Viên thủy tinh chặn ngang thực quản bé 3 tuổi, cách xử trí trẻ hóc dị vật cha mẹ cần biết

Khánh Chi |

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố HCM vừa thực hiện một ca cấp cứu gắp dị vật là viên thủy tinh trang trí bể cá trong thực quản cho bé 3 tuổi.

Bệnh nhi T.P.V. 3 tuổi, ngụ Quận 8, nhập viện trong tình trạng quấy khóc, bụng chướng nhẹ, hoảng loạn… Kết quả chụp X-quang ngực thẳng nghiêng phát hiện dị vật tròn 1,5 x 1,5 cm mắc tại 1/3 trên thực quản của bé. Các bác sĩ sử dụng kỹ thuật lấy dị vật theo đường tiêu hoá lấy ra được một viên sỏi kích thước 15x15 mm, hình ê-líp không góc cạnh.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, bé Q. có thói quen chơi đồ vật gì thì hay cầm lấy bỏ vô miệng, viên sỏi hồ cá em chơi lúc 22h đêm trước lúc ngủ đã bị em vô tình nuốt nhầm, ba liên tục móc họng cho bé ói nhưng không ra làm cả gia đình hoảng hốt.

Bác sĩ cho siêu âm ổ bụng nhưng không ghi nhận bất thường. Các bác sĩ đã mời hội chẩn tai mũi họng, tiêu hoá và được ekip nội soi tiêu hoá gắp ra kịp thời sau đó..

Trao đổi với chúng tôi, PGS TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trẻ hóc dị vật các bác sĩ thường gặp nhiều nhất.

Bởi vì trẻ nhỏ thường khám phá thế giới bằng mọi giác quan, kể cả miệng. Vì thế, trẻ có thể dễ nuốt phải những vật như đồng xu, hòn bi, kim băng, viên thuốc, cúc áo, mảnh đồ chơi, pin cúc áo và hạt quả.

Viên thủy tinh chặn ngang thực quản bé 3 tuổi, cách xử trí trẻ hóc dị vật cha mẹ cần biết - Ảnh 1.

Viên thủy tinh ở bể cá chặn ngang thực quản bé 3 tuổi

PGS Dũng cho biết khi trẻ hóc dị vật nhất là dị vật trơn, trượt vào đường thở, chúng ta chỉ có 4-5 phút để cứu bé, đừng trông chờ vào nhân viên y tế, khi đội cấp cứu tới hay vào tới bệnh viện sẽ muộn, mạng sống của con nằm trong tay chúng ta, nên lúc đó phải bình tĩnh, phải biết xử trí đúng cách, mà muốn vậy phải được hướng dẫn và thực hành một cách đúng đắn.

Còn trẻ hóc dị vật có góc cạnh vào đường tiêu hóa thì cha mẹ cần theo dõi trẻ. Nếu thấy trẻ đau, chướng bụng cần cho trẻ vào gặp bác sĩ.

Trẻ hóc dị vật như bột, hạt nhãn, thạch, các loại dị vật dễ bít tắc đường thở thì cha mẹ cần bình tĩnh. Quan sát màu da của trẻ, trẻ có ho được không. Nếu trẻ không ho, không nói, ngưng thở, tím tái thì lập tức vỗ lưng ấn ngực, gọi cấp cứu, gọi người xung quanh tới giúp.

Với trẻ nhỏ khi sơ cứu có thể đặt con nằm sấp dọc theo cánh tay và để dọc theo đùi làm điểm tựa với đầu thấp 30-45 độ nhằm lợi dụng trọng lực để giúp đẩy dị vật ra, bàn tay vòng quanh cằm và ngữa nhẹ đầu làm thẳng đường thở.

Trường hợp bé vẫn chưa có dấu hiệu nghẹn, trẻ đang ho điều đó cho thấy trẻ đang cố để đẩy dị vật ra ngoài.

Để hạn chế hóc dị vật, PGS Dũng nhấn mạnh cha mẹ cần cảnh giác, không cho trẻ chơi các vật nhỏ, sắc, nhọn. Khi cho trẻ ăn cần theo dõi, không cho trẻ vừa ăn vừa chạy nhảy. Các loại thực phẩm dễ bị hóc như vải, nhãn, thạch khi ăn cần có sự giám sát của người lớn, xúc thìa nhỏ cho trẻ ăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại