Quảng Ninh muốn làm tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái dài 150km
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam lập Quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái hoặc bổ sung đoạn Hạ Long - Móng Cái vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng như để quản lý quỹ đất theo quy hoạch tuyến được phê duyệt.
Được biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 3 tuyến đường sắt.
Tuyến thứ nhất là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài 129 km, khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030.
Tuyến thứ hai là Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến là 101 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Tuyến thứ ba là Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến là 150 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại thành phố Hạ Long). Nếu có thể triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái thì sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc).
Mạng lưới đường sắt khép kín với tuyến đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc
Phía Trung Quốc đang triển khai đầu tư tuyến đường sắt từ Cảng Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (giáp biên giới Việt Nam). Tổng chiều dài lắp đặt đường ray của toàn tuyến đường này là 106,7km, phải xuyên qua 8 đường hầm và 32 cây cầu, dự kiến cuối tháng 12/2023 đủ điều kiện vận hành.
Tuyến đường có điểm đầu là đoạn phía Nam ga Bắc Cảng Phòng Thành (trên tuyến đường sắt Khâm Châu - Cảng Phòng Thành) chạy xuống phía Tây Nam, đến ga thành phố Đông Hưng, đi qua các thị trấn Giang Sơn (Cảng Phòng Thành), Giang Bình (Đông Hưng). Toàn tuyến có các ga Bắc Cảng Phòng Thành, ga thành phố Đông Hưng, và dự phòng ga Bán đảo Giang Sơn. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 6,48 tỷ NDT (khoảng 22 nghìn tỷ VND).
Tuyến đường sắt này dài 46,9km, tốc độ thiết kế 200km/h và sẽ được nâng lên 250 km/h trong tương lai. Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên chạy thẳng tới biên giới Việt - Trung, chấm dứt lịch sử không có giao thông đường sắt từ Cảng Phòng Thành đến Đông Hưng. Một khi đi vào hoạt động, thời gian di chuyển giữa hai địa điểm rút ngắn từ 60 phút xuống 20 phút.
Nhờ tuyến đường sắt tốc độ cao này, Đông Hưng – thành phố biên giới giáp với Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) lần đầu tiên được kết nối vào mạng lưới đường sắt cao tốc dài 42.000 km của Trung Quốc.
Kết nối đường sắt là cơ sở để thúc đẩy kinh tế phát triển
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc sớm triển khai tuyến Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc).
Trong đó, TP Móng Cái sẽ là trung tâm kết nối của tuyến đường sắt nối liền Việt - Trung. Nếu việc đầu tư hệ thống đường sắt tại Quảng Ninh được hiện thực hóa, thương mại biên giới tại cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) hứa hẹn phát triển mạnh mẽ.
Mạng lưới đường sắt khép kín sẽ góp phần quan trọng trong gia tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
Về vận chuyển hàng hoá, 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu với Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái đạt hơn 2,2 tỷ USD; thu ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng. Về du lịch, năm 2023, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) hướng đến mục tiêu đón trên 1,5 triệu lượt khách thông quan qua khu vực cửa khẩu này.
Hoạt động kinh tế - du lịch qua địa bàn TP Móng Cái sẽ ngày càng thuận lợi một khi có tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, song song với tuyến cao tốc từ Hà Nội – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái. Cơ sở hạ tầng giao thông phát triển sẽ tạo điều kiện thông quan ngày càng nhanh chóng, thu hút doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh với các địa phương khác của Việt Nam có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, 2 tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông đã hình thành kết nối mạng lưới đường sắt ven biển với tuyến đường sắt cao tốc Hợp Phố – Trạm Giang được khởi công vào năm 2021, và toàn bộ sẽ thông suốt khi tuyến Cảng Phòng Thành - Đông Hưng hoàn thành vào cuối năm nay.
Bằng loại hình đường sắt cao tốc, các thành phố ven biển của Trung Quốc và Việt Nam sẽ được kết nối nhanh với nhau, từ khu vực Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao đi qua Trạm Giang – Bắc Hải – Cảng Phòng Thành (Trung Quốc) tới Móng Cái – Vân Đồn – Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội (Việt Nam), tạo thành chuỗi đô thị phát triển thịnh vượng.