Theo Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov, hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ tiếp theo của Nga S-500 đang chuẩn bị bước vào quá trình sản xuất hàng loạt.
"Đến đúng thời điểm, hệ thống tên lửa S-500 mới này sẽ đi vào vận hành", ông Borisov nhận định với tờ Interfalk của Nga ngày 11/11.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng nhận định với hãng tin Izvestia của Nga hồi tháng trước rằng S-500 gần đây đang được thử nghiệm ở Syria, nơi mà Lực lượng Phòng không - Không quân Nga đang duy trì ảnh hưởng đáng kể.
Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận thông tin trên trong một thông báo hôm 2/10, đồng thời khẳng định rằng S-500 "không cần thêm" các cuộc thử nghiệm.
Ông Borisov là quan chức cấp cao gần đây nhất của Nga cùng với các quan chức khác như Phó Chỉ huy Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, Trung tướng Yuri Grekhov và CEO của Tập đoàn Rostec Sergei Chemezov lên tiếng về khả năng vận hành của S-500.
Chính phủ Nga và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này cũng tái khẳng định, theo thời gian dự kiến của chương trình vũ khí quốc gia 2027 của Nga, lô S-500 sản xuất hàng loạt đầu tiên sẽ được biên chế vào năm 2020.
Mặc dù S-500 sắp đi vào hoạt động nhưng những thông tin chính thức về hệ thống phòng thủ này vẫn chưa được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, dựa trên những thông tin rò rỉ cũng như những nhận định của phía Nga đã cho chúng ta bức tranh tương đối toàn diện về những gì có thể mong đợi ở hệ thống này.
Với tầm bắn tối đa lên tới 600km và thời gian phản hồi chỉ mất từ 3 - 4 giây, S-500 có tầm bắn xa hơn 200km và thời gian phản hồi nhanh hơn 6 giây so với hệ thống tiền nhiệm S-400.
Bên cạnh đó, các tên lửa 77N6 và 77N6-N1 của S-500 còn có khả năng đánh chặn các tên lửa hành trình siêu thanh và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng như các mục tiêu đang bay trên không với tốc độ Mach 5.
Nhà sản xuất Almaz-Antey đã khẳng định rằng S-500 thậm chí có thể tấn công các vệ tinh ở quỹ đạo thấp và một số loại phi thuyền nhất định gần không gian.
Ngoài khả năng kinh ngạc khi hoạt động một mình, S-500 còn có thể bổ sung sức mạnh cho những hệ thống hiện có như S-400 và S-300 nhằm tăng cường lớp phòng thủ để đối phó với những cuộc tấn công dồn dập.
Với khả năng như vậy, không mấy ngạc nhiên khi S-500 được ví như một "viên đạn bạc" hạ gục các chiến đấu cơ tàng hình nói chung và F-35 nói riêng.
Kỹ sư trưởng của Almaz - Antey Pavel Sozinov nhận định rằng S-500 là "một cú đánh vào thanh thế của Mỹ" và hệ thống này có thể "vô hiệu hóa các vũ khí tấn công của Mỹ, đồng thời vượt qua tất cả hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống phòng không của Mỹ".
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu đơn vị S-500 sẽ được sản xuất trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, S-500 sẽ không được sản xuất hàng loạt để phục vụ mục đích ban đầu của nó bởi thực tế là dường như điện Kremlin chưa bao giờ có ý định sẽ thay thế hệ thống S-400 bằng S-500.
Almaz-Antey đang định hướng S-500 không phải một hệ thống kế nhiệm của S-400 mà là một loại hệ thống phòng không khác, được thiết kế để đánh chặn những mối đe dọa chiến lược nguy hiểm nhất.