Một quả tên lửa, bắn rơi tại chỗ 2 máy bay Mỹ

Chuyên gia quân sự Minh Quân |

Trong lịch sử chiến đấu của Bộ đội tên lửa Việt Nam, từng có hai lần chỉ bằng một quả đạn đã bắn rơi tại chỗ hai chiếc máy bay Mỹ.

Đây là những trường hợp hy hữu chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của tên lửa phòng không.

Nhất... đặc biệt

Sáng ngày 7 tháng 3 năm 1966, tại trận địa xã Tân Đô và xã Quyết Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, Tiểu đoàn 61 tên lửa phát hiện tốp máy bay địch ở hướng tây-nam.

Khi mục tiêu vào đến cự ly 35 km, Tiểu đoàn trưởng ra lệnh đồng bộ, nâng cao thế, thì một bệ phóng bị quay vào “góc cấm bắn”, còn lại một bệ có thể phóng tốt nhưng trên bệ là quả đạn có ký hiệu “Ю-410”, đây là quả đạn bị hỏng, được Đại đội trưởng và các nhân viên kĩ thuật vừa sửa chữa xong.

Nhận rõ tình huống khó khăn phức tạp này, nhưng ngay sau được lệnh phóng của Tiểu đoàn trưởng, các sĩ quan điều khiển và các trắc thủ đã bình tĩnh hiệp đồng chuẩn xác, điều khiển đạn đi đúng mục tiêu, diệt gọn một tốp hai chiếc máy bay trinh sát phản lực RF-101.

Cả hai chiếc đều rơi tại chỗ xuống khu vực Nghĩa Môn, Sông Con. Nguyên nhân Tiểu đoàn 61 phóng một đạn bắn rơi tại chỗ hai chiếc máy bay là do đạn nổ đúng vào điểm hai chiếc máy bay lượn cắt chéo nhau.

Đây là thủ đoạn bay kiểu “cắt kéo” của hai máy bay địch, nhằm tạo ra trên màn hình radar hai tín hiệu lúc chập lúc tách, nhằm vô hiệu hoá tên lửa bám mục tiêu.

Nhị... vô tiền khoáng hậu

Trường hợp thứ hai: Đầu năm 1967, Trung đoàn tên lửa 285 được giao nhiệm vụ phối hợp chiến đấu tại thành phố Hải Phòng.

Để tìm các mục tiêu của ta, đế quốc Mỹ thường sử dụng các loại máy bay trinh sát Hải quân như RA-5C, A-4, F-4, F-8.

Đáng chú ý là khi cho máy bay phản lực đi bắn phá, chúng còn cho máy bay có công suất gây nhiễu lớn như EC-121 và EB-66 bảo vệ đội hình, tạo ra hàng chục dải phát nhiễu để che chắn đội hình máy bay cường kích của chúng, làm tên lửa ta khó phát hiện được “nhân” mục tiêu.

Trong khi đó với các kíp chiến đấu tên lửa, dạng “nhiễu râu” từ máy phát nhiễu đặt trên các máy bay cường kích Hải quân gây khó khăn nhiều hơn, nó làm méo mục tiêu, làm các trắc thủ khó xác định chính xác nhân tín hiệu, gây sai số lớn trong quá trình bám sát, làm hạn chế kết quả xạ kích.

Để đánh lại các thủ đoạn kỹ thuật và chiến thuật của địch, Trung đoàn 285 đã tổ chức nhiều hội nghị dân chủ quân sự để mọi người cùng trao đổi, hiến kế, cùng tìm ra cách đánh thích hợp, đạt hiệu quả cao.

Quả nhiên anh em đã tham gia nhiều sáng kiến hay, nhất là ý kiến xung quanh việc chọn mục tiêu. Ban đầu, phương án đưa ra là chọn chiếc đi đầu vì ít nhiễu, nhưng dần dần, địch nắm được ý đồ của ta, chúng đối phó lại bằng cách thay đổi quy luật gây nhiễu.


Tên lửa SAM-2 bắn hạ một máy bay Mỹ.

Tên lửa SAM-2 bắn hạ một máy bay Mỹ.

Anh em lại bàn và quyết định chọn mục tiêu là trung tâm của tốp máy bay cường kích của chúng, bởi đó là những chiếc máy bay mang bom, nên khả năng cơ động kém, lại phải bay theo đường bay cố định, nếu ta bắn trúng một chiếc sẽ làm cả đội hình bay của chúng rối loạn.

Cùng với việc bàn bạc tìm ra cách đánh, khâu tập luyện cũng ráo riết được đặt ra, và đối tượng được huấn luyện nhiều nhất là các trắc thủ, bởi trắc thủ là những người theo dõi máy bay địch từ khi bắt được tín hiệu, đến lúc được lệnh bắn, mà thời gian thì chỉ tính bằng giây.

Từ xác định đó, toàn Trung đoàn 285 tên lửa khẩn trương tổ chức tập huấn cho cán bộ chỉ huy các kíp chiến đấu và ngay sau đó, các trắc thủ bắt tay vào tập luyện.

Sớm ngày 31tháng 8 năm 1967, nhiều tốp máy bay địch, trong đó có tốp 8 chiếc xuất hiện ở cửa biển Bạch Đằng, vòng qua hướng số 4, lên hướng 14 đánh phá nhà máy điện Uông Bí. Trung đoàn trưởng lập tức ra lệnh cho Tiểu đoàn 73 và Tiểu đoàn 51 tập trung hoả lực tiêu diệt.

Nhưng khi các tiểu đoàn phát sóng thử thì thấy máy bay địch phân tốp và cơ động, bộ đội liền báo cáo ngay về Sở chỉ huy. Đồng thời lúc đó trên màn sóng radar xuất hiện một tốp lớn hơn, từ cửa sông Văn Úc bay vào Hải Phòng.

Lúc này, Trung đoàn nhận ra ngay thủ đoạn của địch: tốp ở hướng 14 chỉ là tốp nghi binh, tốp mới xuất hiện mới là tốp đánh vào thành phố, và lập tức ra lệnh cho Tiểu đoàn 73 và Tiểu đoàn 52 tập trung tiêu diệt tốp máy bay cường kích, còn Tiểu đoàn 51 đánh tốp 8 chiếc kia.

Nhận được lệnh, Chỉ huy Tiểu đoàn 73 chỉ thị ngay cho kíp chiến đấu phát sóng. Thấy đội hình tốp cường kích này chính diện hẹp, tung tâm ngắn, kíp trắc thủ nhanh chóng hiệp đồng chọn và bám sát đúng chiếc máy bay giữa đội hình của địch.

Lệnh phóng đạn phát ra, kíp chiến đấu tập trung cao độ điều khiển cho quả đạn vút tới mục tiêu. Không phải một, mà hai chiếc máy bay A-4E của địch bị trúng đạn, rơi xuống Kiến An. Hai tên phi công nhảy dù bị ta bắt sống, đó là tên là Thiếu tá Stafford Hugla Alen, và tên Trung uý Cajey David Jay.

Cả hai được ta trao trả cho Mỹ ngày 14-3-1973 theo Hiệp định Pari.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại