Vô sinh nam có chữa được không?

Võ Hồng Thu |

Vô sinh nam chiếm tới gần một nửa số ca thăm khám vô sinh, đó là chia sẻ của nhiều bác sĩ sản phụ khoa.

Vô sinh nam chiếm khoảng 40% trường hợp vô sinh hiếm muộn

Vô sinh được định nghĩa là tình trạng vợ chồng sau 1-2 năm chung sống, quan hệ tình dục một cách bình thường trung bình 2-3 lần/tuần, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn chưa có thai. Một cặp vợ chồng không may rơi vào tình trạng này thì nguyên nhân có thể là do người vợ hay người chồng hoặc cả hai.

TS.BS. Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, qua thực tế thăm khám, các bác sĩ gặp không ít trường hợp xin tư vấn vô sinh sau 1-2 năm quan hệ vợ chồng bình thường mà chưa từng có thai. Loại đi nguyên nhân từ phía người vợ, thì có đến gần một nửa nguyên nhân vô sinh bắt nguồn từ người chồng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, vô sinh nam chiếm khoảng 40% trường hợp vô sinh hiếm muộn, tương đương với tỉ lệ vô sinh ở nữ giới. Bất thường về tinh trùng là nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng vô sinh nam.

 - Ảnh 1.

Bất thường về tinh trùng là nguyên nhân phổ biến nhất của hiện tượng vô sinh nam.

Để xác định điều này thì cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ. Cụ thể các trường hợp bất thường về tinh dịch đồ có thể gặp như vô tinh, thiểu tinh, tinh trùng dị dạng…, trong đó tinh trùng ít và yếu là vấn đề hay gặp nhất (21%), không có tinh trùng (15%), tinh trùng dị dạng (10%).

Bất thường về tinh trùng do những nguyên nhân gì?

Bệnh nhân có tiền sử sang chấn (bị thương, xoắn tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ) tăng nguy cơ không có tinh trùng. Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh lây qua đường tình dục, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm cũng làm tăng nguy cơ bị vô sinh nam, TS.BS. Phan Chí Thành cho biết. Ngoài ra, đàn ông sau tuổi 55 hoặc những người từng bị nhiễm độc (thuốc lá, chì…) cũng là những cá thể tiềm tàng nguy cơ về chất lượng tinh trùng và do đó dẫn đến khả năng có thai bị hạn chế.

Một số người sau khi trải qua phẫu thuật ở vùng cổ bàng quang, sau cắt tuyến tiền liệt; bệnh nhân đái tháo đường; di chứng của tổn thương tủy sống… thì xuất hiện tình trạng xuất tinh ngược. Đây cũng là nguyên nhân gây vô sinh nam. Hoặc giả là một số nam giới có ‘quan hệ’ nhưng không xuất tinh do những yếu tố về tinh thần hoặc do thương tổn tủy sống.

Tắc đường dẫn tinh, tắc ống mào tinh, không có ống dẫn tinh bẩm sinh… theo thống kê chiếm khoảng 10% vô sinh nam. Một số nam giới bị suy tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, một số rối loạn nhiễm sắc thể... cũng dẫn đến tình trạng bất thường về tinh trùng.

Vô sinh nam do miễn dịch: Vô sinh nam miễn dịch là do xuất hiện kháng thể chống lại tinh trùng. Kháng thể này có thể có trong huyết thanh hoặc trong tinh dịch. Ở phụ nữ có thể phát hiện thấy kháng thể chống lại tinh trùng trong chất nhầy cổ tử cung. Đó là các kháng thể bề mặt. Tự bản thân các kháng thể này không gây vô sinh nhưng khi phối hợp với các yếu tố khác thì gây ra vô sinh.

Vô sinh nam được điều trị như thế nào?

Điều trị vô sinh ở nam giới hiển nhiên là công việc của các bác sĩ. Thế nhưng trong nhiều trường hợp hãy nhớ lời khuyên ‘bác sĩ tốt nhất là chính mình’. Điều trị căn bệnh này càng sớm càng cho kết quả tốt. Chính vì thế, lời khuyên của các chuyên gia sản khoa là bạn cần nhạy cảm nhận ra những dấu hiệu bất thường của cơ thể để đi khám sớm và khi xác định được bệnh thì cần tích cực điều trị. Để làm được điều này cần vượt qua rào cản tâm lý, đặc biệt là tâm lý người Á Đông- đó là nhiều người chồng rất khó chấp nhận nguyên nhân vô sinh là do mình, ngại đi thăm khám, tự điều trị bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần khiến bệnh thêm trầm trọng hơn. Chỉ tới khi vô sinh kéo dài, áp lực từ gia đình hoặc bệnh đã tiến triển nặng, bệnh nhân mới đi thăm khám khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không thể điều trị hiệu quả.

 - Ảnh 2.

Đi khám sớm khiến việc điều trị đạt được hiệu quả tối đa.

Tùy theo nguyên nhân vô sinh nam, các bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp, đem lại hiệu quả cao. Đó là:

Dùng thuốc: Thuốc có thể được sử dụng để điều trị một số vấn đề ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới như mất cân bằng hormone và rối loạn chức năng cương dương.

Phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật có thể giúp điều trị tắc nghẽn trong ống dẫn tinh hoặc giãn tĩnh mạch ở tinh hoàn.

Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản (ART) bao gồm tất cả các phương pháp điều trị bệnh vô sinh trong đó cả trứng lẫn tinh trùng đều được sử dụng. Một số phương pháp thông dụng là: Phương pháp bơm tinh trùng trực tiếp và tử cung (IUI); Phương pháp tiêm thẳng tinh trùng vào trứng (ICSI); Phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF); Sử dụng tinh trùng hoặc trứng được hiến tặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại