Ukraine đe dọa bủa vây quân Nga ở Transnistria
Ukraine đã bổ nhiệm thống đốc “ngoại nhập” người Gruzia là ông Saakashvili (có quốc tịch Mỹ, đã nhận quốc tịch Ukraine nên bị Gruzia tước quốc tịch), cùng với người phó là bà Maria Gaidar - nhà lãnh đạo đối lập Nga, con của cố Thủ tướng Nga đầu tiên thời hậu Xô Viết Yegor Gaidar.
Cả 2 người này đều nổi tiếng là thù ghét Nga nên Kiev yên tâm giao trọng trách lãnh đạo khu vực đầy nhạy cảm này. Và dĩ nhiên, đối với những chính khách này, “mối thù” với Nga và mới là điều quan trọng chứ không phải là cuộc sống của nhân dân bản địa.
Từ khi lên làm Thống đốc, ông Saakashvili đã có hàng loạt tuyên bố và hành động đối đầu với Nga chứ không phải là ổn định cuộc sống của nhân dân, phát triển kinh tế và trấn an những người nói tiếng Nga về nỗi sợ hãi bị đàn áp giống vụ thảm án kinh hoàng ở Tòa nhà Công đoàn hồi tháng 4 năm ngoái.
Vị trí cảng Odessa.
Nhậm chức ngày 1-6-2015, đến ngày 8-6, ông Saakashvili đã quyết định không cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đi qua Odessa vào Transnistria, đến ngày 10-6 điều động các hệ thống tên lửa phòng không S-300 đến trấn thủ Odessa, để lại mối lo lắng cho Nga.
Trước đó, Nga thường vận chuyển hàng tiếp tế và luân chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình của họ tới Transnistria bằng 2 tuyến vận tải là đường bộ qua Odessa và đường không từ Crimea, cũng qua không phận tỉnh này, tới sân bay quân sự ở thủ phủ Tiraspol của Transnistria.
Do đó, việc bị chặn đường bộ, làm cho Nga chỉ còn đường không nhưng Ukraine lại triển khai các hệ thống phòng không S-300 tại khu vực Odessa khiến các máy bay Nga đến Transnistria, có nguy cơ bị bắn hạ bất cứ lúc nào.
Sau đó, Kiev tiếp tục tập trung số lượng lớn binh lính và vũ khí hạng nặng tới đường biên giới Odessa-Transnistria với cái cớ “bảo vệ lãnh thổ” trước nguy cơ nước cộng hòa ly khai này có thể tiến hành một chiến dịch quân sự đối với Ukraine.
Mục đích của Washington và Kiev là muốn cô lập quân Nga ở Transnistria trong vòng vây của Moldova và Ukraine, không để cho Nga sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ của mình. Và không điều gì thuận lợi hơn là việc lập “hàng rào chắn” ở Odessa.
Ukraine đã đưa ra lời cảnh cáo với Nga là lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này ở Transnistria có thể bị vây chặt bất cứ lúc nào, bởi con đường qua Moldova cũng đã bị bịt kín. Điều này khiến nguy cơ đối đầu giữa hai nước có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Hành động này cũng góp phần ngăn chặn nguy cơ ly khai của Odessa, không cho Nga cơ hội “thò tay” vào khu vực này. Chiến lược ngăn chặn Nga còn được đẩy mạnh hơn nữa, với sự hiện diện trong tương lai của hải quân Mỹ ở mảnh đất chiến lược này.
Sau khi lên làm Thống đốc, ông Saakashvili đã có hàng loạt quyết định nhằm vào Nga.
Mỹ-NATO chọn Odessa để thay thế cho Crimea?
Tháng 7-2015, sau khi nhậm chức 1 tháng, ông Saakashvili tuyên bố là “nước ông” đã sẵn sàng bán các cảng biển không chỉ ở Odessa mà trên toàn dải bờ biển phía nam cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó, 50% cổ phần của cảng Ilichevsk ở Odessa đã thuộc về công ty đầu tư của Mỹ là Siguler Guff Company.
Ở Ukraine hiện có 13 cảng biển đang hoạt động. Hải cảng là ô cửa mở ra thế giới, là điểm mở đầu hoặc trung chuyển vận tải và xuất khẩu hàng hóa, tất cả đều có tầm quan trọng chiến lược bởi nơi đây có những thể quân sự quan trọng của lực lượng hải quân quốc gia.
Thông thường, các hãng tư nhân được mời chào khuyến khích sử dụng chỉ một phần công suất của cảng, còn bản thân cảng vẫn là sở hữu nhà nước, bởi hải cảng là chủ thể chiến lược quan trọng đối với mỗi quốc gia ven biển, đặc biệt là về phần lớn các cảng có những công trình quân sự.
Việc để cho các công ty nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) kiểm soát các cảng biển của Ukraine làm cho không chỉ toàn bộ mảng quan trọng của nền kinh tế nước này phụ thuộc vào các công ty nước ngoài mà ngay cả hoạt động của lực lượng hải quân cũng phải phụ thuộc vào Mỹ.
Đáng chú ý là sự hiện diện thường xuyên và ngày càng gia tăng của các chiến hạm Mỹ-NATO ở thành phố cảng này. Dường như ông Saakashvili và Kiev đang đẩy nhanh việc bán các thương cảng cho nhà đầu tư Mỹ, đồng thời “Mỹ hóa” các quân cảng ở Odessa.
Việc Saakashvili vạch ra kế hoạch di chuyển trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân Ukraine đến Odessa đã gây nghi ngờ về ý đồ xây dựng một căn cứ hải quân Mỹ ở thành phố này, giống như ngày trước Hạm đội Biển Đen của Nga đã song hành với hải quân Ukraine ở Sevastopol-Crimea.