Với quân bài răn đe này của Venezuela, Mỹ dù có thắng cũng chuốc lấy nhục nhã?

QS |

"Cứ cho là Mỹ chắc chắn thắng, nhưng nếu chiến thắng này hủy hoại hình ảnh một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của họ thì nó chẳng đáng giá"- Military Watch viết.

Mỹ có thể thắng nhưng không vẻ vang gì

Trong bối cảnh Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục cân nhắc khả năng tiến hành hành động quân sự chống lại Venezuela giữa lúc khủng hoảng leo thang thì năng lực của lực lượng vũ trang Venezuela nhằm ngăn chặn một cuộc lật đổ chính quyền đã trở thành câu hỏi được đặt ra nhiều lần.

Theo tạp chí Military Watch (MW), lực lượng lục quân và dân quân của Venezuela có quy mô lớn và đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một chiến dịch du kích nhằm chống lại đối thủ tiềm năng nhưng quân đội Venezuela vẫn phải đối mặt với khả năng Mỹ sẽ giành chiến thắng bằng cách chiếm ưu thế áp đảo trên không.

Mặc dù Venezuela đã tích cực đầu tư cho phòng không nhưng ngay cả với mạng lưới đa lớp tinh vi, trong đó có S-300VM, Buk-M2 và S-125 (với tầm bắn từ ngắn đến xa, được bổ trợ bởi các hệ thống pháo phòng không và tên lửa vác vai – MANPADS) thì khả năng phòng thủ của Venezuela trước một cuộc tấn công trực diện từ Mỹ vẫn là câu hỏi lớn.

Máy bay ném bom hạng nặng B-1B và B-52H, cũng như tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ có thể dùng tên lửa hành trình đánh vào các cơ sở quân sự của Venezuela từ ngoài phạm vi tấn công trả đũa của Caracas.

Các hệ thống phòng không của Venezuela, như S-300VM, có thể sẽ ngăn chặn được một số lượng đáng kể tên lửa Mỹ, nhưng một số quả vẫn sẽ lọt qua được để làm suy yếu mạng lưới phòng không của Venezuela, và vô hiệu hóa các mục tiêu quan trọng như sân bay và trung tâm chỉ huy.

Tuy mỗi tên lửa hành trình cận âm của Mỹ có chi phí tới hơn 1 triệu USD/quả nhưng các tổ hợp S-300VM và Buk-M2 của Venezuela có khả năng sẽ cạn kiệt tên lửa đánh chặn trước khi Mỹ bắn hết số tên lửa hành trình của họ, ngay cả trong trường hợp tỷ lệ đánh chặn thành công khá lớn.

Ngoài ra, tiêm kích tàng hình F-22 Raptor và máy bay tấn công điện tử EC-130H của Không quân Mỹ là hai mẫu máy bay lý tưởng để áp chế các hệ thống phòng không tiên tiến của đối phương. Chúng có khả năng kết hợp với các phương tiện tấn công khác để vô hiệu hóa mạng lưới phòng không Venezuela ngay từ giai đoạn đầu của chiến dịch.

Tuy nhiên, theo MW, cứ cho là Mỹ chắc chắn giành chiến thắng, nhưng nếu chiến thắng này hủy hoại hình ảnh của một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của họ thì nó chẳng đáng giá.

Với quân bài răn đe này của Venezuela, Mỹ dù có thắng cũng chuốc lấy nhục nhã? - Ảnh 1.

Khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ bắn tên lửa hành trình.

Quân bài răn đe của Venezuela

MW cho hay, tổ hợp S-300VM đi trước khoảng 40 năm về mức độ tinh vi so với bất cứ hệ thống phòng không tầm xa nào mà phương Tây từng đối mặt.

Và mặc dù Không quân Mỹ có đủ khả năng tấn công các mục tiêu của Venezuela từ ngoài tầm đánh chặn của S-300VM nhưng nếu tỷ lệ tên lửa Mỹ bị bắn hạ khá cao và điều này lặp lại trong nhiều đợt tấn công thì hình ảnh về sức mạnh quân sự Mỹ, cũng như vũ khí Mỹ sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.

Không chỉ được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa, S-300VM cũng là hệ thống phòng không tầm xa di động nhất trên thế giới, bên cạnh phiên bản mới S-300V4 – một thiết kế ưu tiên đảm bảo khả năng sống sót.

Xe phóng của tổ hợp tên lửa này mang lại cho nó khả năng vượt địa hình mà S-300PMU-2 và S-400 còn thiếu sót.

Với quân bài răn đe này của Venezuela, Mỹ dù có thắng cũng chuốc lấy nhục nhã? - Ảnh 2.

Tổ hợp tên lửa đất-đối-không S-300VM của Venezuela.

Hệ thống phòng không tầm ngắn Buk-M2, thậm chí được thiết kế với mức độ cơ động lớn hơn, có thể làm phức tạp thêm các đánh giá rủi ro đối với Washington.

Nếu Mỹ thất bại trong việc vô hiệu hóa các sân bay của Venezuela trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột thì hiệu quả tác chiến của các hệ thống phòng không này, cũng như các tiêm kích Su-30MK2 của Venezuela, có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với họ.

Các tiêm kích được vũ trang hạng nặng trên đại diện cho năng lực trả đũa của Venezuela – không chỉ nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực, mà cả chính các máy bay chiến đấu Mỹ.

Với hệ thống cảm biến mạnh mẽ, tốc độ cao và tầm bắn xa, Su-30MK2 có tiềm năng tạo ra mối đe dọa lớn đối với các máy bay ném bom, máy bay cảnh báo sớm và hỗ trợ quan trọng của Mỹ.

Với quân bài răn đe này của Venezuela, Mỹ dù có thắng cũng chuốc lấy nhục nhã? - Ảnh 3.

Tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-30MK2 của Venezuela.

Các chiến đấu cơ Su-30MK2 của Venezuela hiện được trang bị tên lửa hành trình chống tàu Kh-29L/T, Kh-31A và Kh-59M. Tầm bắn của các tên lửa này kết hợp với phạm vi hoạt động đáng kể của Su-30MK2 sẽ cho phép các chiến đấu cơ của Venezuela uy hiếp các tàu chiến của đối phương đang hoạt động ngoài tầm phòng không.

Tên lửa dưới âm Kh-59M có tầm bắn 115km, mang đầu đạn nặng 320kg và có độ chính xác cao. Trong khi đó, tên lửa Kh-31A chỉ mang đầu đạn nặng 94kg và có tầm bắn 103km nhưng nó tỏ ra nguy hiểm hơn do có tốc độ lên tới Mach 3.5 – đủ để "xẻ đôi" tàu chiến đối phương với một cú đánh trực diện.

Tên lửa Kh-29T mang đầu đạn lớn hơn Kh-31A – 320kg nhưng có tầm bắn hạn chế - chỉ 12km.

Ngoài 3 loại tên lửa trên, theo công ty tư vấn IISS, các lực lượng vũ trang Venezuela còn được tiếp cận tên lửa hành trình phóng từ trên không AM39 Exocet của Pháp.

Ban đầu, chúng được mua để trang bị trên các tiêm kích Mirage-5 nhưng sau đó đã được điều chỉnh để bắn từ mặt đất hoặc triển khai từ một loại chiến đấu cơ nào đó của Venezuela.

Mặc dù Không quân Venezuela không có sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm – khiến các phi đoàn máy bay Mỹ chiếm được lợi thế lớn nếu đối đầu – nhưng cuộc tấn công phối hợp của toàn bộ 4 phi đoàn Su-30MK2 sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu chiến và cơ sở quân sự của Mỹ.

Một nửa máy bay trong số này có thể trang bị tên lửa tầm xa R-77 và R-27ER, trong khi nửa còn lại được trang bị vũ khí dùng để tấn công hoặc săn lùng tàu chiến.

Với quân bài răn đe này của Venezuela, Mỹ dù có thắng cũng chuốc lấy nhục nhã? - Ảnh 5.

Tiêm kích Su-30 phóng tên lửa hành trình Kh-29.

Nhìn chung, MW nhận định, việc Venezuela không tích cực đầu tư vào năng lực răn đe tiên tiến sẽ khiến nước này gặp nhiều rủi ro hơn trước một cuộc tấn công tiềm năng. Điều đó cũng khiến Venezuela phải phụ thuộc rất nhiều vào đồng minh để ngăn Mỹ tấn công.

Mức độ tinh vi của các hệ thống đường không tiên tiến nhất mà Venezuela đang có trong tay có thể là nhân tố răn đe thứ hai đối với Mỹ, mặc dù chúng có lẽ sẽ không đóng vai trò quyết định do số lượng tương đối nhỏ, năng lực vận hành của lực lượng Venezuela còn nhiều nghi ngại và cũng có khả năng Mỹ sẽ sử dụng vũ khí tầm xa để giảm bớt rủi ro khi tác chiến ở cự ly gần.

Cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ được giải quyết như thế nào, liệu Mỹ và đồng minh có đi đến hành động quân sự nào hay không, chỉ có thời gian mới có câu trả lời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại