Đây là "nắm đấm thép" mới của Lục quân Việt Nam?

Hoàng Minh |

Sở hữu hỏa lực như xe tăng chiến đấu chủ lực của lục quân, pháo tự hành chống tăng 2S25 Sprut-SD có khả năng cơ động cực nhanh và dễ dàng tiêu diệt mọi loại tăng thiết giáp.

Hiện đại hóa lục quân

Trong năm 2016, sau nhiều năm chờ đợi, Lục quân Việt Nam đã bắt đầu được tập trung đầu tư hiện đại hóa trang bị. Điều này nhằm bảo đảm khả năng phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu và chống lại các nguy cơ trên bộ.

Vì điều kiện khó khăn, nhiều năm qua ít được trang bị mới, vũ khí của Lục quân đang dần lạc hậu, do vậy cần tìm kiếm những loại khí tài hiện đại để đáp ứng tình hình mới. Một trong những loại vũ khí đáng được xem xét mua sắm chính là pháo chống tăng tự hành 2S25 Sprut-SD.

Về cơ bản, Sprut-SD được Nga chế tạo cho lực lượng Bộ đội đổ bộ đường không (VDV). Với thiết kế dựa trên khung gầm BMD-3, Sprut-SD có trọng lượng nhẹ và khả năng cơ động rất cao, có thể được thả từ máy bay. Tuy nhiên, đây không phải điểm sáng nhất của chiếc xe này.


2S25 Sprut-SD vượt chướng ngại nước.

2S25 Sprut-SD vượt chướng ngại nước.

Nổi bật nhất trên Sprut-SD chính là pháo chính 2A75 cỡ nòng 125mm. Đây là loại pháo được phát triển từ nền tảng pháo nòng trơn 2A46M, vũ khí chính của những dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) mạnh nhất của Nga như T-64/80 và T-72/90.

Điều này mang lại cho Sprut-SD hỏa lực cực mạnh, không thua kém bất kỳ loại MBT nào trên thế giới hiện nay.

Mỗi xe Sprut-SD có thể mang 40 viên đạn, trong đó 22 viên được lắp sẵn trong hệ thống nạp đạn tự động.

Mọi loại đạn dùng trên MBT đều tương thích với Sprut-SD, bao gồm các loại đạn hiện đại như đạn xuyên giáp dưới cỡ tách vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS) và tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM).

Nhờ hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, Sprut-SD có thể tiêu diệt các mục tiêu, kể cả máy bay trực thăng, từ khoảng cách tới 5km với tên lửa 9M119M Refleks (AT-11 Sniper).

Nếu so với những xe tăng hạng nhẹ như PT-76, hay thậm chí là xe tăng T-54/55 đang có trong trang bị của Lục quân, Sprut-SD sở hữu mức độ hỏa lực đáng sợ, vượt xa những khí tài cũ khí đã 50 năm tuổi của Việt Nam.

Đây sẽ là một mối nguy hiểm không thể xem nhẹ với ngay cả những chiếc MBT hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó, việc sử dụng cỡ đạn 125mm tương tự T-72 và T-90 cũng mang lại lợi ích về mặt hậu cần.

Việt Nam nhiều khả năng vẫn gắn bó với xe tăng hệ Nga trong tương lai, do vậy việc trang bị những khí tài dùng chung cỡ đạn sẽ đơn giản hóa công tác chuẩn bị và bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị tăng thiết giáp.

Trong trường hợp cần thiết, các xe và đơn vị có thể chia sẻ đạn cho nhau, thay vì hàng loạt cỡ đạn khác nhau như 76mm (PT-76), 85mm (T-34-85 và PT-85), 100mm (T-54/55) và 115mm (T-62) vốn đang sử dụng phổ biến trong Lục quân Việt Nam.

Được thiết kế trên khung gầm BMD-3, Sprut-SD có thể dễ dàng cơ động và triển khai tại những địa hình phức tạp mà MBT không thể với tới. Điều này đặc biệt phù hợp với địa hình đồi núi bị chia cắt và không đòi hỏi tầm bắn xa.

Điểm yếu nhất của thiết kế này chính là lớp giáp phòng thủ kém. Tháp pháo được chế tạo từ thép hàn, trong khi thân xe được làm từ hợp kim nhôm với vỏ composite.

Mặt trước xe chống được đạn 23mm từ khoảng cách 500m, trong khi phần còn lại chỉ chịu được đạn bộ binh và mảnh pháo. Do vậy, Sprut-SD rất khó có thể thay vị trí của MBT trong nhiệm vụ đột kích cứ điểm và vượt cửa mở.

Tuy nhiên, nếu đặt tại những khu vực hiểm yếu và được ngụy trang kỹ, một chiếc Sprut-SD có đủ khả năng phục kích tiêu diệt những chiếc xe tăng thiết giáp hiện đại của đối phương.

Áp dụng lối đánh phù hợp theo phương thức "Hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung", các đơn vị Sprut-SD sẽ là những nắm đấm thép, đủ sức chặn đứng đường tiến công của địch.


Bộ đôi 2S25 Sprut-SD và T-90.

Bộ đôi 2S25 Sprut-SD và T-90.

Việt Nam sẽ sớm sở hữu thứ vũ khí đáng sợ này?

Một điểm đáng lưu tâm là Sprut-SD mới được trang bị với số lượng rất hạn chế trong lực lượng vũ trang Nga và chưa hề có đơn hàng xuất khẩu nào.

Trong khi đó, Việt Nam lại thường chỉ chọn những loại vũ khí đã được kiểm nghiệm và thử lửa trong điều kiện thực tế, hoặc ít nhất đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Do vậy, cơ hội để Sprut-SD hiện diện trong Lục quân Việt Nam vẫn đang khá mong manh, ít nhất là trong tương lai gần.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà loại trừ một loại vũ khí có uy lực cao và phù hợp với điều kiện của nước ta như vậy.

Nhìn chung, vẫn có khả năng Sprut-SD và T-90 sẽ trở thành bộ đôi ăn ý mới của Lục quân Việt Nam trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại