch nuôi mắt.

Ưu điểm nổi trội của phương pháp này là diệt tế bào ung thư “đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều”. Trong số 22 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này, có 3/4 giữ lại được đôi mắt và một nửa số đó lấy lại được thị lực.

Kỹ thuật này đã mở ra một chân trời mới cho các bệnh nhân bị u nguyên bào võng mạc. Melphalan còn được truyền tĩnh mạch cho các di căn xa của ung thư võng mạc, ung thư hắc mạc hoặc tiêm nội nhãn khi có tế bào khối u lan tràn vào dịch kính.

“Vũ khí” mới trong cuộc chiến chống ung thư mắt - Ảnh 1.

U nội nhãn của màng bồ đào (u mống mắt, thể mi, hắc mạc)

Cần đặc biệt cảnh giác với những bệnh nhân u màng bồ đào (MBĐ), chỉ có 1 NST số 3 (monosomi) khi làm xét nghiệm di truyền, có thể phải bỏ mắt sớm chủ động do rất hay di căn sau 2 năm phát bệnh.

Còn lại có vô số lựa chọn để giữ lại con mắt, bảo tồn thị lực cho người bệnh: xạ trị (tấm xạ trị, dùng tia proton, xạ trị 3D); quang trị liệu (quang hóa trị liệu, quang nhiệt, quang động học); các loại phẫu thuật (cắt u đường ngoài, cắt u đường trong, bỏ nhãn cầu và nạo vét tổ chức hốc mắt)...

Các máy phát laser thế hệ mới phát xung năng lượng thấp, phát tia kéo dài làm hạn chế biến chứng đáng kể so với các máy thế hệ cũ. Laser quang động dùng vỏ capsid của virus vận chuyển verteporfin vào khối u, sau đó chiếu laser bước sóng 689nm vào có thể tiêu diệt khối u ngay lập tức trong điều trị khối u MBĐ.

Tấm xạ trị chứa Ruthenium có ống chuẩn trực, chế tác 3D cũng là vũ khí điều trị bảo tồn hiệu quả u hắc tố màng bồ đào. Chùm tia photon là ứng dụng mới để điều trị các khối u nông, tránh được hủy hoại thể thủy tinh hay giác mạc. Với u mống mắt có thể laser hay xạ trị định vị chính xác vào khối u, xạ trị toàn bộ mống mắt nếu cần.

Vũ khí điều trị mới với nhóm bệnh này sử dụng thành tựu của giải Nobel Y học năm 2018: Sunitinib ra đời, điều trị melanoma với tỷ lệ sống sót cao hơn hẳn so với các phương pháp khác.

Miễn dịch huyết khối dùng immunoembolization kết hợp với ipilmumab, điều trị tới cùng - khi u di căn đến gan bằng cách gây huyết khối cho khối u gan bằng hạt cầu phóng xạ gắn Ytrium90 cũng là những lựa chọn mới nhằm bảo tồn thị lực, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Các loại ung thư phần phụ nhãn cầu (PPNC)

Các phần phụ như mi mắt, kết mạc, đường lệ, hốc mắt không hiếm gặp ở nước ta. Các viêm nhiễm mạn tính, phơi nhiễm tia UV, chủ quan không đi khám bệnh sớm... là các yếu tố thúc đẩy ác tính hóa các tổn thương PPNC.

Các khối u gây biến dạng mi, lác mắt, lồi mắt... ảnh hưởng chức năng như gây nhìn mờ, song thị, chảy nước mắt nhưng tiên lượng sống rất đáng mừng, tỷ lệ di căn xa khá thấp.

Gần đây, các công ty dược phẩm, các labo sản xuất các chế phẩm về miễn dịch trị liệu liên tục đưa ra những sản phẩm mới giúp cho điều trị các khối u ác tính của mi, hốc mắt. Đầu tiên là các chế phẩm ức chế PD1 để điều trị các u hắc tố, u tế bào vảy và một vài loại u khác.

Một vài loại protein có thể hoạt hóa tế bào lympho T4 được đưa vào cơ thể giúp bệnh nhân khôi phục được quy trình kiểm soát các khối u không những tại mắt mà còn là các bộ phận quanh mắt như da vùng đầu mặt.

Các thuốc ức chế PD1 làm tăng tuổi thọ, khống chế di căn từ da vào mắt hay từ da vào hốc mắt rất hiệu quả. Bên cạnh đó là thời gian bệnh không tái phát tại chỗ cũng duy trì được khá ấn tượng.

Các kháng thể đơn dòng, các chất ức chế phân tử nhỏ được coi là những phát minh mới, đầy quyền năng để điều trị các bệnh lý khối u hốc mắt như u lympho hay một số thể viêm tổ chức hốc mắt. Rituximab là sản phẩm tiêu biểu góp phần vào thành công của công thức hóa trị liệu kinh điển CHOP, điều trị u lympho và tăng sản lympho PPNC. Người ta cũng đang phấn khích với việc dùng vismodegib và sonidegib để điều trị u hắc tố, u tế bào đáy của da nói chung và các phần da gần mắt.

Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong chuyên ngành nhãn khoa thời gian gần đây đã giúp các bác sĩ có khả năng chữa trị thành công ngoài mong đợi cho các ca bệnh mà trước đây tưởng không cứu vãn nổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại