Việt Nam vẫn ghi nhận lẻ tẻ các đợt dịch bạch hầu

Tạ Nguyên |

Bệnh bạch hầu hiện là bệnh thuộc nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

Việt Nam vẫn ghi nhận lẻ tẻ các đợt dịch bạch hầu - Ảnh 1.

Khảo sát, tuyên truyền cho người dân ở khu vực có dịch bạch hầu. Ảnh: BYT

Bệnh dễ bùng phát thành dịch

Hiện, bệnh bạch hầu đang quay lại, ở một số tỉnh đã gia tăng các ổ dịch, tăng số ca mắc.

Theo đại diện Bộ Y tế, tính đến ngày 21/9, tại các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên đã ghi nhận 20 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại các cơ sở điều trị; trong đó, mỗi địa phương đã có trường hợp tử vong.

Các trường hợp mắc bệnh xuất hiện từ tháng 4, sau đó tăng nhiều vào tháng 8, tháng 9. Đa số trường hợp mắc là trẻ trên 6 tuổi và người lớn. Cụ thể, có 19/20 trường hợp từ 6 tuổi trở lên, chỉ có 1 trường hợp trong độ tuổi tiêm chủng (2 tuổi).

BS. Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Tại Việt Nam, nhờ có chiến lược tiêm chủng vaccine Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (DPT) trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1981, nên tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm mạnh vào những năm 2010. Tuy vậy, từ năm 2013, lại lẻ tẻ xảy ra các đợt bùng phát dịch, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và gần đây là các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên.

Theo BS. Phan Văn Mạnh, bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5 - 10%.

Bệnh bạch hầu hiện là bệnh thuộc nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

Nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng; các vị trí khác cũng có thể nhiễm bệnh như: Bạch hầu da, bạch hầu mắt…

Cụ thể, với thể bạch hầu họng, sau thời gian ủ bệnh từ 2 - 5 ngày, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng như sốt nhẹ 37,5 - 38 độ C, đau họng, khó chịu, sổ mũi có thể lẫn máu; họng hơi đỏ, amydan có điểm trắng mờ; sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau. Sau khoảng 3 ngày, bệnh bước vào giai đoạn toàn phát với các triệu chứng điển hình nhất là: Sốt tăng lên, người bệnh nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, sổ mũi nhiều, nước mũi trắng hoặc lẫn mủ; khám họng thấy giả mạc lan tràn ở một bên hoặc 2 bên amydan, có thể lan trùm cả lưỡi gà và màn hầu; hạch vùng cổ sưng đau, phù nề, khi có dấu hiệu cổ bạnh là dấu hiệu nặng. Đặc biệt, người bệnh có thể xuất hiện giả mạc lan rộng, có thể gây thở rít, tắc nghẽn đường thở và suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, giả mạc có thể hết nhanh trong 1 -3 ngày, bệnh nhân hết sốt và hồi phục dần sau 2 - 3 tuần.

Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gọi là bạch hầu ác tính, nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng thường gặp nhất là biến chứng tim (thường là viêm cơ tim và rối loạn dẫn truyền trong tim) và thần kinh (gây liệt). Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…

Có cần tiêm vaccine phòng bệnh?

Bệnh bạch hầu cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh gây biến chứng và dẫn đến tử vong. Hiện nay, Bộ Y tế đã có “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch hầu”. Liệu pháp điều trị chính của bệnh bạch hầy là sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD), cần được sử dụng càng sớm càng tốt để trung hòa độc tố bạch hầu còn trong máu (hiệu quả nhất là trong vòng 48 giờ đầu). Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được sử dụng kháng sinh như: Kháng sinh Penicillin, Erythromycin; có thể điều trị phối hợp với corticosteroid, quản lý đường thở, quản lý tim mạch và chế độ dinh dưỡng.

Theo BS. Phan Văn Mạnh, tất cả người bệnh nghi mắc bạch hầu phải được vào bệnh viện để thực hiện cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Với nơi ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải được tẩy uế và sát khuẩn để tránh lây nhiễm; cần thực hiện rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Với người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu cần được sử dụng kháng sinh dự phòng sớm để tránh mắc bệnh.

“Để phòng bệnh bạch hầu, hiện nay đã có vaccine bạch hầu, là biện pháp hiệu quả; có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong quần thể dân số nói chung. Với trẻ em, cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (DPT) theo chương trình Tiêm chủng mở rộng. Với người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu mỗi 10 năm, để củng cố khả năng miễn dịch phòng bệnh của cơ thể”, BS. Phan Văn Mạnh khuyến cáo.

Theo Bộ Y tế, trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng 3 mũi cơ bản vacicne có chứa thành phần bạch hầu nguyên liều (thường kết hợp trong vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1). Cụ thể, trẻ được tiêm mũi 1 lúc 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng tuổi, mũi 3 lúc 4 tháng tuổi; sau đó tiêm nhắc lại 3 mũi vào các thời điểm: Lúc trẻ 18 - 24 tháng tuổi, lúc 4 - 7 tuổi, lúc 9 - 15 tuổi với các mũi vaccine tương ứng.

Với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng bạch hầu trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng, cần được tiêm 3 mũi cơ bản với vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi. Cụ thể, tiêm mũi 1 càng sớm càng tốt; mũi 2 tiêm cách mũi 1 tối thiểu 4 tuần; mũi 3 tiêm cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng. Người dân được tiêm nhắc lại 2 mũi, các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, ngoài tiêm chủng phòng bệnh, người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh bạch hầu như: Thực hiện tốt vệ sinh tay, sát khuẩn; che miệng khi ho, hắt hơi; hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ; người dân trong ổ dịch cần uống kháng sinh dự phòng và tiêm vacicne theo đúng chỉ định của ngành y tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại