LTS: Niệm số để chữa bệnh là một khái niệm mới lan tràn trên mạng gần đây và được rất nhiều người chia sẻ, lên tiếng bênh vực về hiệu quả trông thấy của nó trên các căn bệnh của bản thân.
Niệm số là gì? Nói rộng ra, các phương pháp y học thay thế là gì? Công dụng của nó có thực không? Tại sao vẫn có nhiều người cảm thấy khỏe lên sau khi niệm số?
Trân trọng giới thiệu loạt bài của ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương về vấn đề này.
Bài 1: "Bộ mặt thật" của thực dưỡng Ohsawa ở VN: Quảng cáo ngất trời, bán sản phấm giá... cắt cổ
Niệm số chữa bệnh chỉ là 1 trong số vô vàn các phương pháp y học thay thế (Alternative medicine). Mỹ từ này để chỉ những phương pháp không căn cứ vào những kiến thức khoa học hiện tại, không được kiểm chứng hoặc không thể kiểm chứng.
Y học cổ truyền chân chính có cơ sở lý luận; y học thay thế đôi khi dựa trên tin đồn
Y học thay thế rất đa dạng và thường được chia thành các nhóm:
- Nhóm thay thế thuốc bao gồm Thuốc cổ truyền, Đông y, Châm cứu
- Nhóm Tư thế thân hình bao gồm Yoga, Tác động cột sống, Nắn chỉnh xương, vv
- Nhóm Thực dưỡng và Thảo dược bao gồm Thực phẩm chức năng, Thực dưỡng, Thảo dược (Herbalife)
- Nhóm Năng lượng bên ngoài bao gồm Khí công, Reki, Liệu pháp điện từ
- Nhóm Tác động lý trí bao gồm Thiền, Thôi miên, Phản hồi sinh học
- Nhóm Liệu pháp giác quan bao gồm Âm nhạc trị liệu, Hình ảnh trị liệu, Hương liệu trị liệu, v.v.
Châm cứu chữa bệnh là một trong phương pháp y học thay thế có hiệu quả cao
Y học thay thế khác hẳn so với y học cổ truyền chân chính là hệ thống y học có cơ sở lý luận chặt chẽ, đã được kiểm chứng qua hàng ngàn năm lịch sử. Các bài thuốc cổ phương có thể dễ dàng kiểm chứng hiệu quả qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Còn y học thay thế đôi khi dựa trên tin đồn, truyền thống, mê tín, niềm tin vào năng lượng siêu nhiên, hoặc các chứng cứ giả, bóp méo cơ sở lý luận, v.v…
Trong khi Đông y, Châm cứu, Yoga, Taichi (Thái cực quyền), Âm nhạc trị liệu hay Vi lượng đồng căn, Thôi miên, Tác động cột sống đã có những nghiên cứu đánh giá và cho thấy có hiệu quả đối với nhiều bệnh lý nhất định, thì rất nhiều kỹ thuật chữa bệnh khác không hề chứng minh được hiệu quả.
Có đến 17 liệu pháp y học thay thế không có bằng chứng về hiệu quả
Năm 2015, Cơ quan y tế chính phủ Úc khi xem xét các bằng chứng khoa học đã khẳng định 17 liệu pháp y học thay thế không có bằng chứng về hiệu quả chữa bệnh.
Nghịch lý là những phương pháp được đánh giá có kết quả như kể trên đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo về lý thuyết và kỹ năng và ít khi bán được sản phẩm hỗ trợ nên ít phát triển.
Ngược lại những thứ không chứng minh được hiệu quả, không cần đào tạo, chỉ bám vào một mớ lý thuyết vô căn cứ nhưng có nhiều sản phẩm để bán kiếm lời như Thực dưỡng, Thực phẩm chức năng, Thảo dược thì được tung hô quảng cáo và tràn lan khắp mọi nơi.
Các tư thế thường gặp trong bài tập Taichi (thái cực quyền). Ảnh từ Internet.
Quả thực, đây là miền đất cho các lang băm khai thác kiếm lời, dựa trên những quảng cáo nổ trời về hiệu quả của chúng, mà hiệu quả này còn chưa được kiểm chứng hoặc đã kiểm chứng thực tế và thấy nó vô tác dụng.
Trong Đại chiến thế giới I, từng có quảng cáo rầm rộ về thực phẩm chức năng "Revalenta Arabica" có đặc tính thần diệu giúp các thương binh nhanh hồi phục vết thương. Sau này người ta mới vỡ lẽ ra thứ bột thần diệu đó chính là bột đậu lăng, nhưng khi dán mác thực phẩm chức năng "Revalenta Arabica" thì được bán với giá cao gấp nhiều lần.
Mới đây Zhang Wube từng lên sóng truyền hình ở Trung Quốc, tung ra quyển sách "Eat Away the Diseases You Get from Eating" trong đó đề xuất cà tím sống và đậu xanh là một phương thuốc chữa bách bệnh. Nhờ đó Zhang có đội con nhang đệ tử dài dằng dặc, danh sách người hẹn chờ khám kéo dài đến 2 năm. Nhưng khi bị điều tra, Zhang đã thú nhận chưa từng được đào tạo cả về y học và dinh dưỡng mà chỉ học những điều linh tinh trên ở lớp học ban đêm, khi ông bị nhà máy dệt sa thải.
Phần đông các sản phẩm bán hàng đều quảng cáo thổi phồng về hiệu quả, nhưng lại hết sức lập lờ về cách thức đánh giá hiệu quả đó. Họ thường nêu 1 - 2 trường hợp thành công điển hình, đôi khi là bịa đặt, nhưng không hề nói đến tỷ lệ thất bại. Nếu có thất bại thì thường họ đổ lỗi cho khách hàng không tuân thủ chuẩn mực khi "chữa bệnh".
Những người mua những sản phẩm này, giai đoạn đầu có thể cảm thấy có tác dụng do yếu tố tâm lý ám thị và họ chia sẻ rộng rãi. Đến khi thấy không có tác dụng thường ít chia sẻ vì tâm lý xấu hổ, nhất là khi tốn mất nhiều tiền. Điều đó khiến trào lưu sử dụng các liệu pháp này dễ dàng lan rộng. Điều đó còn thực sự nguy hại nếu những kẻ bán hàng vì quảng cáo quá mạnh mẽ dẫn đến người bệnh trì hoãn hoặc ngưng bỏ liệu pháp điều trị chính thống cần thiết.
Aromatherapy, hương liệu trị liệu-dùng tinh dầu thiên nhiên để trị liệu hoặc phòng chống bệnh tật
Để tránh tình huống sa vào tay các "lang băm" khi dùng liệu pháp thay thế, chung ta nên tìm hiểu những đánh giá hiệu quả thực của liệu pháp đến đâu. Ví dụ: quảng cáo chế độ ăn gạo lức muối mè giúp tăng cường sức khỏe và trí tuệ. Vậy quần thể những người ăn gạo lức muối mè đó có tuổi thọ cao hơn, có năng suất lao động cao hơn, số ngày ốm trong năm thấp hơn và tỷ lệ tốt nghiệp đại học cao hơn so với quần thể ăn uống thông thường không?
Kiểm tra 4 điều này với phương pháp mà bạn tin dùng
Paul A. Offit (sinh 1951) là một bác sĩ nhi khoa người Mỹ chuyên về các bệnh truyền nhiễm, vắc-xin, miễn dịch và virus học. Offit là Giáo sư Nhi khoa tại Trường Y khoa Perelma, Đại học Pennsylvania, nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm (1992-2014), và Giám đốc Trung tâm Giáo dục vắc-xin tại Bệnh viện nhi Philadelphia.
Paul Offit đề xuất bốn cách nhận diện y học thay thế trở thành "lang băm" khi nó:
- Khuyến nghị chống lại các liệu pháp thông thường hữu ích.
- Thúc đẩy các liệu pháp có hại mà không có cảnh báo đầy đủ.
- Rút cạn tài chính của bệnh nhân.
- Thúc đẩy tư duy ma thuật.