Quýt là loại cây ăn quả rất quen thuộc và là vị thuốc quý của Đông y. Từ lá quýt, vỏ quýt, hạt quýt, xơ quýt... đều có tác dụng chữa bệnh.
Đông y gọi vỏ quýt xanh là Thanh bì, có mùi thơm, vị đắng, cay tính ôn, vào các kinh: can, đởm, tỳ vị.
Có tác dụng sơ can, phá khí, tiêu tích hóa trệ. Dùng để điều trị các chứng như ngực sườn đau tức, bệnh sán khí (thoát vị bẹn), hạch ở vú, viêm vú, thức ăn tích lại trong dạ dày sinh ra chứng đầy trướng đau bụng. Ngày dùng từ 8-12g, phối hợp với một số vị thuốc khác để điều trị.
Bài thuốc trị chứng thực tích đau bụng, bụng trướng đầy khó chịu: thanh bì 12g, sơn tra 8g, thần khúc 12g, mạch nha 12g, thảo quả 8g. Tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 10g pha với nước đun sôi để ấm.
Đông y gọi vỏ quýt chín là Quất hồng bì, vị cay đắng, tính ôn vào kinh tỳ, phế và vị (dạ dày) có tác dụng giáng khí kiện tỳ táo thấp, hóa đờm.
Trị chứng khí uất trong phế (phổi) nên ho nhiều đờm, tức ngực, do khí nghịch sinh chứng phản vị (trào ngược dạ dày), ăn uống kém, khí tích làm nước ứ đọng lại trong cơ thể sinh chứng phù thũng. Ngày dùng từ 6-12g phối hợp với các vị thuốc khác.
Vỏ quýt cho vị thuốc trần bì.
Bài thuốc Quất hồng bì thang điều trị chứng nôn ọe gồm: quất hồng bì, sinh khương lượng bằng nhau, sắc uống khi thuốc còn nóng, ngày uống 2 lần trước khi ăn.
Bài thuốc trị ho nhiều đờm, cơ thể suy nhược: quất hồng bì 12g, nhân sâm 8g, xuyên bối mẫu 8g, cát cánh 12g, cam thảo 6g. Ngày một thang sắc uống 2 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Đông y gọi vỏ quýt để lâu năm là Trần bì, vỏ quít chín phơi khô gói vào mo cau hoặc rơm, rạ, để lên giàn bếp sau 30 năm hoặc lâu hơn, có thể để 50-60 năm sử dụng càng tốt. Trần bì có vị đắng, cay, tính ôn vào phần khí của hai kinh tỳ và phế.
Có tác dụng: Điều lý ở phần khí, hóa đờm, táo thấp, hành trệ, làm mạnh tỳ vị giúp cho tiêu hóa tốt, tiêu hàn tích.
Trị các chứng: ho nhiều đờm, nôn mửa, khí của can (gan) nghịch lên đau tức vùng ngực, sinh chứng nôn mửa, tiêu thực, trị chứng ỉa chảy, nhiệt tích ở bàng quang sinh chứng đái dắt, tích nước phù thũng.
Trần bì là vị thuốc được dùng rất rộng trong Đông y, ngày dùng từ 6-12g có thể dùng cao hơn.
Bài thuốc trị sốt rét do ngã nước: trần bì 20g, thanh bì 20g, binh lang (hạt cau già) 10g, thường sơn (tẩm rượu sao) 20g. Đổ 3 bát nước (bát ăn cơm) sắc lấy 1 bát, cho bệnh nhân uống ấm trước khi lên cơn sốt, uống 3-5 ngày bệnh sẽ khỏi.
Đông y gọi hạt quýt là quất hạch, có vị đắng hơi cay, tính ôn vào kinh tỳ và thận, có tác dụng liễm khí sinh tân, trị chứng sa đì, tinh hoàn lạnh không sinh ra tinh trùng, kết hợp với hạt vải (lệ chi hạch) và một số vị thuốc khác trị chứng vô sinh của nam giới rất tốt.
Đông y gọi xơ ở ngoài múi quýt là quất lạc, có vị cay, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng thông kinh hoạt lạc, phối hợp với một số vị thuốc khác trị chứng xuất huyết từng đám ngoài da, chứng kinh phong của trẻ em.
Đông y gọi lá quýt là quất diệp, có vị cay, tính ôn, có mùi thơm đặc biệt, vào kinh can và vị, có tác dụng giáng khí thanh nhiệt phát tán. Bệnh nhân sốt cao, đau tức vùng ngực và mạng sườn, trị mụn nhọt và còn là vị thuốc đặc biệt để trị chứng nhũ ung (viêm vú của phụ nữ).
Ngoài ra còn dùng làm gia vị để nấu thịt chó, giúp cho thịt chó có mùi thơm đặc biệt, khi ăn dễ tiêu hóa.
Quả quýt chín nấu với mật ong hoặc mật mía được Đông y gọi là “quất bính”. Có vị cay, ngọt, tính ấm, vào kinh phế, tỳ vị, can có tác dụng lý khí khoan trung, điều trị bệnh kết quả tốt hơn quất hồng bì.
Đông y gọi vỏ cây quýt là quất thụ bì, cạo sạch vỏ đen ở ngoài lấy 200g ngâm với 1.000ml rượu trắng 30độ trong 20 ngày, mỗi tối uống 20ml trước khi ăn. Trị chứng phong tê thấp tay chân đau nhức tê bại.