Nhờ có vùng Vịnh, Israel không còn cần tới quan hệ "đổi dầu lấy vũ khí" với Baku và chịu sự tác động từ chủ nghĩa phiêu lưu quân sự cực đoan của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhà phân tích Alex Galitsky trên tờ HyeTert, xét tới các nhân tố đạo đức và chiến lược thì giờ đây, Israel nên xoay trục về phía Armenia.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Israel đã suy giảm đáng kể trong thập kỷ qua. Bất chấp nỗ lực hòa giải ngắn ngủi, không thể che giấu sự thật rằng Thổ Nhĩ Kỳ xem Israel là một trở ngại lớn cho chủ nghĩa phiêu lưu của họ.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Israel và phương Tây đang xấu đi, cũng như Tel Aviv đang có xu hướng bình thường hóa quan hệ với thế giới Hồi giáo, một số câu hỏi được đặt ra là: Điều đó sẽ khiến mối quan hệ giữa Israel với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan [đồng minh của Ankara] đi đến đâu? Và Israel giữ vai trò gì trong cuộc xung đột gia tăng giữa Azerbaijan-Armenia?
"Con ngựa thành Troia" của Thổ
Những năm gần đây, Israel đã trở thành một trong những đối tác quân sự thân thiết của Azerbaijan. Trong cuộc đụng độ với Armenia, các máy bay không người lái (UAV) do Israel sản xuất đã trở thành công cụ đắc lực cho Baku.
Một số nguồn tin còn cho biết thêm rằng, trong quá trình xung đột, một "đoàn tàu hàng không", gồm các máy bay vận tải của Azerbaijan, đã chở nhiều thiết bị quân sự từ Israel tới Azerbaijan.
Hành động của Israel đã làm dấy lên câu hỏi: Israel có được lợi ích gì khi đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan?
Đối với Armenia, việc Baku tiếp tục triển khai các UAV do Israel sản xuất là điều không thể chấp nhận được. Yerevan đã quyết định triệu tập đại sứ Israel tại Armenia, chỉ vài tuần sau khi Tel Aviv mở đại sứ quán tại đây.
Theo ông Galitsky, có thể hiểu được nếu Israel không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải dựa vào Azerbaijan để đổi vũ khí lấy dầu. Tuy nhiên, trên thực tế, Tel Aviv đã bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain, với nhiều thỏa thuận đang được tiến hành. Do đó, giá trị của Azerbaijan đối với Israel đã giảm sút hoàn toàn.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang ngày càng đưa ra các luận điệu thù địch chống lại Israel nhằm thống nhất thế giới Hồi giáo, thì "bình thường hóa quan hệ" là một thách thức đối với vị thế của nước này trong khu vực, và phủ nhận giá trị "con ngựa thành Troia" của họ - chính là Azerbaijan.
Điều này có thể giải thích cho sự phẫn nộ của Ankara đối với UAE và Bahrain khi họ quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel.
Trong thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách đặt mình vào trung tâm của các vấn đề địa chính trị gây tranh cãi nhất trên thế giới. Mặc dù điều này khiến Tổng thống Erdogan hứng chịu nhiều chỉ trích nhưng có một liên minh vẫn được duy trì bên vững, đó là liên minh với Azerbaijan.
Mối quan hệ giữa Ankara và Baku bắt đầu từ sau khi Azerbaijan được thành lập vào năm 1918. Đế chế Ottoman, trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng đang suy yếu trong khu vực, đã tìm cách thiết lập một lực lượng ủy nhiệm ở Nam Caucasus.
Qua chiều dài lịch sử, cho tới nay, mức độ phát triển của mối quan hệ này đã được thể hiện rõ ràng trong cuộc xung đột với Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã đưa hàng trăm lính đánh thuê Syria tới Azerbaijan.
Ông Galitsky cho rằng, mối quan hệ giữa Israel-Azerbaijan thực chất luôn mang tính chất giao dịch. Ảnh: Israel Defense
"Con tin của chủ nghĩa thực dụng"
Bất chấp mối quan hệ không thể tách rời với Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan đã tìm cách tăng cường quan hệ với Israel.
Theo ông Galitsky, mối quan hệ giữa Israel-Azerbaijan thực chất luôn mang tính chất giao dịch, không chỉ ở thỏa thuận "đổi dầu lấy vũ khí". Azerbaijan coi mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Israel là công cụ để có được sự ưu ái của Washington.
Tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi hơn với Israel cũng không ngăn được Azerbaijan xích lại gần với "kẻ thù không đội trời chung" của Tel Aviv: Iran.
Trong những năm gần đây, Iran và Azerbaijan đã làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai phía. Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng mô tả mối quan hệ với Azerbaijan là ưu tiên hàng đầu của Tehran. Một số quan chức Iran gần đây đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Azerbaijan trong bối cảnh xung đột hiện nay.
Bất chấp nỗ lực tăng cường quan hệ với Israel, Baku được cho là đã liên tục từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tel Aviv và mở đại sứ quán tại nước bạn, do áp lực từ phía Iran, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Galitsky cho rằng, giống như bất cứ mối quan hệ giao dịch nào, liên minh giữa Israel và Azerbaijan không gắn liền với các giá trị chung đích thực và nó chẳng khác nào "con tin của chủ nghĩa thực dụng". Israel hiện nhận được những lời đề nghị tốt hơn và có được những đối tác tốt hơn Azerbaijan ở vùng Vịnh.
Cả Mỹ và Israel không có được lợi ích nào khi ủng hộ Azerbaijan hậu thuẫn các động thái gây bất ổn khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Tel Aviv bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain hứa hẹn sẽ mang lại cho họ những lợi ích tương tự như mối quan hệ với Azerbaijan, trong khi lại không có gánh nặng nào cả.