Nụ cười từ người Nga
Cuộc tấn công dữ dội vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Saudi Arabia hôm 14/9 đã dẫn đến một loạt cáo buộc từ các quan chức Mỹ đổ lỗi cho Iran.
Cây bút Finian Cunningham của tờ RT cho rằng, lý do cho việc đổ lỗi rất đơn giản: Washington (hay đúng hơn là vũ khí của Mỹ) đã thất bại thảm hại trong việc bảo vệ đồng minh Saudi của mình trước mối đe dọa từ bên ngoài.
Trong tuyên bố mới nhất về vụ tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói sẵn sàng hỗ trợ phòng thủ cho Saudi Arabia bằng cách bán cho Riyadh hệ thống tên lửa hiện đại S-400. Một tuyên bố có thể khiến người Mỹ ngậm ngùi.
"Chuyện như vậy đã đủ để họ đưa ra một quyết định khôn ngoan ở cấp Chính phủ, như Iran từng mua hệ thống S-300 hay như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã làm là mua hệ thống phòng không mới nhất S-400", ông Putin nói. "Những hệ thống này sẽ bảo vệ bất kỳ mục tiêu hạ tầng nào ở Saudi Arabia một cách hiệu quả".
Phát biểu của nhà lãnh đạo Nga dù vô tình hay hữu ý cũng giống như một gáo nước lạnh dội vào người Mỹ. Trong vài năm trở lại đây, nhiều quốc gia đã bắt đầu chuyển hướng sang các hệ thống phòng thủ của Nga nhiều hơn.
Và hiện tại, sau cuộc tấn công ở Saudi, uy tín vũ khí Mỹ lại càng giảm xuống, khách hàng của Moscow rất có thể lại tăng lên. Trước đó, quốc gia Ả Rập đã không giấu giếm ý định mua S-400 từ Nga nhưng đã vấp phải áp lực phản đối từ đồng minh Washington.
"Chính quyền Trump cần quy trách nhiệm cho Iran về vụ tấn công quân sự mới nhất vào Saudi, vì nếu chỉ thừa nhận phiến quân Houthi thực hiện một cuộc tấn công táo bạo như vậy vào trung tâm vương quốc dầu mỏ, nó sẽ không khác gì việc Mỹ tự thừa nhận mình yếu kém", cây bút Cunningham chỉ rõ.
Saudi đã chi hàng tỷ đô la trong những năm gần đây để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ và được cho là cả công nghệ radar tiên tiến từ Lầu Năm Góc.
"Nếu phiến quân ở Yemen có thể đưa máy bay không người lái chiến đấu đi xa tới 1.000 km vào lãnh thổ Saudi và đánh sập các cơ sở dầu mỏ của vương quốc, thì đó sẽ là một vấn đề rất xấu hổ đối với hệ thống bảo vệ của Mỹ", Cunningham nói thêm.
Trên hết, sự bảo vệ của Mỹ đối với Saudi dựa trên mối quan hệ lịch sử. Giá trị xuất khẩu dầu của Saudi là lớn nhất trên hành tinh, nó rất quan trọng để duy trì thị trường "Dollar dầu mỏ" (petrodollar) toàn cầu, cũng như rất quan trọng đối với sức mạnh kinh tế của Mỹ.
Đổi lại, Mỹ có nghĩa vụ phải là người bảo vệ đối với Saudi Arabia, trong khi có thể hưởng lợi ích từ việc bán vũ khí trị giá hàng tỷ đô la mỗi năm với vương quốc này.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Saudi có ngân sách quân sự lớn thứ ba thế giới , sau Mỹ và Trung Quốc.
Với chi tiêu hàng năm khoảng 68 tỷ USD, quốc gia Ả Rập đứng số một thế giới về tỷ lệ chi tiêu quốc phòng dựa trên GDP (8,8%). Hầu hết các vũ khí của Saudi đều có nguồn gốc từ Mỹ, đáng chú ý là các hệ thống tên lửa Patriot có giá trị lớn.
Tuy nhiên, bất chấp việc là một quốc gia có nguồn tài chính khổng lồ và sở hữu công nghệ quân sự tốt nhất của Mỹ, vương quốc dầu mỏ đã hứng chịu một đợt tấn công có khả năng làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ quan trọng của mình.
Đổ lỗi vội vàng
Sự bảo vệ của Mỹ đã không giúp Saudi tránh khỏi tổn thất đáng kể.
Sản lượng dầu mỏ tại nhà máy lọc dầu khổng lồ của Saudi ở Abqaiq, cách 330 km về phía Đông Thủ đô Riyadh, đã giảm 50% sau khi bị nhấn chìm bởi ngọn lửa sau cuộc không kích. Một trong những mỏ dầu lớn nhất của Saudi tại Khurais cũng đã bị đóng cửa một phần.
Có những báo cáo cho thấy thiệt hại còn nghiêm trọng hơn nhiều so với các quan chức Saudi công bố. Những cơ sở công nghiệp trọng tâm của vương quốc có thể mất vài tuần để sửa chữa.
Hàng loạt các quan chức Mỹ đã lên tiếng đổ lỗi vụ tấn công cho Iran, bao gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Trong nỗ lực vội vã để chứng minh các cáo buộc chống lại Iran, hình ảnh vệ tinh sau cuộc không kích ở cơ sở sản xuất dầu Abqaiq đã được công bố. Các quan chức Mỹ tuyên bố vị trí của vụ nổ cho thấy vũ khí có nguồn gốc không phải từ Yemen ở phía Nam, mà từ Iran hoặc Iraq.
Tuy nhiên, New York Times đã tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố này, bình luận rằng hình ảnh vệ tinh không rõ ràng như những gì các quan chức nêu trước đó, với một số thiệt hại ở khu vực phía Tây cơ sở, không phải từ hướng của Iran hoặc Iraq.
Đáng chú ý là Tổng thống Donald Trump đã kiềm chế không công khai đổ lỗi trực tiếp cho Iran mà chỉ tuyên bố đang chờ xác minh từ phía Saudi.
Về phần mình, Iran đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc rằng họ có bất kỳ sự liên quan nào, nói rằng các tuyên bố của ông Pompeo là không phù hợp và gây nguy cơ xung đột.
Trong khi đó, chính phiến quân Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm về các cuộc không kích vào cơ sở dầu của Saudi.
Xâu chuỗi lại các thông tin trên, cây bút Cunningham cho rằng, dường như các quan chức Mỹ đang cố tình đánh lạc hướng câu chuyện bằng cách đổ lỗi cho Iran. Đó là một động thái liều lĩnh vì hậu quả như vậy có thể gợi ra một cuộc tấn công quân sự chống lại Iran, điều mà phía Tehran luôn sẵn sàng trả đũa.
"Năng lực phòng không của Mỹ dù được ca ngợi nhiều nhưng đã không thể cung cấp cho đồng minh Saudi sự bảo vệ chiến lược, bất kể việc họ đã chi hàng tỷ đô la vũ khí cho Lầu Năm Góc. Đó là lý do tại sao Washington phải tìm một cái cớ bằng cách chọn Iran là kẻ xấu", Cunningham kết luận.