Đó là hệ thống phản công hạt nhân tàn khốc và hoàn toàn tự động mang tên Perimeter (Vành đai), được phương Tây gọi với biệt danh "Bàn tay chết" (Dead hand)...
Hệ thống Perimeter xuất hiện như thế nào?
Trong bài viết mới đây đăng trên RIA Novosti, bình luận viên Alexander Khrolenko nhận định, trong bối cảnh vũ khí hạt nhân có sức công phá lớn ngày càng phát triển như hiện nay, các nguyên tắc của cuộc chiến tranh toàn cầu đã thay đổi.
Giờ đây, một quả tên lửa có khả năng phá hủy trung tâm chỉ huy hoặc hầm trú ẩn được bảo vệ nghiêm ngặt của các nhà lãnh đạo phía đối thủ. Loại vũ khí này hiện là nòng cốt trong học thuyết đánh đòn phủ đầu của Mỹ.
Để đối đầu với đòn đánh như vậy, ngay từ thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã phát triển hệ thống bảo đảm đòn trả đũa hạt nhân mang tên Perimeter.
Perimeter là một trong những bí mật lớn nhất thời Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên, câu chuyện kỳ bí về thứ vũ khí có sức hủy diệt đáng gờm này được nhắc đến ít nhiều trong các bài báo và tài liệu gần đây.
Do lo ngại một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu từ Mỹ, Chính phủ Liên Xô đã yêu cầu phát triển một hệ thống chỉ huy nhằm bảo đảm đòn trả đũa vẫn được triển khai trong trường hợp các đường dây liên lạc chỉ huy của lực lượng tên lửa chiến lược bị phá hủy.
Theo Nghị định số 695-227 của Chính phủ Liên Xô, từ ngày 30-8-1974, Cục thiết kế Phương Nam được giao nhiệm vụ chế tạo hệ thống tên lửa với những tính năng kỹ thuật nâng cấp. Cục thiết kế quyết định dùng tên lửa 15A11 làm tên lửa chỉ huy. Tháng 12-1975 bản thiết kế sơ bộ hệ thống được trình lên Chính phủ.
Tên lửa chỉ huy 15A11 của hệ thống Perimeter. Ảnh: topwar.ru.
Các lần thử nghiệm hoạt động của tên lửa chỉ huy 15А11 được tiến hành năm 1979. Liên Xô đã thiết kế hai hầm phóng tên lửa đặc biệt cho mục đích này. Các nhà khoa học chế tạo một sở chỉ huy đặc biệt, tự động hóa hoàn toàn nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và phóng tên lửa từ xa.
Những đợt phóng thử nghiệm đường bay của tên lửa được tiến hành dưới sự giám sát của Ủy ban thử nghiệm cấp Nhà nước đứng đầu là Trung tướng Vladimir Korobushin, Phó Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược.
Các vụ phóng tên lửa thực hiện thành công ngày 26-12-1979. Kết quả thử nghiệm cho thấy, tất cả bộ phận của hệ thống Perimeter có thể tương thích thành công với nhau và đầu đạn của tên lửa chỉ huy có thể bay theo quỹ đạo mong muốn.
Các thử nghiệm tên lửa chỉ huy cấp quốc gia hoàn thành vào tháng 3-1982. Tháng 1-1985, Perimeter chính thức được biên chế vào kho vũ khí của Liên Xô.
Ngày 8-10-1993 tờ New York Times đăng tải bài viết của nhà bình luận Bruce Blair với tựa đề "Cỗ máy Ngày tận thế của Nga", chứa đựng các thông tin về hệ thống kiểm soát, chỉ huy điều hành tác chiến lực lượng tên lửa chiến lược của Liên Xô.
Đây cũng là lần đầu tiên tên gọi chính thức của hệ thống Perimeter được công chúng biết đến. Và cũng chính tại thời điểm đó trong tiếng Anh xuất hiện khái niệm "Dead hand" (Bàn tay chết) có liên quan đến hệ thống phản công hạt nhân của Nga.
Cơ chế hoạt động
Hệ thống Perimeter hoàn toàn không phụ thuộc vào các hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến và các trang thiết bị thông tin liên lạc, thậm chí không phụ thuộc cả vào chiếc vali hạt nhân luôn đi cùng Tổng thống Nga. Nguyên tắc hoạt động của hệ thống Perimeter là tự động tiến hành đòn tấn công hạt nhân quy mô lớn.
Hệ thống này tự động chỉ huy, điều hành khởi động hệ thống phóng tên lửa đạn đạo và hành trình mang đầu đạn hạt nhân từ hầm phóng trong tình huống kẻ thù đã hủy diệt tất cả các trung tâm chỉ huy điều hành.
Hình ảnh mô phỏng sức công phá của hệ thống Perimeter. Ảnh: rg.ru.
Quyết định phóng tên lửa được thực hiện bởi hệ thống kiểm soát tự động được phát triển trên cơ sở trí thông minh nhân tạo phức tạp.
Hệ thống này nhận và phân tích nhiều nguồn thông tin về các hoạt động địa chấn, phóng xạ, áp suất khí quyển và sự tập trung tần số sóng radio quân sự. Nó giám sát hoạt động đo đạc từ xa thông qua các chốt quan sát của lực lượng tên lửa chiến lược và số liệu từ hệ thống cảnh báo sớm.
Để bảo đảm không xảy ra một vụ phóng không kiểm soát, trước khi phóng, Perimeter còn phải kiểm tra 4 điều kiện sau:
Có phải Nga đang bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân hay không; sau đó kiểm tra mạng thông tin liên lạc với Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga có còn hoạt động không; nếu Bộ Tổng Tham mưu không có phản ứng, Perimeter sẽ gửi yêu cầu tới vali hạt nhân; nếu lại không có phản ứng một lần nữa, hệ thống sẽ tự động kết nối với bất kỳ ai giám sát hệ thống đang ở trong hầm chứa tên lửa hạt nhân và cho người đó quyền ra quyết định.
Chỉ khi ngay cả người này cũng không còn sống, Perimeter mới bắt đầu hoạt động.
Tháng 12-2011, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược (SMF) Sergey Karakayev cho biết: "Hệ thống Perimeter tồn tại và luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu".
Do đó, bình luận viên Alexander Khrolenko kết luận, các đối thủ tiềm năng của Nga nên từ bỏ hy vọng chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Moscow bởi không ai có thể thắng được Nga trong cuộc chiến tranh hạt nhân kể cả khi đã phá hủy các cơ quan đầu não của Nga.