Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bị “máy bay lạ” tấn công thiệt hại nặng nề mà im hơi lặng tiếng?

Thu Thủy |

Tối muộn ngày 5/7, một máy bay chiến đấu phản lực không xác định của ai và không rõ kiểu loại đã bất ngờ ném bom căn cứ không quân Al-Watiya ở Libya gây thiệt hại nặng nề cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, khu vực này do "Chính phủ đoàn kết quốc gia" Libya (GNA) kiểm soát và được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản. Cuộc không kích không chỉ phá hủy hệ thống phòng không do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai mà còn giết chết và làm bị thương một số binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ báo Ai Cập Youm 7 thậm chí còn nói rằng Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Yasar Guler, người đang tới đây để kiểm tra, có thể "đã không qua khỏi sau khi bị dính vụ ném bom".

Đối với các nhà phân tích quan tâm đến cuộc chiến ở Libya, đây không phải là lần đầu tiên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân trên chiến tuyến bị tấn công bởi "máy bay chiến đấu bí ẩn".

Ngay từ ngày 25/5, các tàu chiến và tàu chở hàng của Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại Libya đã bị tấn công bởi các máy bay chiến đấu "không xác định": hai máy bay chiến đấu Mig-29 đã ném bom tàu chiến và tàu vận tải của Thổ Nhĩ Kỳ, phá hủy một số lượng lớn vũ khí và vật tư.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bị “máy bay lạ” tấn công thiệt hại nặng nề mà im hơi lặng tiếng? - Ảnh 1.

Sân bay Al-Watiya sau vụ không kích của máy bay lạ (Ảnh: read01.com)

Nhưng cuộc tấn công vào ngày 5/7 vẫn có những điểm đặc biệt. Mãi cho đến khoảng ngày 8/7, cả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội GNA được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, đều chỉ nhấn mạnh rằng "máy bay chiến đấu không xác định" đã ném bom căn cứ.

Trước đó, vào cuối tháng 5, căn cứ theo tình báo Mỹ, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã bóng gió vụ tấn công các tàu Thổ Nhĩ Kỳ là hành động của Nga, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ của ông Recep Erdogan cũng đã hô hào việc trả thù mạnh mẽ đối trong vấn đề Trung Đông.

Sự kiên nhẫn và nín chịu của Thổ Nhĩ Kỳ khi đó được xem là có một chút bất thường. Có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ gần đây bị vây hãm chiến lược ở khu vực Địa Trung Hải chính là nguyên nhân lớn nhất của sự bất thường này.

Tai họa bất ngờ rơi xuống đầu người Thổ Nhĩ Kỳ

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang đóng một vai trò ngày càng cao trong vấn đề Libya. Sau khi "Quân đội Quốc gia Lybia" (LNA) dưới sự chỉ huy của nguyên soái Khalifa Haftar, người đứng đầu của Benghazi, hồi tháng Tư tuyên bố rằng ông sẽ chiếm lấy tất cả Libya; Nga và các bên ủng hộ khác tạm thời từ bỏ lực lượng LNA đang bành trướng.

Các lực lượng vũ trang tinh nhuệ như SADAT của Thổ đã xuất hiện trên chiến trường ở Libya.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bị “máy bay lạ” tấn công thiệt hại nặng nề mà im hơi lặng tiếng? - Ảnh 3.

Sân bay Al-Watiya của Lybia bị Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát trước khi bị không kích (Ảnh: read01.com).


Với sự trợ giúp mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ, GNA ngày càng thành công hơn. Sau cuộc bao vây của hơn 10.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/5, "Lữ đoàn Zintan" mạnh nhất của LNA đã rút khỏi thành phố và bỏ lại căn cứ Al-Watiya rơi vào tay người Thổ.

Trận chiến này cũng là một chiến thắng mang tính bước ngoặt đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya. Sau đó LNA liên tiếp thất bại, cuộc hỗn chiến của các quân phiệt Libya đã kết thúc với việc quân đội GNA tạm thời giành phần thắng.

Khi quân đội LNA và GNA tiếp tục duy trì cuộc chiến giằng co dọc theo chiến tuyến của Sirte và Misurata, sự hiện diện và tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya cũng trở nên ngày càng mạnh mẽ.

Đến ngày 17/6, một tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ đang chở vũ khí cung cấp cho quân đội GNA đã bất ngờ chĩa radar điều khiển hỏa lực vào một tàu chiến Pháp đang thực hiện giám sát trên Địa Trung Hải, gây nên căng thẳng với Pháp.

Chính quyền Ankara cũng đã thông qua thỏa thuận hàng hải với chính quyền GNA để phái hải quân của họ hơn một lần triển khai hoạt động ở vùng lãnh hải và vùng thềm lục địa của Síp, Ai Cập, Israel, Lebanon và Syria ở phía đông Địa Trung Hải.

Động thái này đặt ra mối đe dọa đối với các mỏ dầu khí ngoài khơi và các đường ống dẫn dầu dưới nước từ đông Địa Trung Hải đến châu Âu. Do đó, Libya đã trở thành "lá chắn Địa Trung Hải" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bị “máy bay lạ” tấn công thiệt hại nặng nề mà im hơi lặng tiếng? - Ảnh 4.

Một trận địa tên lửa Hawk của Thổ Nhĩ Kỳ ở Lybia. Các trận địa bảo vệ sân bay Al-Watiya đều bị tiêu diệt (Ảnh: read01.com).

Rất nhanh, thái độ hung hăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya đã đạt đến đỉnh điểm vào tháng 7/2020.

Từ ngày 30/6 đến ngày 2/7, Tư lệnh Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ Adnan Ozbal, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar, Tổng tham mưu trưởng Yasar Guler và các quan chức cấp cao khác đã vâng lệnh Tổng thống Erdogan đến Tripoli, thủ đô của Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) ở miền tây Libya, thể hiện Thổ Nhĩ Kỳ "tiếp tục kiên định hợp tác với với chính phủ hợp pháp và hiện tại của Libya (tức chính phủ GNA)".

Vài ngày sau, cuộc không kích của máy bay chiến đấu bí ẩn trút xuống căn cứ Al-Watiya nằm dưới quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc tấn công bất ngờ này vào chiến trường chiến thắng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng được coi là một cú đòn được tính toán rất kĩ, mang tính dằn mặt.

Tại sao Erdogan chịu nuốt hận?

Cần phải thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thành công đáng kể trong cuộc chiến ở Libya gần hai năm qua.

Xem xét sức mạnh và binh lực của các cường quốc đứng sau GNA và LNA, một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Ukraine thực sự đã đương đầu được các đòn đánh chung của Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Sudan và thậm chí cả Nga và Pháp. Điều này chắc chắn là một chiến thắng đáng tự hào của ông Erdogan.

Nhưng chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya cũng không thể tái diễn. Điều này có liên quan đến sự thiếu đồng thuận giữa các cường quốc về phía LNA, họ chỉ quan tâm đến lợi ích dầu mỏ ở Libya mà không muốn sốt sắng tham gia vào cuộc chiến ở địa phương.

Trong số đó, Nga dẫn đầu trong việc đặt cược vào cả hai phe của hai quân đội và khoảng 2.000 lính đánh thuê của họ chỉ là những người bạn đồng hành của quân đội LNA.

UAE và Ả Rập Saudi đã không cử quân đội, chỉ gửi tới một số lượng nhỏ lính đánh thuê người Sudan, một số nhân viên kỹ thuật và máy bay chiến đấu không người lái mua của Trung Quốc.

Thái độ của Ai Cập đối với Libya cũng tiêu cực không kém, mãi đến tháng 6 năm 2020 họ mới có kế hoạch gửi quân tới. Đối với Pháp, chủ yếu là chỉ can thiệp thụ động, cùng không quân và hải quân của Hy Lạp, Đức, Ba Lan, Luxembourg tăng cường "Chiến dịch Irini" cấm vận vũ khí cho Lybia.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ bị “máy bay lạ” tấn công thiệt hại nặng nề mà im hơi lặng tiếng? - Ảnh 6.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngậm đắng nuốt cay sau vụ không kích (Ảnh: Đa Chiều).

Nhưng chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không kéo dài bao lâu và những hành động tấn công của họ ở Libya đã gây ra sự cảnh giác của tất cả các nước xung quanh. Đối với EU, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một "kẻ thù thực sự" lớn lên ngay dưới mũi và đe dọa lợi ích và sự ổn định nội bộ của châu Âu.

Mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng đang làm tan rã sự thống nhất nội bộ của NATO, khiến NATO phải chú ý.Khi những người ủng hộ LNA mải dè chừng nhau và bị phân tâm, khoản đầu tư khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ vào chiến trường Libya đã có tác dụng đảo ngược tình thế.

Sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Địa Trung Hải đã khiến 5 Bộ trưởng Ngoại giao của Hy Lạp, Ai Cập, Síp, Pháp và UAE ra một tuyên bố chung lên án Thổ Nhĩ Kỳ "tiếp tục các hoạt động phi pháp".

Khi Ai Cập mở cửa căn cứ không quân Uthman gần Libya cho UAE sử dụng làm trạm chuyển tiếp cho các lực lượng máy bay không người lái ra vào Libya, một mạng lưới bao vây chống lại Thổ Nhĩ Kỳ đang dần thắt chặt.

Do đó, tuy Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành lực lượng chủ đạo ở Libya bằng cách dựa vào binh lính và chủ nghĩa quân phiệt, nhưng đã phơi bày sức mạnh của chính họ, làm gia tăng các đối thủ tiềm năng và thúc đẩy hình thành một "mặt trận thống nhất".

Đây chính là điều mà chính quyền Erdogan không muốn nhìn thấy. Khi mà những kẻ thù mạnh mẽ xung quanh cùng tất cả các bên đều nhe nanh múa vuốt, việc Ankara và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị giáng đòn không kích "không xác định" chí tử này khiến họ có thể tự mình hiểu ra được vấn đề mà không dám lên tiếng kêu ca.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại