Virus Corona có lây nhiễm qua không khí không?

Dược sỹ Phạm Trần Thu Trang (từ Canada) |

Bài viết làm rõ các thuật ngữ một cách đơn giản, dễ hiểu cho cộng đồng, dựa trên nguồn tham khảo chính thống từ các cơ quan y tế chính phủ Mỹ (CDC) hay Canada để thống nhất và dễ dàng kiểm chứng.

Bài viết dưới đây chỉ nhằm làm rõ thuật ngữ chuyên ngành. Xin nhắc lại, tới nay 09/01/2020 mới chỉ có Ủy ban Sức khỏe Thượng Hải liệt kê Corona có đường lây nhiễm qua aerosol. Nhưng Ủy ban Sức khỏe Quốc gia chưa xác nhận điều này. Đồng thời cũng chưa có thông báo cập nhật về vấn đề này từ CDC và WHO.

Do vậy, hiện tại các biện pháp phòng ngừa coronavirus vẫn khuyến cáo như cũ.

- Dược sĩ Phạm Trần Thu Trang (Canada) -

Trong vài ngày qua, một số tờ báo Trung Quốc trích dẫn lời một chuyên gia y tế viết " Coronavirus lây nhiễm qua aerosol". Khi aerosol được dịch là "khí dung" trong tiếng Việt, đã gây ra một cuộc tranh cãi mới quanh chủ đề coronavirus có hay không có lây trong không khí.

Đây là vấn đề khi dịch thuật ngữ tiếng Anh đôi khi không có từ tương đương, hoặc dịch không chính xác gây hiểu lầm. Dưới đây là bài viết làm rõ lại các thuật ngữ này một cách đơn giản, dễ hiểu cho cộng đồng, dựa trên nguồn tham khảo chính thống từ các cơ quan y tế chính phủ Mỹ (CDC) hay Canada để thống nhất và dễ dàng kiểm chứng.

Có 2 đường lây cần được làm rõ

- Droplet transmission: lây qua giọt bắn.

- Airborne transmission: lây qua "không khí" (tạm dịch).

Cho đến thời điểm này, coronavirus được giới chuyên môn chấp nhận là lây qua đường giọt bắn.

Để thực hiện quá trình lây nhiễm thì cần phải thông qua phương tiện, bao gồm:

- Aerosol: tạm dịch "giọt ẩm lơ lửng" trong không khí.

- Droplet: các giọt bắn, kích thước lớn và không bay lơ lửng được.

- Droplet nuclei: tạo ra từ các giọt bắn lớn trong không khí bị khô đi và nhỏ lại.

Tại sao việc xác định bệnh lây truyền qua "không khí" hay "giọt bắn" lại quan trọng?

DS Pham Tran Thu Trang-crop

Dược sỹ Phạm Trần Thu Trang được cấp phép hành nghề lâm sàng (Registed Pharmacist - RPh), tại thành phố Toronto, tỉnh Ontario, Canada.

Về kích thước:

- Lây qua giọt bắn là sự lây truyền do các giọt kích thước lớn > 5 µm.

- Lây qua "không khí" là sự lây truyền bởi các droplet nuclei, các phần tử (particles), các aerosol… nhỏ < 5 µm.

Về khoảng cách lây:

- Giọt bắn: Không lơ lửng được trong không khí mà sẽ rơi xuống trong phạm vi 2m, sau chục giây đến vài chục phút tuỳ độ lớn.

- Các phần tử lây truyền qua "không khí" thì sẽ đủ nhỏ để lơ lửng được, đi xa hơn 2m và tồn tại lâu hơn. Chẳng hạn, bệnh sởi có thể lây ngay cả khi người nhiễm bệnh đã rời phòng sau 90 phút.

Như vậy, cần phân biệt hai đường lây này vì khả năng lây khác nhau. Ví dụ sởi lây qua đường lây "không khí" nên hệ số lây R0 rất cao. Các biện pháp phòng chống lây đối với "không khí" cũng nghiêm ngặt hơn với giọt bắn.

Thông tin mới về sự lây truyền của coronavirus từ các báo Trung Quốc và Hồng Kông sử dụng từ "Aerosol transmission" tức lây nhiễm qua aerosol - giọt ẩm lơ lửng (tạm dịch).

Vậy Aerosol thực chất là gì? Aerosol có phải là khí dung?

Theo định nghĩa y khoa của Cơ quan Y tế công cộng tỉnh Ontario, Canada, aerosol là các giọt ẩm nhỏ chứa vi sinh vật (nguồn bệnh) có khả năng LƠ LỬNG (suspense) thời gian NGẮN trong không khí.

Tờ South China Morning Post cũng diễn giải: Coronavirus lây qua qua aerosol, tức là hít phải các phần tử hay giọt chứa virus lơ lửng trong không khí thì có thể bị lây.

Như vậy chúng ta thấy thông tin từ Trung Quốc tương đồng với định nghĩa Aerosol trong tiếng Anh.

Còn trong tiếng Việt, "khí dung" được hiểu là một phương pháp điều trị, sử dụng máy hoặc dụng cụ xịt giúp biến thuốc dạng lỏng thành dạng phun sương mịn để dễ hấp thu vào đường hô hấp. Vậy khí dung thực chất tương đương với "Aerosol nebulizer" hay "Aerosol inhaler" trong tiếng Anh.

Do việc dịch Aerosol = khí dung, một tờ báo ở Việt Nam đã dịch thông điệp: "Coronavirus lây qua đường sử dụng chung máy móc khí dung/một phương pháp chữa bệnh" là không chính xác. Sau đó, một tờ báo khác đã đính chính lại.

Aerosol sinh ra ở đâu?

- Một số quy trình khám và điều trị dễ gây ho (ví dụ: hô hấp nhân tạo, gây nôn đờm vv...)

- Máy tạo độ ẩm, quá trình làm nóng.

- Hệ thống thông khí, máy lạnh.

- Giật toilet, chùi cọ sàn nhà.

- Bụi từ máy lạnh, thảm.

- Ho, hắt hơi mạnh.

Vậy, lây qua earosol có phải là lây trong không khí?

Virus Corona có lây nhiễm qua không khí không? - Ảnh 9.

Vì chính xác Aerosol không phải là tên gọi của đường lây, mà là một PHƯƠNG TIỆN lây, nên Aerosol được nhắc trong cả hai đường lây, tuỳ thuộc vào kích cỡ: nếu < 5 µm thì góp mặt trong lây nhiễm qua đường không khí. Còn nếu > 5 µm thì ở trong đường lây giọt bắn. Tuy nhiên, do đặc tính phải đủ nhỏ mới lơ lửng được, nên aerosol góp mặt trong lây truyền qua không khí nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải cứ có giọt bắn, aerosol hay droplet nuclei thì sẽ gọi là bệnh lây qua "không khí":

- Giọt bắn thì kích cỡ lớn, không thể lơ lửng và văng được quá xa trên dưới 2m.

- Như đã đề cập ở trên: có rất nhiều quá trình tạo ra được aerosol. Một cú hắt xì tạo ra được cả chục ngàn giọt bắn, aerosol hay droplet nuclei. Nhưng không phải bệnh nào cũng lây qua "không khí" cả, như đúng thuật ngữ tiếng Anh là airborn transmission.

Để được tính là bệnh lây qua đường "không khí"

- Điều kiện CẦN là: phải có sự tạo thành các phần tử, aerosol hay droplet nuclei đủ nhỏ để lơ lửng trong không khí.

- Điều kiện ĐỦ là virus/vi khuẩn phải:

+ Sống được đủ lâu ở ngoài không khí.

+ Số lượng đủ lớn.

+ Đi tới vị trí gây bệnh phù hợp (ví dụ: virus hô hấp mà chỉ bám trên da, tóc và nằm yên luôn ở đó thì không thể gây viêm phổi được).

Chẳng hạn, virus gây cúm Influenza hay một vài virus đường ruột (ví dụ: rotavirus) cũng nằm trong các aerosol nhỏ, nên có thể lây được xa hơn 1m. Tuy nhiên lại chỉ lây trong phạm vi giới hạn như trong phòng, chứ không bay từ phòng này sang phòng khác. Là bởi các virus này không thể tồn tại khi di chuyển theo các luồng khí và đi qua quãng đường dài.

Chính vì vậy, Trung Quốc mới chỉ xác định là "aerosol transmission" chứ không hề đề cập "airborne transmisson".

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://www.cdc.gov/…/guid…/isolation/scientific-review.html#

2. https://www.canada.ca/…/routine-practices-prec…/part-a.html…

3. http://ldh.la.gov/…/HAI/InfectionsbyAerosolsDropletsHandout…

4. https://www.publichealthontario.ca/…/bp-rpap-healthcare-set…

5. https://www.scmp.com/…/coronavirus-hubei-province-reports-8…

6. https://m.suckhoedoisong.vn/ncov-lay-qua-bui-khi-hay-khi-du…

7. https://tuoitre.vn/trung-quoc-hop-bao-vu-virus-corona-lay-t…

8. https://m.suckhoedoisong.vn/ncov-lay-qua-bui-khi-hay-khi-du…

Virus Corona có lây nhiễm qua không khí không? - Ảnh 12.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại