Vì sao Nhật Bản muốn tăng chi tiêu quân sự lớn nhất trong 20 năm qua?

Minh Thu |

Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn tăng mức chi tiêu quốc phòng thêm 8,3%, mức tăng lớn nhất trong hơn 20 năm qua, để đối phó với loạt thách thức an ninh.

CNN đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất tăng 8,3% ngân sách quốc phòng trong năm 2020. Đây là mức tăng lớn nhất trong hơn 20 năm qua ở quốc gia này, giữa lúc Nhật Bản đang phải đối mặt với tốc độ hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc và mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên.

Vào chiều ngày 30/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo dự kiến ngân sách quốc phòng quốc gia sẽ là 51,9 tỉ USD. Với khoản chi này, Nhật Bản hy vọng sẽ tăng cường năng lực cho quân đội quốc gia để đối phó với những mối đe dọa mới như chiến tranh điện từ, không gian và mạng.

Trong khoản đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản có 690 triệu USD nhằm mở rộng năng lực cho đơn vị vũ trụ và hệ thống trinh sát nhận biết tình hình vũ trụ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cùng khoảng tiền 340 triệu USD để xây dựng năng lực chống chiến tranh điện từ và đơn vị phòng vệ không gian mạng.

Khoản đề xuất này vẫn cần được Quốc hội Nhật Bản thông qua vào cuối năm nay. Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là năm thứ 9 liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng.

Giáo sư Stephen Nagy tại Ban Nghiên cứu Quốc tế và Chính trị tại Đại học International Christian ở Tokyo cho hay, việc Nhật Bản tăng cường ngân sách quốc phòng là để bắt kịp tốc độ tăng trưởng quân sự nhanh chóng của các nước trong khu vực.

Cũng theo ông Nagy, đề xuất tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đi theo xu thế của các nước trong khu vực Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Hồi tháng Năm, Bắc Kinh thông báo tăng ngân sách quốc phòng thêm 6,6% nâng tổng mức chi tiêu quân sự lên ít nhất là 178 tỉ USD.

“Hàng năm, Trung Quốc đều đóng thêm nhiều tàu mới với số lượng nhiều hơn cả số tàu chiến mà quân đội Anh đang sở hữu. Kể từ năm 2000, hàng năm, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đều tăng khoảng 10%.

Do đó, Nhật Bản tăng mức chi tiêu quân sự là bị ảnh hưởng từ việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự trong khu vực và trên toàn cầu”, ông Nagy nói.

Còn theo ông Heigo Sato, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Takushoku ở Tokyo cho biết, mở rộng ngân sách là động thái nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên, cũng như áp lực từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Nhật Bản cần chia sẻ thêm gánh nặng chi phí bảo vệ an ninh quốc gia.

Đối mặt với chương trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, Nhật Bản đã tiến tới thắt chặt thêm mối quan hệ với Mỹ và các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chia sẻ với CNN hồi tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Taro Kono nhận định, Trung Quốc sẽ phải “trả giá đắt” vì hành động tăng cường bắt nạt ở Biển Đông.

“Một trật tự hàng hải mở cửa và tự do ở Biển Đông là quan trọng như ở các khu vực khác và những gì đang diễn ra ở vùng biển này sẽ khiến cộng đồng quốc tế phải quan ngại”, ông Kono cho biết.

Còn hồi tháng Bảy, chính phủ Mỹ đã phê chuẩn bán hơn 100 tiêm kích F-35 cho Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại