Lực lượng không quân Mỹ có kế hoạch thử nghiệm hệ thống vũ khí laser trên cường kích AC-130J Ghostrider vào năm 2022. Kế hoạch nếu được thực hiện, sẽ đánh dấu lần đầu tiên một vũ khí laser được thử nghiệm trên máy bay chiến đấu của không quân Mỹ.
Vũ khí “át chủ bài”
Vũ khí laser mới sẽ cung cấp cho AC-130J Ghostrider khả năng phá hủy các trang thiết bị của đối phương, làm bị thương nhưng không sát hại binh sỹ của địch, điều mà loại máy bay được vũ trang hạng nặng này vẫn thiếu cho đến bây giờ. Kế hoạch được công bố tại Hội nghị trực tuyến của Lực lượng đặc nhiệm diễn ra tại Tampa, Florida tuần trước.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Melissa Johnson, thuộc không quân Mỹ cho biết: “Nếu việc thử nghiệm thành công, thì điều này sẽ đáp ứng được những đòi hỏi của chúng tôi và một chương trình mới ứng dụng vũ khí laser sẽ được phát triển”.
Theo quan chức này, các cuộc thử nghiệm trước đây phần lớn diễn ra trên mặt đất, được tiến hành phối hợp với Trung tâm tác chiến của hải quân ở Dahlgren, Virginia.
Vũ khí laser tạo ra những hiệu ứng khác biệt mà các loại vũ khí động năng hay vũ khí hóa học không thể có được. Vũ khí laser sử dụng các xung ánh sáng tập trung để truyền năng lượng đến mục tiêu, nhanh chóng đốt nóng nó.
Về mặt lý thuyết, một tia laser có thể giết người, hoặc cắt đứt tay chân như những gì chúng ta xem trên phim ảnh nhưng nó cần phải có đủ năng lượng (tính bằng kilowat) để làm điều đó.
Theo kế hoạch, hệ thống vũ khí laser trang bị cho cường kích AC-130J Ghostrider có công suất lên tới 60 kilowatt.
Công suất này chưa đủ để laser xuyên qua lớp giáp bảo vệ của xe bọc thép, nhưng nó có thể làm tan chảy một chảo ăngten vệ tinh, tạo ra lỗ thủng trên một chiếc thuyền nhỏ, đốt cháy cánh quạt máy bay trực thăng 4 hướng, thậm chí đốt cháy một ống cao su chứa nhiên liệu.
Nó cũng có thể đốt cháy mui xe ô tô hoặc mui xe tải đang di chuyển, vô hiệu hóa động cơ và khiến chúng phải dừng lại.
Military.com dẫn lời Đại tá Tom Palenske chỉ huy Nhóm tác chiến số 1 cho biết, vũ khí laser sẽ là “con át chủ bài” giúp vô hiệu hóa các hệ thống vũ khí khác dễ dàng hơn.
“Nếu nhiệm vụ của anh là vô hiệu hóa 1 chiếc máy bay hay 1 chiếc ô tô, anh có thể thực hiện bằng cách sử dụng tia laser từ không trung và đốt cháy động cơ của chúng”.
Ông nói thêm: “Với vũ khí laser, anh có thể tiếp tục công việc của mình. Không có tiếng động, không có tiếng ồn, không ai biết điều gì xảy ra. Đối phương không biết thiết bị của họ bị làm hỏng cho đến khi họ cố gắng kích hoạt nó”.
Khả năng “độc nhất vô nhị”
AC-130J Ghostrider là phiên bản mới nhất trong loạt cường kích cánh cố định có từ thời chiến, phát triển từ máy bay vận tải C-130J Super Hercules. Nó được trang bị một khẩu pháo GAU-23/A có cỡ nòng 30 mm và một khẩu pháo 105 mm.
Ngoài ra, cường kích tối tân này cũng có thể mang bom đường kính nhỏ GBU-39B nặng hơn 113 kg, để tăng cường khả năng tấn công chính xác tầm xa, cùng các loại tên lửa AGM-114 Hellfire và AGM-176 Griffin. AC-130J được thiết kế để đánh lừa các mục tiêu của đối phương ở trên cao, bắn phá các lực lượng của đối phương ở bên dưới.
Dòng máy bay cường kích của không quân Mỹ, có truyền thống phát huy hỏa lực hơn tất cả những tính năng khác. Hiện tại, không quân đang bắt đầu đa dạng hóa các khả năng của cường kích AC-130J bằng việc kết hợp bom lượn SDB và tên lửa Griffin, tạo cho nó khả năng tấn công mạnh mẽ.
Hệ thống vũ khí laser mới của AC-130J có thể được điều chỉnh để tạo ra hiệu ứng ít mang tính sát thương hơn. Trong tương lai, AC-130J sẽ được tích hợp các tia laser mạnh hơn, có thể gây chết người.
Tia laser có công suất 60 kilowatt cung cấp cho các chỉ huy của Mỹ nhiều lựa chọn, trong đó có việc làm kẻ thù tê liệt mà không cần dùng đến vũ khí sát thương.
Thủy thủ đoàn của một chiếc tàu cao tốc có vũ trang cỡ nhỏ của đối phương có thể mất khả năng tấn công nếu họ phát hiện vệt cháy trên động cơ. Nếu điều này không khiến họ bỏ cuộc, AC-130J có thể gia tăng sức mạnh và đốt cháy hoàn toàn động cơ.
Nếu mục tiêu vẫn tiếp tục tạo ra mối đe dọa đối với các lực lượng Mỹ thì vẫn luôn có một khẩu pháo 105mm sẵn sàng khai hỏa bất cứ lúc nào.
Việc tích hợp vũ khí laser trên cường kích AC-130J có thể mất đến vài năm. Trước đó vào năm 2015, không quân Mỹ đã đề nghị ngành công nghiệp vũ khí tích hợp hệ thống laser có công suất 120 kilowattt cho cường kích vào năm 2020. Nhưng có lẽ phải đến năm 2022, việc thử nghiệm mới có thể được tiến hành với hệ thống laser chỉ có công suất bằng 1 nửa yêu cầu.
Vũ khí laser có thể được bổ sung vào “thực đơn” của cường kích AC-130J, nhưng sẽ không thể thay thế hoàn toàn súng sử dụng năng lượng hóa học.
Tuy nhiên hệ thống vũ khí này cung cấp một khả năng phi sát thương “độc nhất vô nhị” mà các loại vũ khí khác không thể tạo ra được, trong đó có cả việc giải quyết một tình huống nguy hiểm bằng cách vô hiệu hóa các lực lượng của kẻ thù./.