Vụ Hoàng Công Lương: Người trong cuộc cũng không lường hết được diễn biến tiếp theo

PV |

Phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố y khoa xảy ra ngày 29/5/2017 tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày càng có thêm nhiều tình tiết không ngờ. Đúng như các luật sư công bố, nhiều chứng cứ mới đã được đưa ra trong phần tranh tụng.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, các luật sư đã đưa ra những chứng cứ thuyết phục để bảo vệ cho thân chủ của họ.

Trao đổi với báo chí sau khi kết thúc ngày xét xử thứ 9 (25/5/2018), Luật sư Nguyễn Danh Huế (Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) cho biết, là người trực tiếp tham dự phiên tòa này, nhưng ông cũng rất bất ngờ và không thể dự đoán được diễn biến tiếp theo của phiên tòa.

“Sự thật bị che đậy bởi 1-2 người thì có thể khó phát hiện, nhưng rất nhiều người cùng che đậy sự thật thì lại rất dễ bị lộ ra.” Luật sư Nguyễn Danh Huế nói.

“Nên việc các luật sư tung ra những bằng chứng, chứng cứ để chứng minh việc không khách quan trong vụ án này sẽ chưa dừng lại”.

Vụ Hoàng Công Lương: Người trong cuộc cũng không lường hết được diễn biến tiếp theo - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình.

“Bản thân tôi không thể dự đoán được về diễn biến tiếp theo của phiên tòa này. Như hôm nay chẳng hạn, tôi cứ nghĩ xong phần tranh luận, nhưng với diễn biến này thì chắc là phải thêm vài ngày nữa,” Luật sư Huế nói tiếp.

Trước khi phiên tòa này diễn ra, HĐXX dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 4 ngày. Thế nhưng, sau 9 ngày xét xử, vẫn chưa ai có thể nói trước được điều gì sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Tính đến hết ngày 25/5, trong số 6 luật sư của Hoàng Công Lương, đã có 3 luật sư kết thúc phần bào chữa (VKS chưa đối đáp), 2 luật sư chưa bào chữa, và 1 luật sư đang bào chữa dở dang.

Đáng chú ý, bài bào chữa của Luật sư Trần Hồng Phúc kéo dài đến mức trong buổi sáng thứ Sáu (25/5), sau khi bào chữa khoảng 1 giờ đồng hồ thì chủ tọa Nghiêm Hoài Anh phải đề nghị tạm dừng để nghỉ trưa. Buổi chiều cùng ngày, bà Phúc tiếp tục phần bào chữa kéo dài trọn 1 buổi chiều nhưng vẫn…. chưa xong.

Như vậy, sau khoảng phần bào chữa kéo dài khoảng 3,5 giờ đồng hồ, bà Phúc sẽ lại tiếp tục bài bào chữa "vắt qua hai tuần" của mình vào sáng thứ Hai (28/05).

Vụ Hoàng Công Lương: Người trong cuộc cũng không lường hết được diễn biến tiếp theo - Ảnh 2.

Luật sư Trần Hồng Phúc trong phiên tòa bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.

Nói về nguyên nhân dẫn đến phiên tòa kéo dài lâu hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu, Luật sư Huế cho rằng ngay từ đầu phiên tòa, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định sai tư cách của những người tham gia tố tụng, hoặc không xác định tư cách của những người tham gia tố tụng có liên quan.


Trong quá trình điều tra đã không xác định ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) và ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, PGĐ bệnh viện) tham gia tố tụng với tư cách gì .

“Việc xác định sai tư cách của một số mắt xích quan trọng trong vụ án này dẫn đến việc chỉ coi họ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nên không bắt buộc họ phải đến phiên tòa mà có thể ủy quyền cho người khác. Do vậy phiên tòa trở nên bế tắc.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phiên tòa kéo dài lâu hơn dự kiến,” Luật sư Nguyễn Danh Huế nói.

Ngoài ra, những vấn đề tưởng chừng như không liên quan trực tiếp đến phiên tòa nhưng lại đang gây trở ngại cho phiên tòa. Đó là: Quy trình khám chữa bệnh cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về quản lý y tế còn có lỗ hổng; Quy chế, nội quy của bệnh viện chưa được hoàn thiện, nên việc xác định lỗi của các chủ thể gặp nhiều khó khăn.

Chính vì những lỗ hổng nói trên nên nhiều nút thắt vụ án Bộ Y tế cũng không trả lời được.

Cũng theo Luật sư Huế, trong quá trình xét xử, các luật sư đã đưa ra những bằng chứng, chứng cứ cho thấy quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thu thập chứng cứ chưa được khách quan.

Đã có bằng chứng cho thấy có việc mớm cung, thông cung trong quá trình lấy cung bị can. Có những bằng chứng cho thấy có lời khai “sinh đôi”, cùng một thời gian nhưng một điều tra viên có thể hỏi được hai bị can khác nhau.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng có khuynh hướng buộc tội các bị cáo, thay vì theo nguyên tắc suy đoán vô tội.

“Một trong những căn cứ để buộc tội bác sỹ Hoàng Công Lương là Hoàng Công Lương đã ký thừa lệnh Trưởng khoa để đề xuất phương án sửa chữa hệ thống lọc RO số 2. Nhưng các luật sư đã đưa ra rất nhiều yêu cầu sửa chữa được ký bởi những bác sỹ khác nhau, chứng tỏ rằng vai trò của các bác sỹ là như nhau,” Luật sư Nguyễn Danh Huế lấy ví dụ.

Vụ Hoàng Công Lương: Người trong cuộc cũng không lường hết được diễn biến tiếp theo - Ảnh 3.

Hội đồng xét xử, TAND TP Hòa Bình.

Để phiên tòa được diễn ra khách quan, toàn diện, lỗi của tố tụng phải được xác định rõ. Những người có trách nhiệm phải được triệu tập đến; các chứng cứ do luật sư đưa ra phải được xem xét một cách khách quan, mới không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.


Một nguyên nhân khiến phiên tòa kéo dài hơn dự kiến là thời gian làm việc của Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình ngắn bất thường. Phiên tòa thường mở đầu từ 8h30’ sáng, thậm chí 8h45’và kết thúc vào 16h30’, thậm chí 16h15’.

Thậm chí, Luật sư Nguyễn Chiến (luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) đã phải lên tiếng đề nghị HĐXX tuân thủ giờ giấc hành chính trước khi kết thúc phần bào chữa cho thân chủ.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Luật sư Nguyễn Danh Huế, Thẩm phán, chủ tọa Nghiêm Hoài Anh là người điều hành phiên tòa khá tốt khi đã tạo ra không gian để các luật sư trình bày quan điểm pháp lý một cách thoải mái. Chủ tọa cũng đã hướng các luật sư đến những vấn đề quan trọng để điều hành phiên tòa. Có thể nói đây là một phiên tòa công khai, dân chủ.

Với tư cách là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, luật sư Huế cho biết ông và cộng sự đã thống nhất với lãnh đạo bệnh viện, đây là cơ hội để bệnh viện “làm mới” lại mình. Việc chỉ ra những tồn tại, yếu kém của bệnh viện cũng là giúp cho bệnh viện có được chất lượng tốt hơn, nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế.

Những chứng cứ được các luật sư đưa ra về quy trình mua sắm trang thiết bị y tế của bệnh viện cho thấy thực tế tồn tại đã rất nhiều năm. Việc đấu thầu, mua sắm thiết bị và sửa chữa thiết bị chưa được tuân theo đúng pháp luật.

“Tôi nghĩ hoàn toàn có thể có lợi ích nhóm trong này, vì việc mua sắm thiết bị của bệnh viện không được minh bạch.

Ví dụ hệ thống lọc nước RO được BVĐK tỉnh Hòa Bình mua của công ty Thiên Sơn, nhưng thực ra công ty Thiên Sơn không sản xuất được hệ thống đó mà đi mua qua mấy đơn vị khác. Có nghĩa là có rất nhiều khâu trung gian ở đây. Vậy tại sao BVĐK tỉnh Hòa Bình không trực tiếp mua từ nhà sản xuất có năng lực?” ông Nguyễn Danh Huế nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại