Hình ảnh viên bi trong hốc mũi bệnh nhân. Ảnh: BSCC.
Ca mắc dị vật khiến bệnh nhân sợ tới già
Tại Bệnh viện Quân Y 6 (Sơn La), Khoa Ngoại mỗi tháng tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc dị vật vào cấp cứu. Có những trường hợp mắc dị vật tới khó tin, khi bác sĩ tiếp nhận can thiệp cũng "hết hồn".
Mới đây, Khoa Ngoại vừa tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân nam, 54 tuổi (ngụ tại TP. Sơn La). Khi bệnh nhân đang ngủ trưa thì bị cháu trai nghịch, nhét viên bi xe đạp vào hốc mũi.
"Tỉnh dậy, tôi cảm thấy kỳ lạ trong mũi. Hỏi cháu thì biết cháu đã nhét viên bi vào mũi mình. Tôi hoảng hốt đi tìm đũa để khều ra nhưng không được", nam bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ.
Sau đó, viên bi ngày càng lăn sâu vào bên trong mũi bệnh nhân. Gia đình ông có dùng nhíp và một số cách khác để cố lấy dị vật ra, nhưng không có kết quả. Tối cùng ngày, sau khi đã áp dụng mọi cách để lấy dị vật nhưng thất bại, bệnh nhân mới được gia đình đưa tới Bệnh viện Quân Y 6 cấp cứu.
Hình ảnh chiếc cánh gà - 1 dị vật được các bác sĩ lấy ra. Ảnh: BSCC.
Khi bệnh nhân đến viện, mũi vẫn còn chảy máu, hốc mũi sưng nề. Máu chảy ngập trong mũi nên bác sĩ không thể nội soi; phim chụp XQ cho thấy có 2 dị vật trong mũi, trôi tới gần hốc mắt.
Đối với bệnh nhân đang có quá trình viêm xảy ra do quá trình cố lấy dị vật ra trước đó, các bác sĩ đã hội chẩn, quyết định cho bệnh nhân dùng thuốc chống viêm và can thiệp mổ (phương án xấu nhất) hoặc gắp dị vật vào ngày hôm sau.
Có 2 phương án được đưa ra khi hội chẩn đối với trường hợp bệnh nhân nam 54 tuổi này. Phương án 1: Dị vật vào đường nào sẽ lấy ra bằng đường đó; Phương án 2 xấu hơn: Sẽ phải rạch da tại rãnh mũi mắt để lấy dị vật.
Ngày hôm sau, các hiện tượng phù nề của bệnh nhân đã giảm, các bác sĩ đã dùng phương án tốt nhất cho bệnh nhân, lấy dị vật ra bằng đường mũi. Sau 15 phút thì viên bi đã được lấy ra. Bệnh nhân nói ông vô cùng hoảng hốt và "sợ tới già" khi nhìn thấy những viên bi đó.
Trong quá trình làm nghề, các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 6 gặp không ít ca bệnh gặp vấn đề với dị vật "quái dị".
Theo đó, bệnh viện đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 26 tuổi vào cấp cứu do mắc dị vật. Khi nội soi để gắp dị vật cho bệnh nhân, bác sĩ không tin vào mắt mình khi thấy hình ảnh cả cái cánh gà nằm vắt ngang lỗ thực quản.
Cá mắc kẹt ở cửa mũi. Ảnh: BSCC.
Đối với dị vật lớn tại thực quản, nếu không được can thiệp sớm sẽ gây viêm tấy. Dị vật chọc thủng thực quản cổ gây viêm nhiễm thành thực quản lan tỏa, viêm mô liên kết lỏng lẻo ở xung quanh thực quản.
Hay như ca bệnh mắc dị vật mũi "có một không hai", đó là trường hợp bệnh nhân ăn món cá nhảy, loại cá con còn sống, đang bơi trong chậu và được vớt lên ăn gỏi với rau. Khi bệnh nhân cho cá vào miệng, con cá nhảy lên mũi, đầu cá mắc kẹt ở cửa mũi. Bệnh nhân nhập viện ngay sau đó và được bác sĩ gắp con cá này ra ngoài.
Mắc dị vật: Phòng ngừa, sơ cứu thế nào?
Dị vật thực quản là điều không hiếm trong sinh hoạt ăn uống. Tuy nhiên, sau khi hóc dị vật, nạn nhân cần phải được sơ cứu đúng để tránh những biến chứng có thể xảy ra và bác sĩ cũng can thiệp dễ dàng hơn.
Để phòng ngừa dị vật thực quản, mọi người không nên ăn uống vội vàng mà cần nhai kỹ. Không nói chuyện và cười đùa trong khi ăn, không nên ăn đồ ăn có lẫn xương khi uống rượu say. Đối với trẻ em và người già, khi ăn uống cần loại bỏ xương trước khi ăn.
Đối với dị vật mũi, không nên cho bất cứ dị vật gì vào mũi. Với trẻ con vốn tính tò mò, hiếu động, phụ huynh không nên để trẻ chơi các đồ vật nhỏ để tránh nuốt phải, gây hóc hoặc thả vào mũi.
Bác sĩ khuyến cáo khi người dân hóc dị vật thực quản hoặc mắc dị vật ở mũi tuyệt đối không dùng mẹo hay tìm mọi cách lấy dị vật ra. Nạn nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ gắp dị vật một cách an toàn nhất, tránh biến chứng đáng tiếc.