Cận vệ của S-400 ở Syria
Trong khi tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 ở Syria hàng ngày chiếm vị trí nổi bật trên các phương tiện thông tin đại chúng, một phần vì bán kính tác chiến của chúng quá "khủng", không chỉ bảo vệ 2 căn cứ đặc biệt quan trọng là Tartus và Hmeimim mà nó che đầu cho toàn bộ các lực lượng Nga triển khai trên các hướng chiến trường ở Syria.
Hệ thống tác chiến liên hợp mà S-400 làm trung tâm đã tạo ra một vòng tròn bảo vệ gồm nhiều tầng, nhiều lớp, là chỗ dựa tin cậy, đảm bảo không có bất cứ mục tiêu bay nào dám xâm phạm đánh vào các vị trí của lực lượng Nga ở Syria.
Trong đó, các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 là một trong những vòng tròn đỏ quan trọng và cơ động nhất, là chốt chặn tầm gần cuối cùng, sẵn sàng khai hỏa nếu mục tiêu vượt qua được lưới lửa của các tổ hợp phòng không tầm xa hơn như S-400 và Buk-M2.
Các tổ hợp phòng không tầm xa buộc máy bay đối phương phải bay cực thấp, tránh xa bán kính hủy diệt của S-400 và chỉ còn cách sử dụng các loại vũ khí tấn công dẫn bắn bằng hệ thống định vị GPS phóng đi từ ngoài tầm phòng không như JASSM, JDAM, và SDB.
S-400 thừa sức bắn hạ các loại tên lửa hành trình và thậm chí là cả bom lượn, tuy nhiên, trên thực tế, dù đạn của S-400 có xác suất diệt mục tiêu rất cao, nhưng đắt, do vậy chúng chỉ được dành để bắn các mục tiêu có giá trị cao, chứ không phải để sử dụng bừa bãi.
Thay vào đó, nhiệm vụ săn diệt các mục tiêu có giá trị thấp được giao cho các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 vốn được thiết kể để chuyên trị chúng.
Một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Nga ở Syria - cận vệ của S-400.
Pantsir-S1 đã ra tay, nhiều mục tiêu tan xác
Mỗi xe Pantsir-S1 độc lập mang theo 12 đạn tên lửa 57E6 điều khiển bằng vô tuyến có tầm bắn 20km và 2 pháo 2A38 cỡ nòng 30mm (cơ số 700 viện đạn) với tốc độ bắn lên tới 2.500 viên/phút.
Nhờ vậy, chúng đảm bảo khóa chặt, che phủ khoảng trống mà S-400 bỏ lọt, sẵn sàng dùng tên lửa hoặc pháo bắn chặn, diệt các loại tên lửa và đạn có dẫn đường bay thấp đang phóng đến, để S-400 rảnh tay đối phó với các mục tiêu giá trị hơn ở tầm xa.
Và, Pantsir-S1 đang thể hiện vai trò là "thợ săn" cơ động và bận rộn nhất của các lực lượng vũ trang Nga ở Syria. Trong năm 2017, chỉ riêng các xe Pantsir-S1 tại chiến trường này đã tiêu diệt 12 mục tiêu bay của đối phương, chủ yếu bằng tên lửa.
Trong số 12 mục tiêu đã tan xác dưới tay Pantsir-S1, có ít nhất 2 bóng thám không trinh sát khi chúng lảng vảng ở gần các căn cứ Tartus và Hmeimim hồi tháng 6 vừa qua. Những quả bóng này được cho là gắn kèm những thiết bị trinh sát tối tân để "nhòm ngó" các vị trí của Quân đội Nga. Tất cả đều bị tiêu diệt ở cự ly hiệu quả tối đa của tên lửa phóng đi từ Pantsir-S1.
Bên cạnh đó còn có 4 mục tiêu là đạn pháo phản lực cũng tan xác khi chúng phóng đến Hmeimim và Masyaf ở tỉnh Hama, toàn bộ đều xảy ra vào tháng 3.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 thực hành phóng đạn.
Số mục tiêu còn lại phải đền tội chính là các máy bay trinh sát không người lái gồm 1 chiếc Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất bị hạ hôm 11/05 gần Tartus, 3 máy bay không người lái Heron do Israel sản xuất bị hạ gần Tartus và Masyaf trong các tháng 4, 5 và 7 năm nay.
Cuối cùng là một chiếc máy bay không người lái mini RQ-21A Blackjack bị tiêu diệt gần Tartus hôm 27/05/2017. Vụ việc này đặc biệt thú vị bởi những chiếc máy bay không người lái Blackjack rất hiện đại và nhỏ gọn, chúng vừa mới được đưa vào sử dụng từ năm 2016 và chỉ có trong biên chế của lực lượng vũ trang Canada và... Thủy quân lục chiến cũng như Hải quân Mỹ.
Được cho là đã triển khai tới Iraq trong biên chế của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ từ năm 2016, tuy nhiên, Blackjack cũng được phóng đi từ các tàu hải quân. Với thời gian thám sát trên không liên tục tới 16 tiếng, chúng có thể bay liền một mạch từ một căn cứ không quân ở Vương quốc Anh tới Cộng hòa Síp.
Trên thực tế "các thế lực thù địch của Nga - Syria" rất không hài lòng về cái cách mà cuộc chiến ở Syria đang diễn ra và nhất là phải đối mặt với sự đe dọa thường trực của lực lượng phòng không Nga, buộc họ luôn "phải mở to mắt và dỏng tai" nếu không muốn bị "vít cổ" nếu cố tình xâm phạm không phận Syria.
Theo thống kê, cường độ hoạt động của các máy bay trinh sát không người lái ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây, chính vì thế, Văn phòng thiết kế Tula đã bắt tay vào cải tiến, chuẩn bị cho ra đời phiên bản hiện đại hóa của tổ hợp pháo tên lửa - phòng không Pantsir-S1 với định danh Pantsir-SM dựa trên những kinh nghiệm tác chiến vừa thu được ở Syria.
Những cải tiến này bao gồm có một phiên bản tên lửa nhỏ được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt các loại máy bay không người lái cỡ nhỏ với 4 quả đạn chứa vừa trong 1 ống phóng tên lửa 57E6 sẽ giúp tăng được cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu lên gấp nhiều lần, đồng thời giảm đáng kể giá thành cho mỗi phát bắn.
Pantsir-S1 đã lên tiếng đanh thép và chứng minh hiệu quả chiến đấu ở Syria và trong tương lai, với những cải tiến mới, chúng sẽ tiếp tục là "thợ săn chuyên nghiệp" - sát thủ đối với mọi loại máy bay không người lái và mục tiêu bay thấp, bám địa hình.