Bệnh viêm gan bí ẩn xuất hiện ở nhiều quốc gia: Nguyên nhân là gì? Phòng tránh ra sao?

Ngọc Anh |

Căn bệnh viêm gan bí ẩn đang là nỗi lo mới cho sức khoẻ cộng đồng. Nhiều trẻ em ở một số nước trên thế giới được chỉ định ghép gan khi nhiễm bệnh này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Viêm gan không rõ nguyên nhân

Một nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) cho thấy 9 trẻ em ở bang Alabama mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân đều có kết quả xét nghiệm dương tính với một mầm bệnh phổ biến được gọi là adenovirus 41.

Theo CDC, adenovirus 41 được biết đến là loại virus gây bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ em, song ít được cho là nguyên nhân gây bệnh viêm gan ở trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, một cuộc điều tra đã loại trừ các yếu tố phơi nhiễm phổ biến khác, trong đó có Covid-19; virus viêm gan A, B và C; viêm gan tự miễn và bệnh Wilson.

Cơ quan An toàn Y tế Anh (UKHSA) cũng đã ghi nhận 34 trường hợp mắc viêm gan không rõ nguyên nhân tại nước này kể từ ngày 25/4. Trong số này có 10 trẻ phải ghép gan, song không có trường hợp nào tử vong. Như vậy, tính đến nay đã có 145 trẻ tại Anh mắc bệnh này.

Theo UKHSA, số ca mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ gia tăng có thể liên quan tới adenovirus.

Số lượng ca viêm gan bí ẩn ở mức thấp hơn cũng được ghi nhận tại Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Italy, Na Uy, Pháp, Romania và Bỉ.

Đa số các trường hợp mắc căn bệnh viêm gan bí ẩn này là trẻ em dưới 10 tuổi. Hầu hết các em trước khi mắc bệnh đều có thể trạng khỏe mạnh, trong khi viêm gan thường rất hiếm gặp ở trẻ em khỏe mạnh.

Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, đến nay viêm gan bí ẩn chưa tìm ra được tác nhân gây bệnh. BS Khanh khẳng định cha mẹ không nên lo lắng vì có thể khẳng định viêm gan không do Covid-19 hay do vắc xin.

Ở bệnh viêm gan này, người bệnh có biểu hiện vàng da, rối loạn đông máu, suy gan, thậm chí phải ghép gan. Các ca bệnh dường như đều có liên quan tới adenovirus.

Adenovirus nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm gan bí ẩn xuất hiện ở nhiều quốc gia: Nguyên nhân là gì? Phòng tránh ra sao? - Ảnh 1.

Hình ảnh mô tả Adenovirus.

Adenovirus gây đau mắt, các đợt cảm ho kéo dài ở người lớn. Thông thường adenovirus khó gây viêm gan ở người bình thường mà nó chỉ xảy ra ở trẻ trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch, người đang điều trị ung thư… Vì vậy, người ta thấy các ca viêm gan hiện tại là điều bí ẩn.

BS Khanh cho rằng có thể do người lớn tiếp xúc với adenovirus từ nhỏ nên có miễn dịch, còn với trẻ, sau 2 năm giãn cách việc tiếp xúc với adenovirus ít hơn. Khi trẻ tiếp xúc với virus thì sẽ bị virus tấn công, gây viêm gan.

Adenovirus vẫn gây bệnh cảm nhưng đến nay có thể do trẻ miễn dịch kém nên tiếp xúc với virus này có thể gây viêm gan. 

Các dấu hiệu của trẻ là vàng da, nước tiểu sẫm màu. Khi đi khám, bác sĩ thấy gan to, xét nghiệm mức độ suy tế bào gan cao nên phải can thiệp. Nhưng BS Khanh cho biết không phải các trẻ bị viêm gan do adenovirus đều phải ghép gan, đa phần trẻ đều tự hồi phục. Thực tế, cũng có nhiều trẻ bị viêm gan virus A, C… bị suy gan cũng phải ghép gan.

Hiện nay, tại Việt Nam, các bậc phụ huynh cũng bình tĩnh, không nên quá lo lắng, BS Khanh khuyên. Adenovirus lây qua đường hô hấp nên chỉ cần vệ sinh tay sạch sẽ, đeo khẩu trang thì khả năng lây nhiễm cũng giảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại