Việt Nam chuyển hướng từ 'Zero Covid' sang thích ứng an toàn: Chuyên gia phân tích 'chìa khoá' quan trọng nhất

Ngọc Minh |

Theo chuyên gia, để một tỉnh thành chuyển từ cấp độ dịch nguy hiểm xuống cấp độ an toàn thì phải có những tiêu chí nhất định. Trong đó, vắc xin là chìa khoá quan trọng.

Phun khử khuẩn ở Quận Hoàn Kiếm - Ảnh Việt Hùng.

Phun khử khuẩn ở Quận Hoàn Kiếm - Ảnh Việt Hùng.

Chìa khóa quan trọng khi chuyển từ cấp độ nguy hiểm xuống an toàn

Ngày 25/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 lần đầu tiên đưa ra hướng dẫn tạm thời về việc thích ứng an toàn với dịch Covid-19, trong đó có 3 chỉ số bắt buộc như sau.

- Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19;

- 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng;

- Có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

Liên quan tới việc chuyển hướng của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 từ không có ca bệnh sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Đại học Sydney, Úc) cho rằng sự chuyển hướng này là đúng đắn và phù hợp với tình hình dịch bệnh, giúp cho các địa phương có thể dự kiến đưa ra thời gian mở cửa trở lại an toàn. Nếu tiếp tục siết giãn cách như hiện nay thì nền kinh tế và cả đời sống người dân đều sẽ chịu thiệt hại nặng nề, TS Thu Anh nói.

Việt Nam chuyển hướng từ Zero Covid sang thích ứng an toàn: Chuyên gia phân tích chìa khoá quan trọng nhất - Ảnh 1.

Vắc xin là một trong chìa khóa quan trọng để đánh giá mức độ an toàn - Ảnh Việt Hùng.

Một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ thích ứng an toàn là "ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19". Đây là tiêu chí cực kỳ quan trọng khi mở cửa, sẽ giảm được số người bị mắc bệnh nặng và tử vong.

TS Thu Anh cho rằng hiện nay vắc xin vẫn là chìa khóa quan trọng nhất để các địa phương chuyển từ cấp độ nguy hiểm về cấp độ an toàn. Năm 2021 được dự báo sẽ còn khan hiếm nguồn cung ứng vắc xin. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế cần phải lên danh sách ưu tiên, TS Thu Anh nói.

"Việc lên danh sách ưu tiên và phân bổ vắc xin lúc này là rất quan trọng vì nếu lúng túng hoặc chần chừ thì có thể khiến tình hình dịch bệnh ở một số địa phương trở nên phức tạp hơn, khi đó ca nhiễm và tử vong lại tăng trở lại. Khi vắc xin tiêm chưa đủ 2 mũi thì buộc các địa phương phải kéo dài giãn cách để bảo vệ sinh mạng người dân và hệ thống y tế", TS. Thu Anh phân tích.

Ưu tiên vắc xin cho các khu vực có rủi ro cao khi nới lỏng

Giải thích về vấn đề ưu tiên tiêm vắc xin cho từng địa phương, TS Thu Anh cho rằng nên dồn vắc xin cho các địa phương vùng đỏ, vùng cam mà đã thực hiện chính sách giãn cách quá lâu. Ví dụ, tính tới hết tháng 9/2021, TP HCM đã trải qua khoảng 4 tháng giãn cách khiến nền kinh tế, đời sống – xã hội bị thiệt hại nặng nề, và các chuyên gia kinh tế xã hội đều có chung nhận định là không thể tiếp tục đóng cửa nữa. Và hiện, số ca tử vong tại thành phố vẫn ở mức cao nhất trong cả nước.

"Theo tính toán của tôi là TP HCM cần khoảng 1 triệu liều vắc xin nữa để tiêm đủ cho người từ 50 tuổi trở lên. Khi đó, TP có thể bắt đầu nới lỏng, sản xuất và phục hồi kinh tế. TP HCM không thể mở cửa một mình vì là trung tâm kết nối các tỉnh, thành xung quanh như như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh.

Vì vậy, vắc xin cần được tính toán cho người từ 50 tuổi trở lên ở các địa phương này, sau đó mở rộng ra cho các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo tính toán của tôi, chúng ta cần tổng cộng 4,3 triệu liều vắc xin cho khu vực này.

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cần khoảng 6,3 triệu liều để đảm bảo mục tiêu 80% người tuổi 50 tuổi trở lên; và với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc thì sẽ cần khoảng 4,5 triệu liều. Như vậy, với khoảng hơn 15 triệu liều vắc xin, Chính phủ sẽ đảm bảo mục tiêu về vắc xin để mở cửa có kiểm soát cho các khu vực chiếm khoảng ¾ GDP của cả nước", TS Thu Anh nêu quan điểm.

Để sống chung an toàn với dịch bệnh, theo TS Thu Anh, các địa phương cần phải xây dựng năng lực chữa trị từ tuyến cơ sở đến quận, huyện và các tuyến trên. Trên địa bàn TP hay một tỉnh, thành, các phường, xã, quận, huyện cần tập huấn và hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực với nhau. Bên cạnh đó, các tỉnh thành cần ưu tiên vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên để giảm thiệt hại về người, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Đối với các địa phương chưa có điều kiện vắc xin, hệ thống y tế vẫn chưa đảm bảo thì buộc phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ số ca nhiễm, trong đó không loại trừ biện pháp giãn cách xã hội.

Về phía người dân, để sống chung với Covid-19 cần tuân thủ 5K, hạn chế đến nơi đông người không cần thiết, ít nhất là cho tới khi tất cả mọi người đều được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại