Ấn Độ không thể công bố video bằng chứng
Theo tin độc quyền của công ty truyền hình NDTV, một bản đánh giá của Không quân Ấn Độ (IAF) về cuộc không kích ngày 26/2 vào doanh trại khủng bố Jaish-e-Mohammed ở Balakot đã xác nhận rằng, mặc dù các quả bom được thả của họ đã đánh trúng mục tiêu nhưng tên lửa không-đối-không Crystal Maze đã không được phóng đi.
Đoạn video, mà IAF muốn công bố sau vụ tấn công, sẽ là bằng chứng cho thấy các máy bay chiến đấu Ấn Độ đã không kích và tiêu diệt mục tiêu bên trong căn cứ khủng bố Jaish gần thị trấn Bisian, tỉnh Khyber Pakhtunwa (Pakistan).
Đồng thời, các tiêm kích Mirage 2000 của IAF – những chiếc đã băng qua Đường kiểm soát (LoC) giữa hai nước hôm 26/2 – đã ném được 5 quả bom xuyên phá SPICE 2000 đánh trúng các tòa nhà mục tiêu, mặc dù không làm sập hoàn toàn.
Tiêm kích Mirage 2000 với tên lửa Crystal Maze. Điều kiện thời tiết đã khiến IAF không thể triển khai tên lửa này trong cuộc không kích hôm 26/2.
Một nguồn tin nắm rõ chiến dịch ngày hôm đó của Ấn Độ cho biết, bom SPICE 2000 đã được triển khai nhằm vào "4 mục tiêu" và "trúng vào 3 mục tiêu trong số này". Một mục tiêu bị trúng 3 trái bom, và với hai mục tiêu còn lại, mỗi mục tiêu trúng 1 trái bom.
Tuy nhiên, khác với tên lửa Crystal Maze, bom SPICE 2000 không được thiết kế để truyền về máy bay mẹ đoạn video trực tiếp ghi lại hình ảnh chúng tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu.
Do đó, IAF không thể công bố đoạn video của cuộc tấn công này. Thay vào đó, họ đánh giá mức độ thành công của chiến dịch thông qua các hình ảnh vệ tnih với độ phân giải cao do một đối tác chiến lược cung cấp.
Các điều khoản bảo mật đã khiến IAF không thể công khai những hình ảnh này. Hiện chưa rõ liệu IAF có trong tay các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao nhưng không thuộc dạng phải bảo mật hay không và liệu họ có công bố những hình ảnh đó trong tương lai hay không.
Trao đổi với NDTV, các nguồn tin nắm rõ về cuộc tấn công của IAF nhằm vào doanh trại khủng bố Jaish-e-Mohammed cho biết, sự xuất hiện của các đám mây bay thấp đã ngăn cản IAF bắn 6 tên lửa Crystal Maze, trong khi theo kế hoạch ban đầu, chúng sẽ đồng hành cùng bom SPICE 2000.
Bom SPICE 2000 không được thiết kế để làm sập hoàn toàn các cấu trúc mà nó tấn công.
Bên cạnh đó, "Crystal Maze được dẫn đường bằng GPS để bay tới mục tiêu nhưng để tên lửa tiếp cận chính xác điểm muốn tấn công, phi công phải điều khiển nó thông qua một liên kết dữ liệu điện tử kết nối máy bay và tên lửa".
Theo dự tính ban đầu của IAF "Tên lửa Crystal Maze sẽ nhắm vào mục tiêu ở tầng thượng, còn bom SPICE sẽ đánh vào mục tiêu ở tầng 1 và tầng trệt". Khi kết hợp cùng nhau, các loại vũ khí thông minh này sẽ quét sạch toàn bộ các phần tử khủng bố và phá hủy toàn diện cấu trúc tòa nhà.
Che giấu thất bại ê chề?
Việc không thể công bố bằng chứng bằng video hay hình ảnh đã gây cho IAF nhiều vấn đề, đặc biệt là sau khi các hình ảnh vệ tinh chụp doanh trại Jaish một ngày sau cuộc tấn công cho thấy các cấu trúc của nó vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một vài dấu vết hư hại do bom gây ra.
Theo ông Adrian Zevenbergen – Giám đốc quản lý công ty European Space Imaging (đơn vị đã công bố hình ảnh chụp doanh trại Jaish một ngày sau vụ tấn công của IAF), "Căn cứ vào bức ảnh do vệ tinh Worldview-2 chụp lại các tòa nhà tại đây, không có bằng chứng nào cho thấy có một vụ ném bom đã diễn ra. Không có những lỗ hổng lớn trên nóc các tòa nhà, cũng như trên đường phố hay khu vực cây cối xung quanh".
Tuy nhiên, IAF vẫn một mức khẳng định họ đã đánh trúng các mục tiêu bằng bom SPICE 2000. Một hình ảnh với độ phân giải cao do một số phóng viên có được đã cho thấy bom của IAF đánh trúng vào tòa nhà ở phía bắc doanh trại Jaish – có vẻ là khu nhà ở của những phần tử khủng bố đang được huấn luyện tại đây.
Theo IDF, "bom SPICE 2000 đã tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu mềm trong vụ nổ". Khác với tên lửa Crystal Maze, bom xuyên phá SPICE 2000 không được thiết kế để đánh sập tòa nhà mục tiêu mà nó tấn công.
Dù cuộc tấn công hôm 26/2 của Ấn Độ có thành công hay không, thì nó cũng đã dẫn đến hệ quả là cuộc không chiến cam go với Pakistan một ngày sau đó.
IAF tuyên bố tiêm kích MiG-21 của họ đã bắn hạ được một chiến đấu cơ F-16 của Pakistan trước khi chiếc MiG-21 cũng trúng tên lửa và rơi xuống.
Phi công Ấn Độ đã nhảy dù xuống khu vực do Pakistan kiểm soát, bị bắt làm tù binh và được trao trả vào tối 1/3 dưới sự chứng kiến của quan chức quốc phòng hai nước.