Vụ Iran bắt tàu dầu: Anh và nhiều nước châu Âu đã phạm sai lầm quá lớn!

QS |

Anh chỉ có thể tự trách mình trong vụ Iran bắt tàu chở dầu. Họ đã tự biến mình trở thành mục tiêu mềm, thúc đẩy hành vi tồi tệ từ phía sẵn sàng liều lĩnh để có được thứ mình muốn.

Đó là nhận định của chuyên gia Dakota L. Wood, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Phòng thủ Quốc gia thuộc tổ chức Heritage Foundation.

Thời oanh liệt nay còn đâu

Vương quốc Anh từng có một lực lượng hải quân phi thường, với loạt chiến hạm mang những cái tên kiêu hùng như Courageous (Dũng cảm), Dauntless (Bất khuất), Indefatigable (Kiên cường)… Không chỉ là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, Hạm đội Anh còn như một sự đảm bảo "hữu hình" rằng Anh có khả năng giám sát mọi lợi ích quốc gia của mình.

Vụ Iran bắt tàu dầu: Anh và nhiều nước châu Âu đã phạm sai lầm quá lớn! - Ảnh 1.

Quy mô và năng lực của Hải quân Anh đã suy giảm rất nhiều so với trước đây. Ảnh minh họa: Defense News.

Trong những năm 1980, không bao lâu sau khi bà Margaret Thatcher trở thành Thủ tướng, Hải quân Hoàng gia Anh đã có trong tay 64 tàu chiến mặt nước và 16 tàu ngầm. Tuy nhiên hiện nay, con số này đã co nhỏ lại chỉ còn 19 tàu mặt nước (một nửa trong số chúng đang phải bảo dưỡng) và 10 tàu ngầm.

Đây là hệ quả của việc không được đầu tư đầy đủ - tình trang chung của phần lớn các nước châu Âu và thậm chí cả Mỹ. Giờ đây, Anh và nhiều quốc gia phương Tây khác có rất ít khả năng bảo vệ các lợi ích của mình, phần lớn không có khả năng răn đe những "hành vi tồi tệ", tương tự như những gì chúng ta đã chứng kiến ở vùng Vịnh.

Sai lầm của nhiều nước châu Âu

Theo chuyên gia Wood, Iran đôi lúc hành động trực tiếp (như bắt giữ và tấn công tàu dầu ở vùng Vịnh) nhưng thường thì nước này sử dụng các lực lượng ủy nhiệm như các tổ chức khủng bố Hezbollah, Hamas, Jihad, Sunni Al Qaeda…

Tehran luôn hướng tới mục tiêu phá hủy Israel và bí mật phát triển chương trình vũ khí hạt nhân vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ký kết năm 1970, đẩy mạnh phát triển các loại tên lửa đạn đạo có khả năng mạnh hơn, đào tạo và cung ứng cho phiến quân ở Iraq và nhiều nơi khác trên thế giới tấn công các lực lượng Mỹ, cũng như những bên mà Iran xem là kẻ thù.

Hezbollah có trong tay hàng chục nghìn tên lửa và rocket do Iran cung cấp, chúng được dùng để tấn công Israel. Iran đã trực tiếp hậu thuẫn cho các phần tử nổi dậy Houthi nhằm giành quyền kiểm soát Yemen và tấn công cơ sở vật chất, cũng như dân thường của Saudi Arabia. Nước này cũng hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad tại Syria.

Trực thăng, tàu cao tốc của IRGC vây bắt tàu chở dầu Anh

Do Iran đã vi phạm các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt đối với việc cung cấp dầu cho chính quyền Syria nên Anh gần đây đã bắt giữ một tàu chở dầu của Iran khi nó đang di chuyển gần Gibraltar. Tehran đã đáp trả bằng cách bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh đang hoạt động trong vùng biển quốc tế.

Mỹ, mặc dù không còn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ Trung Đông, nhưng nhận ra rằng phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn phụ thuộc vào dòng chảy năng lượng từ khu vực đầy rẫy những rắc rối này. Washington đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, nhằm gửi tín hiệu tới Iran rằng những hành động hung hăng và khiêu khích của họ sẽ không được tha thứ.

Iran đã có phản ứng như thế nào? Họ bắn hạ máy bay trinh sát không người lái của Mỹ trong không phận quốc tế, đe dọa bắt giữ một tàu chở dầu Anh (con tàu thoát hiểm trong gang tấc nhờ sự can thiệp của khinh hạm Anh) và dùng vũ lực ập lên hai chiếc tàu chở dầu khác của Anh và một chiếc đã bị bắt giữ.

Anh đã tức tốc tái huy động tàu chiến thứ hai tới khu vực và đẩy nhanh đợt triển khai của chiếc thứ ba. Tuy nhiên, Anh sẽ gặp phải nhiều khó khăn nếu muốn duy trì hoạt động hải quân ở cấp độ cao hơn do các vấn đề quốc phòng trong nước.

Khi được hỏi về tình hình hiện nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: "Nước Anh có trách nhiệm phải lo cho các tàu dầu của họ". Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nói tiếp rằng, Mỹ có vai trò tuần tra eo biển Hormuz nhưng "thế giới cũng đóng vai trò lớn trong việc này, nhằm duy trì tự do cho các tuyến đường biển".

Tuyên bố của ông Pompeo đã động chạm đến một vấn đề nhạy cảm ở Anh, bởi giờ đây khả năng còn lại của họ quá hạn chế. Thật không may, phần lớn các quốc gia châu Âu cũng đang trong tình cảnh tương tự.

Nhiều quốc gia châu Âu đang bày tỏ mong muốn đóng góp chung các nguồn lực để tổ chức các đợt tuần tra tại những vùng biển chiến lược ở vùng Vịnh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Wood, ở mặt nào đó, họ vẫn tìm cách gây áp lực để chính quyền Trump nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và giúp Tehran tìm cách để né tránh các biện pháp trừng phạt này.

Vị chuyên gia nhận định, với cách làm như vậy, Đức, Pháp và Anh đang cổ xúy cho hành vi hung hăng của Iran trong khu vực.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Dakota L. Wood


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại