Mặt trái của Facebook
TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay chưa có mốc thời gian cụ thể về tần suất sử dụng Facebook nhưng khi bạn dùng Facebook hàng ngày, khi không có mạng để vào Facebook hoặc người nhà không cho vào bạn cảm thấy bồn chồn, khó chịu đó là biểu hiện của hành vi nghiện.
Nếu sử dụng Facebook không có mục đích rõ ràng mới xác định là nghiện còn nếu dùng để làm việc thì không phải là nghiện. Nghiện Facebook bất kể lứa tuổi, giới tính nào.
Thạc sĩ Lê Công Thiện – Trưởng phòng điều trị sức khỏe tâm thần trẻ em thời điểm này tại Phòng chưa có cháu nào điều trị nghiện Facebook hay mạng xã hội khác nhưng khi vào viện vì các biểu hiện rối loạn tâm thần khác thì các cháu đều có biểu hiện của nghiện Facebook. Thạc sĩ Thiện cho biết khi khai thác thì tổng thời gian sử dụng Facebook quá nhiều trên 4 – 5 tiếng/ngày.
Với trẻ nhỏ, Thạc sĩ Thiện cho biết khi lạm dụng Facebook nhiều sẽ làm trẻ không quan tâm tới cuộc sống, làm rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần.
TS Phương chia sẻ về biểu hiện của nghiện Facebook
Nhiều trẻ đến viện bị ảo thanh, trầm cảm, rối loạn cảm xúc vào viện đều lạm dụng Facebook. Đến nay, các bác sĩ tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết các bệnh nhân đều có biểu hiện trầm cảm và có khả năng nghiện Facebook trên nền trầm cảm hoặc trầm cảm trên nền nghiện Facebook vẫn chưa rõ ràng.
TS Phương cho biết hệ quả của nghiện Facebook có thể gây mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật, hiệu suất công việc/ học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma tuý…
Riêng với trẻ nhỏ, các chuyên gia đều cho rằng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ở đứa trẻ trí não đang phát triển nếu bị lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ quá nhiều trong đó có Facebook, Youtube khiến não sẽ không còn phát triển bình thường mà phát triển theo một hướng khác. Não sẽ cố định lại và chúng ta đang sinh ra những đứa con "công nghệ số" không bình thường.
Toàn bộ quá trình sinh ra tế bào mới đều có trong giấc ngủ và đã có chứng minh rằng một đứa trẻ lớp 6 nếu không ngủ đủ giấc thì trí tuệ của các cháu chỉ như đứa trẻ lớp 4. Đây thực sự là điều cực kỳ nguy hiểm. Hai năm trí tuệ, 2 tuổi khôn ở trẻ vô cùng quan trọng, song hiện nay đang bị mài mòn bởi công nghệ số, mạng xã hội.
Tại Việt Nam nhiều trẻ mới học cấp 2 đã sử dụng thành thạo các mạng xã hội đây là mối nguy bởi vì các cháu có thể bỏ quên những kiến thức trên nhà trường, giao tiếp xã hội mà chìm vào mạng xã hội, thế giới ảo để thể hiện mình.
Những biểu hiện của nghiện Facebook
Hiện nay, chưa có nghiên cứu về các thuốc đặc trị hiệu quả nghiện Facebook, chỉ dùng thuốc khi bệnh nhân có các bệnh đồng diễn hoặc hậu quả của nghiện Facebook gây nên mất ngủ, trầm cảm.
Để xác định mình có nghiện Facebook hay không, TS Nguyễn Doãn Phương khuyến cáo khi bạn hoặc người nhà thấy con, em mình có các dấu hiệu sau thì nên đưa đến bệnh viện để kiểm tra:
Thứ nhất: Bạn, con, em bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công. Cảm thấy 1 sự thúc giục sử dụng ngày càng nhiều.
Thứ hai: Con em bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng Facebook.
Thứ ba: Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/ học tập của bạn.
Ngoài ra, TS Phương cũng cho biết mọi người có thể dựa vào tiêu chuẩn nghiện facebook theo Leslie Walker cập nhật 06/ 10/ 2016, để xác định mình có nghiện Facebook hay không.
Các dấu hiệu và triệu chứng của nghiện Facebook khác nhau, thang đo nghiện Facebook của Bergen được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na Uy và được xuất bản trong Psychological Reports vào 4/ 2012. Nó bao gồm sáu câu hỏi và bạn trả lời mỗi câu hỏi trong thang từ 1 đên 5 điểm với các tiêu chí:
- Rất hiếm khi: 1 điểm
- Hiếm khi: 2 điểm
- Thỉnh thoảng: 3 điểm
- Thường xuyên: 4 điểm
- Rất thường xuyên: 5 điểm
Điểm số thường xuyên hoặc rất thường xuyên ở ≥ 4/6 mục cho thấy bạn BỊ NGHIỆN Facebook.
1) Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về Facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó.
2) Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng Facebook càng ngày càng nhiều.
3) Bạn sử dụng Facebook để quên đi các vấn đề cá nhân.
4) Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công.
5) Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bạn bị cấm sử dụng Facebook.
6) Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/ học tập