Mắc bệnh tim do vi khuẩn viêm họng
Theo GS.Phạm Gia Khải, Nguyên viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam khớp "đớp" tim thường gặp ở những người trẻ dưới 25 tuổi có viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh nhân xuất hiện những cơn đau khớp cấp sau đó khỏi nhưng có thể gây tổn thương không hồi phục ở tim.
Khớp "đớp" tim còn gặp ở những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn mang tên liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (streptococus typ A). Loại vi khuẩn này gây ra viêm amidan và di chứng bệnh van tim thấp.
Trước đây, vào những năm 70 bệnh van tim thấp trong bệnh lý tim mạch chiếm tỷ lệ rất cao. Khi bị nhiễm loại vi khuẩn này theo cơ chế đề kháng cơ thể sẽ sản sinh ra loại kháng thể. Kháng thể này tiêu diệt vi khuẩn cũng sẽ tấn công vào tim gây ra bệnh van tim.
"Nhiều người bị bệnh van tim, suy tim có xuất phát điểm từ viêm họng. Nếu như bị tái nhiễm vi khuẩn nhiều lần, sức đề kháng suy yếu tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công mạnh vào tim", GS. Khải nói.
Khi bị nhiễm vi khuẩn liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A sẽ có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, kém ăn, sắc mặt nhợt nhạt. Một số trường hợp bệnh nhân chỉ có biểu hiện thoáng qua sau đó từ 1-5 tuần sẽ có biểu hiện đau ở khớp.
Điển hình của triệu chứng là bị đau viêm nóng đỏ một số khớp, đau lan từ khớp này sang khớp khác. Các khớp bị sung đau như: khớp gối, khớp khuỷu tay, khớp cổ chân, cổ tay… khó cử động.
Các biểu hiện đau khớp rất rầm rộ, khớp này sưng đau thì khớp kia sẽ khỏi. Vì vậy, rất nhiều người nhầm lẫn đang bị bệnh về xương khớp.
Ngoài đau khớp người bệnh sẽ có những triệu chứng khác như mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở.
Thấp tim gây tổn thương tim và có thể gây ra viêm màng trong tim, các van tim, viêm cơ tim, viêm toàn bộ tim (bệnh nhân mệt mỏi, tức ngực, hồi hộp…).
Thấp tim rất nguy hiểm có thể gây ra suy tim, phù phổi dẫn tới tử vong. Nhưng trường hợp các có thể để lại di chứng sẹo trên tim, hẹp van tim, hở van tim… phải phẫu thuật.
Cần cảnh giác với viêm họng
Loài vi khuẩn gây ra viêm họng có thể gây ảnh hưởng tới tim.
Tại khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai trước đây có tới 70 -80% trẻ có bệnh thấp tim, van tim, cơ tim. Hiện nay, các bệnh đó càng ngày ít đi do có dự phòng bệnh tật tốt hơn. Chất lượng cuộc sống được nâng cao nên khả năng đề kháng với vi rút tốt hơn.
GS. Khải Khuyến cáo, bệnh tim thấp hiện nay ít đi nhưng không phải sẽ không có nguy cơ mắc. Bởi vì, khi sức đề kháng của cơ thể tốt nên nhưng vi khuẩn cũng luôn biến đổi để phát triển và gây bệnh. Vì vậy, cách phòng bệnh tim thấp người dân phải giữ gìn sức khỏe nhân dân, nâng cao sức đề kháng đối phó với mọi tình huống.
Nên đi khám sức khỏe định kỳ trong đó có sức khỏe tim mạch ít nhất 6 tháng/lần. Khám sức khỏe ngay cả khi cơ thể đang khỏe mạnh để tầm soát nguy cơ.
Trong trường hợp bị viêm họng, viêm amidan, viêm xoang cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị triệt để. Không tự ý mua thuốc điều trị vì dễ bị tái phát bệnh.