Điều các thế lực thù địch với Syria lo sợ nhất đã xảy ra
Iran và Syria vừa ký một thỏa thuận mới về hợp tác quân sự toàn diện nhằm đưa 2 đồng minh "chí cốt" trở nên mật thiết hơn thông qua quân đội của họ.
Theo kênh truyền hình Al-Mayadeen TV, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Syria ‘Ali ‘Abdullah Ayoub, và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Cộng hòa Hồi giáo Iran, Mohammad Bagheri, đã một ký thỏa thuận về mở rộng hợp tác quân sự toàn diện vào hôm qua, thứ Tư, ngày 09/07/2020.
Thỏa thuận mới đã cụ thể hóa việc mở rộng hợp tác quân sự và an ninh song phương đặc biệt là trong các chiến dịch quân sự và phối hợp tác chiến.
Một thông tín viên của kênh Al-Mayadeen cho biết cả hai bên đều tập trung vào thảo luận tình hình ở Syria và nhất trí cao về sự cần thiết phải đuổi các lực lượng vũ trang ngoại quốc có mặt ở quốc gia này một cách bất hợp pháp.
"Nếu chính quyền Mỹ có thể đánh bại, buộc Iran, Syria phải quỳ gối thì chắc chắn họ đã làm từ lâu rồi mà không phải ngại ngần gì", ông Ayoub tuyên bố.
Liên quan tới những vụ không kích gần đây nhằm vào Quân đội Syria, vị Bộ trưởng này nói: "Israel là một thành viên chủ chốt và cực hiếu chiến trong cuộc xung đột chống Syria" và chỉ ra rằng "các nhóm khủng bố là một phần trong sự gây hấn của Israel".
Ông cũng nhấn mạng rằng Quân đội Syria sẽ giành được thắng lợi cuối cùng, bất chấp những nỗ lực của ngoại bang nhằm ngăn cản họ tới thành công.
Cùng lúc, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, ông Bagheri tuyên bố: "Chúng tôi (Iran) sẽ hỗ trợ lực lượng phòng không Syria nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa 2 nước". Liên quan tới tình hình ở Tây Bắc Syria, ông Bagheri nói: "Thổ Nhĩ Kỳ đã chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết rút các nhóm vũ trang khủng bố khỏi Syria".
Không quân Israel thường xuyên đột nhập tấn công các đơn vị Quân đội Syria.
"Thổ Nhĩ Kỳ cần phải hiểu rằng các vấn đề an ninh của họ phải được giải quyết thông qua đàm phán và trên cơ sở thấu hiểu với phía Syria, chứ không phải bằng cách tăng cường hiện diện quân sự trên lãnh thổ Syria", ông nói tiếp.
"Người dân và các quốc gia trong khu vực không chào đón sự hiện diện của Mỹ... Thỏa thuận vừa ký đã chứng tỏ quyết tâm của chúng tôi sát cánh cùng nhau để đối phó với sức ép từ Mỹ".
Vũ khí, đặc biệt là tên lửa phòng không Iran sẽ ùn ùn tới Syria
Còn nhớ, năm 2015, khi chính quyền của Tổng thống Assad ở trong tình trạng hết sức nguy ngập, các lực lượng vũ trang Nga theo lệnh của Tổng tống Putin tới tham chiến, giúp lật ngược thế cờ.
Đến nay, Quân đội Syria, dưới sự hỗ trợ đặc lực của Quân đội Nga, đã giải phóng được phần lớn diện tích lãnh thổ, gồm nhiều địa bàn chiến lược vốn trước đây bị các nhóm phiến quân và khủng bố chiếm giữ.
Các loại tên lửa phòng không mới vừa được Iran chế tạo thành công.
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ, bởi hàng ngày hàng giờ, các thế lực nước ngoài vẫn đang tìm cách thực hiện lời thề "Assad Must Go - Assad phải ra đi", và Nga vốn ủng hộ tuyệt đối chính phủ Syria nhưng họ vẫn phải cân bằng các quan hệ quốc tế và những thỏa thuận "ngầm" với những quốc gia có xung đột với Syria.
Vì thế, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục có các hành động gây hấn khiến Quân đội Syria dù rất phẫn nộ nhưng tiềm lực có hạn, không thể thẳng tay phản đòn.
Phòng không Syria có trong tay khá nhiều hệ thống tên lửa hiện đại như S-300, Buk-M2E hay Pantsir-S1 nhưng không đủ để bảo vệ toàn bộ bầu trời và không đủ lực lượng đủ mạnh để đánh lớn, đánh tiêu diệt máy bay Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Iran trưng bày các loại UAV Mỹ bị bắn hạ, trong đó có cả chiếc RQ-4 Global Hawk.
Với thỏa thuận hợp tác quân sự toàn diện mới ký, Iran sẽ cung cấp cho Syria những tổ hợp phòng không tối tân do công nghiệp quốc phòng trong nước chế tạo. Đây là cú đấm cực mạnh và chưa từng có trong lịch sử nhằm vào những ông lớn như Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ. Nỗi lo Iran trực tiếp chơi lớn ở Syria đã trở thành sự thực.
Dù khó có thể đánh giá chất lượng thực sự của những tổ hợp tên lửa phòng không "Made in Iran" nhưng rõ ràng chúng sẽ là sự bổ sung quý giá, kịp thời đối với Syria.
Một trong những hệ thống tên lửa phòng không Iran đã có chiến công đáng chú ý đầu tiên khi bắn hạ máy bay không người lái tàng hình RQ-4 Global Hawk rất hiện đại của Mỹ, khiến Washington nổi giận nhưng không dám trực tiếp tấn công trả đũa.
Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh bắn tên lửa vào Iran nhưng cuối cùng ông đã hủy bỏ vào phút chót mà nguyên nhân chủ yếu được cho rằng Tehran có những con "át chủ bài" có thể khiến Mỹ phải trả giá rất đắt, trước hết là sinh mạng của các binh sĩ nước này đồn trú tại những căn cứ quân sự ở Trung Đông.
Chắc chắn Mỹ-Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang ngồi trên "đống lửa", một khi Iran thực hiện triệt để lời thề "tăng cường tiềm lực cho phòng không Syria" bằng việc chuyển giao ồ ạt các tổ hợp tên lửa thế hệ mới, thì khi đó máy bay chiến đấu nước ngoài sẽ không thể ra vào không phận Syria dễ như đi chợ nữa.