Vụ bê bối khủng hoảng Hải quân Mỹ

Lê Công Vũ |

Vụ bê bối lộ thông tin liên quan đến Leonard Glenn Francis - thường được gọi là Leonard “béo” - kinh khủng đến mức đảo lộn mọi mặt tổ chức, hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương.

Xưa nay, mối quan hệ gần gũi, nếu không muốn nói là vượt quá mức bình thường giữa các sỹ quan cấp cao trong hải quân Mỹ và giới doanh nhân nước này thật ra không phải chuyện lạ.

Vậy nhưng vụ bê bối lộ thông tin liên quan đến Leonard Glenn Francis - thường được gọi là Leonard “béo” - kinh khủng đến mức đảo lộn mọi mặt tổ chức, hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng, chính phủ lẫn cử tri Mỹ đã phải vật lộn với những câu hỏi vô cùng khó khăn và liên quan trực tiếp đến bản chất của lực lượng Hải quân nước này.

Leonard “béo” là một công dân Malaysia gốc Mỹ. Ông ta giữ chức tổng giám đốc Tập đoàn Glenn Marine Group điều hành nhiều hải cảng tại các quốc gia Đông Nam Á.

Glenn Defense Marine Asia (GDMA), một công ty con của Glenn Marine Group, đảm nhận việc vận chuyển, tiếp tế nhiên liệu, lương thực, nước, thuốc men và dọn dẹp các tàu chiến của Mỹ và một số quốc gia khác hoạt động trong vùng biển Thái Bình Dương.

Trong khoảng thời gian từ 2006 - 2013, GDMA đã hối lộ 500.000 USD cho mỗi sỹ quan cấp tá trở lên trong Hạm đội Thái Bình Dương. Việc hối lộ diễn ra dưới dạng biếu xén vật phẩm đắt tiền; tổ chức các tour du lịch, và thuê gái điếm cho các sỹ quan.

Theo nguyên tắc “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, Leonard yêu cầu mình được “đền đáp” bằng hai thứ. Thứ nhất, tập đoàn của ông ta được bảo vệ khỏi mọi cuộc điều tra do chính phủ Mỹ tiến hành. Thứ hai, Leonard có quyền tiếp cận các thông mật của Hải quân Mỹ như hải trình của các tàu chiến và thông tin đấu thầu.

Vụ bê bối khủng hoảng Hải quân Mỹ - Ảnh 2.

Leonard Francis.

Quyền lực của Leonard “béo” trong Hạm đội Thái Bình Dương lớn đến mức ông ta có thể ra lệnh cho các sỹ quan thay đổi hải trình của tàu chiến Mỹ. Cho dù là tàu ngầm hay tàu sân bay cũng đều phải cập vào các cảng do Glenn Marine Group quản lý và được GDMA phục vụ.

Giá cả các hàng hoá, dịch vụ do GDMA cung cấp đều cao hơn mức trung bình thị trường từ 1,5 đến 3 lần.

Đến nay khoản lợi nhuận mà Leonard đã thu vẫn chưa được công bố, nhưng theo các nhà quan sát, con số này có thể lên đến hơn 900 triệu USD. Ngoài ra Leonard còn sử dụng ảnh hưởng để nhận lấy cho mình nhiều huân chương, giải thưởng do hải quân Mỹ trao tặng như một cách đánh bóng bản thân.

Một vị thanh tra từ Cục Điều tra tội phạm hải quân (NCIS), ông Dave Schauss, đã mở cuộc điều tra GDMA vào năm 2006 trước khi bị tay chân của Leonard tìm cách buộc thôi việc.

Sau khi rời khỏi NCIS, Dave tiếp tục điều tra độc lập, đồng thời gõ cửa mọi cơ quan mong tìm được sự giúp đỡ. Cuối cùng ông cũng tìm được bằng chứng quan trọng chứng minh việc GDMA đã cố ý tăng giá dịch vụ đối với các tàu đỗ lại hải cảng của họ tại vịnh Subic, Malaysia. Ông đem kết quả điều tra trình báo lên NCIS…

Theo lời của Dave thì những sự việc xảy ra tiếp theo không khác gì “địa ngục” đối với ông. Ông liên tục nhận những lời đe dọa nhắm vào bản thân và gia đình. Thậm chí từng có lần Dave bị hành hung ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Trong khi đó “tay trong” của Leonard gài trong NCIS làm mọi việc để cản trở cuộc điều tra. Bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan đến GDMA cũng đều bị dừng lại giữa chừng mà không có bất cứ một lời giải thích.

Phải đến năm 2010 Hải quân Mỹ mới phát hiện ra “nội gián” của Leonard gài trong NCIS, mở đường cho một cuộc điều tra mới. Sau ba năm điều tra, Leonard Glenn Francis và hàng loạt sỹ quan hải quân bị đưa ra toà. Vụ kiện kéo dài đến 7 năm, một phần do quy mô của cuộc điều tra quá lớn, phần khác vì sức khoẻ của Leonard xuống dốc, buộc ông ta phải thường xuyên nhập viện.

Vụ bê bối khủng hoảng Hải quân Mỹ - Ảnh 3.

Vụ bê bối đã khiến không ít các vị đô đốc của Hạm đội 7 phải từ chức.

Một bộ máy rối loạn

Kể từ 31 đối tượng bị đưa ra toà ban đầu, NCIS đã điều tra tổng cộng 440 người, trong đó có 60 vị đô đốc vì có liên quan đến Leonard “béo”. Nhiều sỹ quan cấp cao trong Hạm đội Thái Bình Dương đã buộc phải từ chức, ví dụ như hai vị đô đốc Robert Willard và Joe Donnelly.

Vụ kiện được đưa ra toà dân sự, trừ một số cá nhân đặc biệt bị toà án hải quân Mỹ xét xử riêng. Họ bị buộc những tội danh nặng nhất trong quân luật gồm có nhận hối lộ; tuỳ tiện ra lệnh; bất tuân lệnh cấp trên, và có hành vi khả ố trái với chuẩn mực sỹ quan.

Đặt sang một bên vấn đề đạo đức, vụ bê bối liên quan đến Leonard “béo” đã làm đảo ngược hoàn toàn bộ máy mang tên Hạm đội Thái Bình Dương. Hàng trăm sỹ quan bị tạm ngừng công tác trong khi bị điều tra.

Theo lời nguyên Thư ký Hải quân Ray Mabus, thì: “Hạm đội Thái Bình Dương giống như một đoàn tàu không có đầu tàu. Chúng ta đang đứng trước khả năng phải tạm ngừng toàn bộ hoạt động của hạm đội để tổ chức lại mọi thứ!” Nhận xét này được Ray Mabus đưa ra sau khi đã ký 12 đơn cách chức các đô đốc.

Người kế nhiệm Ray Mabus giữ chức Thư ký Hải quân, Richard V. Spencer, đã cố gắng tìm cách xây dựng lại bộ máy chỉ huy của hạm đội 7. Vậy nhưng ông này gặp phải vô số khó khăn vì có quá nhiều sỹ quan bị điều tra đến mức không biết tìm ra một người thực sự trong sạch để thăng cấp.

Không có “người lèo lái”, khả năng Hạm đội Thái Bình Dương tự điều phối hoạt động của mình đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt trên phương diện hậu cần.

Sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cắt hợp đồng hậu cần với 566 doanh nghiệp, trong đó có 548 công ty sẽ không bao giờ được làm ăn với Hải quân Mỹ nữa.

Trong khi các cấp có trách nhiệm tìm đối tác mới, những tàu chiến Mỹ thay vì cập cảng ở Đông Nam Á để tiếp tế, sửa chữa,… nay phải đi ngược lên quân cảng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Chi phí về con người; thời gian và các nguồn lực khác đã bị đẩy lên mức khó chấp nhận được.

Mặt khác, một cuộc điều tra tiến hành sau khi vụ án được đưa ra toà, có rất nhiều người trong hàng ngũ hải quân Mỹ biết về những hành vi phạm pháp của Leonard “béo” và các cấp sỹ quan chỉ huy.

Để bảo vệ công việc và sự an toàn của bản thân, họ phải chịu “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không báo cáo các cấp chỉ huy của mình. Từ thủy thủ đến các cấp thuyền trưởng đều mất niềm tin vào chỉ huy của họ. Trong hoàn cảnh đó thật khó để có một bộ máy hoạt động hiệu quả và thống nhất được.

“Vòi bạch tuộc” của Leonard lan đến cả hải quân Úc, Malaysia và Philipines. Hiện Mỹ đang tìm cách đưa các đối tượng nước ngoài có liên quan đến vụ án sang Mỹ làm nhân chứng, đơn cử như cựu thiếu tá Alex Gillet, sỹ quan Hải quân Hoàng gia Úc giữ nhiệm vụ quan sát viên trên tàu USS Blue Ridge, nhưng lại gặp phải sự phản đối từ chính quyền các nước này.

Mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh do thế mà trở nên căng thẳng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hợp tác quân sự của họ.

Vụ bê bối khủng hoảng Hải quân Mỹ - Ảnh 4.

Tình hình nội bộ hạm đội 7 của hải quân Mỹ hiện vô cùng rối ren.

Vấn đề nội tại

Kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền và cho thực hiện chính sách “xoay trục sang châu Á”, hải quân Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của mình. Họ điều sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương những sỹ quan tài giỏi và có kinh nghiệm nhất trong hàng ngũ.

Sự sa ngã của các sỹ quan này vì vậy đã đem lại một cú sốc lớn cho Hải quân và Bộ Quốc phòng Mỹ. Tại sao lực lượng sỹ quan tinh nhuệ này lại trở thành đồng phạm trong vụ án tham nhũng có quy mô lớn nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ?

Theo nhận xét của các chuyên gia, chính những vấn đề cơ bản trong nội bộ Hải quân Mỹ đã tạo điều kiện để tham nhũng sinh sôi. Thứ nhất, kể từ khi phát động cuộc chiến tranh chống khủng bố, Hải quân Mỹ đã tăng cường hoạt động trên tất cả các vùng biển quốc tế.

Tàu chiến Mỹ buộc phải cập vào những hải cảng dân sự và dựa vào sự phục vụ của các doanh nghiệp tư nhân để tiếp tục hoạt động. Đây là cơ hội lý tưởng để những công ty làm ăn không trong sạch như GDMA trở thành đối tác của Bộ Quốc phòng Mỹ. Cứ 100 tàu của hải quân Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương thì có đến 70 tàu nhận sự tiếp tế, bảo trì,… từ GDMA.

Nếu như trước đây Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập hẳn những cơ quan, cục, nhà máy,… để phục vụ nhu cầu hoạt động của quân đội, thì nay nhiều trọng trách đã được giao hẳn cho công ty bên ngoài.

Sự thay đổi này bắt nguồn từ chính sách tư nhân hoá có từ thời cố tổng thống Ronald Reagan với mục tiêu làm gọn lực lượng và giảm chi phí hoạt động. Hiệu quả tích cực của chính sách này cũng có, nhưng một điều có thể nhận ra ngay là quân đội Mỹ đã mất phần nhiều khả năng kiểm soát các hoạt động hậu cần, tiếp tế,…

Nếu một doanh nghiệp như GDMA bất ngờ tuyên bố tăng mức giá hàng hoá, dịch vụ, hải quân Mỹ không có đủ quyền hạn để trực tiếp kiểm tra, kiểm soát từng bước hoạt động của GDMA mà phải thông qua các cơ quan dân sự, tạo điều kiện để những đối tượng bất lương che giấu gian lận.

Một hậu quả khác của chính sách tư nhân hoá là thu hẹp khoảng cách giữa các sỹ quan và giới doanh nhân. Mới chỉ cách đây khoảng 30 năm, ít người có thể tưởng tượng ra cảnh sỹ quan hải quân dự tiệc với những ông chủ doanh nghiệp.

Họ được giảng dạy tại học viện sỹ quan là phải giữ khoảng cách với bên dân sự nhằm không làm ảnh hưởng đến khả năng chỉ huy của mình. Điều này ngày nay không còn đúng. Quan hệ giữa hai bên đã trở nên rất gần gũi nhờ vào vỏ bọc “gây dựng mối quan hệ với các đối tác”.

Việc Leonard “béo” tổ chức những bữa tiệc xa hoa, tour du lịch đắt tiền dành cho sỹ quan, hay việc các cấp chỉ huy sau khi nghỉ hưu nhận được các chức vụ cố vấn, thành viên ban quản trị trong các công ty con của Glenn Marine Group được coi là việc bình thường.

Một số nhỏ các binh sỹ, cán bộ nhận ra sự thật đằng sau những hợp đồng với GMDA cũng không dám đứng lên nói ra sự thật. Như đã nhắc đến ở trên, họ lo sợ cho sự nghiệp và an toàn tính mạng của bản thân và gia đình.

Nhưng mặt khác sự thân thiết lộ liễu giữa cấp chỉ huy và Leonard “béo” khiến họ trở nên ngại ngần. Hầu hết những hành vi hối lộ được ông ta làm giữa thanh thiên bạch nhật, dưới sự chứng kiến của rất nhiều cá nhân giữ vị trí quan trọng trong hải quân.

Vì những cá nhân này không có phản ứng gì hay thậm chí còn hưởng lợi từ việc hối lộ, binh lính dưới quyền họ sẽ ít có động lực đứng lên để bảo vệ lẽ phải, cho phép Leonard và đồng bọn tự do “tác yêu tác quái” trong thời một gian dài.

Vụ bê bối tham nhũng và rò rỉ thông tin liên quan đến Leonard “béo” tuy là scandal lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Hải quân Mỹ, nhưng có lẽ cũng chỉ như bề nổi của một tảng băng chìm.

Cái mà những nhà điều tra phát hiện không chỉ giới hạn trong một âm mưu, mà là hàng loạt vấn đề liên quan đến tổ chức, luật lệ, tư cách đạo đức,… Nếu các bên có quyền hạn tiếp tục bỏ qua cho những vấn đề này, chúng chắc hẳn sẽ còn gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa.

Nhận ra điều này, ông Lloyd Austin, người sắp lên nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ vào tháng Giêng năm sau, đã đặt mục tiêu cải tổ mọi mặt Hải quân nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra.

Đây có vẻ như là một quyết định vô cùng đúng đắn trong bối cảnh hiện tại mà nước Mỹ phải đối mặt và cử tri nước này đang tỏ ra không vừa lòng với cách vận hành hiện tại của quân đội. Câu hỏi cần đặt ra là Bộ Quốc phòng Mỹ sẵn sàng làm đến đâu để giải quyết những vấn đề đã “bắt rễ” vào nền móng lực lượng Hải quân như hiện nay?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại