Vì sao sữa đậu nành là ‘khắc tinh’ của đàn ông?

Khánh Chi |

Hiện nay có nhiều quan điểm đàn ông không nên uống sữa đậu nành vì sữa đậu nành gây suy giảm chức năng sinh lý của nam giới.

Bị mắng vì cho chồng uống sữa đậu nành

Chị Nguyễn Minh Hà (23 tuổi, Cẩm Giàng, Hải Dương) rất thích uống sữa đậu nành nên thường mua về nhà hai vợ chồng cùng uống. Chồng chị cũng thích uống nên cả hai vô tư sử dụng.

Một lần, mẹ chồng chị đến chơi thấy trong tủ lạnh có nhiều sữa đậu nành. Ngay lập tức, bà mắng chị Hà muốn biến con trai bà thành “thái giám” hay sao mà cho uống nhiều sữa đậu nành. Chị Hà không hiểu gì còn tưởng mẹ chồng trách mình sai. Sau đó chị mới lên mạng tìm hiểu thì được biết sữa đậu nành không tốt cho nam giới.

Ban đầu, chị chỉ thích uống sữa đậu nành vì mát, không ngấy như sữa bò và không để ý tới ảnh hưởng của nó như thế nào với nam giới.

Không riêng gì chị Hà, chị Bùi Thị Vui (Phố Vọng, Hà Nội) cũng thích ăn đậu phụ nên thường xuyên mua về ăn. Chồng chị thường than thở vợ muốn chồng đi tu hay sao mà suốt ngày ‘tẩm bổ’ đậu phụ.

Vì sao sữa đậu nành là ‘khắc tinh’ của đàn ông? - Ảnh 1.

Đàn ông dùng sữa đậu nành nhiều có thành ‘thái giám’? (Ảnh minh họa)

Vì sao sữa đậu nành là ‘khắc tinh’ của đàn ông?

Theo bác sĩ Huynh Wynn Trần, tổ chức y khoa VietMD, sữa đậu nành là loại sữa làm từ đậu nành, nước, và các chất giữ sữa không hư. Sản phẩm thô từ sữa đậu nành tốt hơn các chất phụ gia hay thực phẩm chức năng từ đậu nành.

Bác sĩ Wynn cho biết sữa đậu nành là sữa từ cây trồng duy nhất có đầy đủ protein và cũng là loại sữa cung cấp nhiều protein nhất trong các loại sữa từ hạt. Sữa cũng có potassium rất cần thiết cho huyết áp, nhịp tim, canxi và vitamin D kèm theo.

Lý giải về việc vì sao sữa đậu nành không tốt cho nam giới, bác sĩ Wynn cho biết sữa đậu nành gây nhiều tranh luận có tốt cho đàn ông hay không bởi vì trong sữa đậu nành có Phytoestrogen (Isoflavone), một loại hormone nữ. Khả năng Isoflavone bám vào cơ quan thụ cảm của hormon Estrogen yếu hơn từ 100 đến 1000 lần so với hormone nữ Estradiol.

Tuy nhiên, quá nhiều Isoflavone có thể bám lên ngoài thành tế bào và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào, đặc biệt là đến khả năng sản xuất tinh trùng của nam. Một nghiên cứu từ Harvard năm 2008, trên 99 bệnh nhân nam cho thấy ăn uống nhiều Isoflavone, thường hơn 2 lần/tuần, dẫn đến giảm tinh trùng, ít hơn đến 35 triệu/cc so với người không dùng đậu nành.

Nghiên cứu này nói khả năng bơi của tinh trùng, hình dạng, và lượng tinh dịch sản xuất không ảnh hưởng bởi ăn nhiều đậu nành. Nghiên cứu này cũng có vài điểm yếu như số lượng bệnh nhân ít và phần lớn (72%) bệnh nhân béo phì và người béo phì thì khả năng tinh trùng cũng giảm hơn.

Trong khi đó, các Isoflavone có trong sữa đậu nành làm tăng mức estrogen, hormone này rất có lợi cho những phụ nữ sau mãn kinh.

Cục Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ đã thông qua một tuyên bố vào năm 1999 cho biết, "25% gr protein đậu nành mỗi ngày, như là một phần trong một chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol, có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim". Isoflavones được tìm thấy trong sữa đậu nành cũng giúp làm giảm cholesterol "xấu".

Các báo cáo của Hội Ung thư Mỹ cho rằng một số nghiên cứu với những người đàn ông ung thư tuyến tiền liệt cho thấy sữa đậu nành làm giảm hoặc làm chậm sự phát triển của tuyến tiền liệt.

Vì vậy, đàn ông vẫn có thể uống sữa đậu nành nhưng uống vừa phải, ít hơn 2 ly/tuần còn phụ nữ uống khoảng 3 ly/tuần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại