Vì sao Nga không cần siêu tàu sân bay mới?

Anh Tuấn |

Theo hãng tin Sputnik, một chuyên gia đã nhận định rằng việc Nga “phớt lờ” các dự án đóng tàu sân bay mới và tập trung vào các loại vũ khí khác thực ra là một “cái may trong cái rủi”.

Mới đây, Nga đã đề ra một khung chiến lược mới cho Hải quân Nga, trong đó nêu ra những ưu tiên chính trong việc phát triển hải quân. Cụ thể, văn bản này nói rằng “nền tảng của lực lượng tàu ngầm, tàu chiến và tuần duyên là các loại tên lửa đạn đạo tầm xa”.

Trong chiến lược mới này, một trong những mục tiêu dài hạn của Hải quân Nga đó là “nâng cao tiềm năng chiến đấu của lực lượng bằng cách chế tạo và nâng cấp các loại tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thường, các tàu chiến đa chức năng có thể hoạt động ở các vùng biển gần và xa bờ cũng như nhiều đại dương trên thế giới, máy bay chiến đấu, cùng các loại vũ khí dành riêng cho lực lượng tuần duyên”.

Đến năm 2030, Nga “phải có một đội tàu chiến mạnh mẽ và cân bằng, bao gồm các tàu có chức năng thực hiện nhiệm vụ quân sự ở những vùng biển ở gần và xa. Cùng với đó lực lượng máy bay và lực lượng tuần duyên phải được trang bị các loại vũ khí chính xác cao”.

Nói về các hoạt động phát triển tàu sân bay mới của Nga, chiến lược này chỉ nói rằng kế hoạch để chế tạo các loại tàu này là có thật, song không nói rõ thêm chi tiết.

Việc chế tạo mẫu hạm mới cho Hải quân Nga đã được bàn thảo nhiều lần kể từ giữa thập niên 2000. Năm 2015, dự án chế tạo tàu sân bay mang tên 23000E Shtorm đã được trình bày lên chính phủ Nga và được coi là loại tàu sẽ thay thế tàu Đô đốc Kuznetsov, mẫu hạm duy nhất của Nga hiện nay.

Nhiều chuyên gia quân sự đã có những ý kiến trái chiều về việc chế tạo tàu sân bay. Một số người tin rằng Nga cần phải có loại tàu này để khẳng định sức mạnh quân sự trên biển, số khác tin rằng đây vẫn là điều còn phải bàn cãi.

Chuyên gia người Nga Vladimir Tuchkov viết rằng: “Xét trên quan điểm chiến thuật hải quân hiện đại, khả năng của tàu sân bay đang bị đặt dấu hỏi ngay cả ở Mỹ, nơi có những loại mẫu hạm hiện đại nhất trên thế giới”. Dưới đây là ba lý do mà ông đưa ra, lý giải vì sao Nga có thể không cần tàu sân bay.

Vì sao Nga không cần siêu tàu sân bay mới? - Ảnh 1.

Mô hình tàu sân bay lớp Shtorm của Nga.


Lý do thứ nhất: Tàu sân bay có thể dễ dàng bị đánh chìm

“Một đội tàu sân bay, trong đó bao gồm mẫu hạm và các tàu hộ tống, đều hoạt động rất chậm. Cả thế giới đều có thể nhìn thấy nó được triển khai tới khu vực nào và nó thực hiện những nhiệm vụ gì”, ông Tuchkov nói.

“Ngay cả những chuyên gia quân sự hàng đầu của Mỹ đều thừa nhận rằng các quốc gia có nền công nghệ quân sự phát triển như Nga và Trung Quốc có thể gây tổn hại lớn đối với đội tàu sân bay bằng các loại tên lửa chống hạm hiện đại trước khi máy bay của mẫu hạm có thời gian để cất cánh”.

Ông Tuchkov nhấn mạnh, điều này cũng đúng với bất kỳ tàu sân bay nào của Nga khi Mỹ đang có trong tay những loại tên lửa đủ lợi hại để tiêu diệt tàu sân bay Nga.

Lý do thứ hai: Tên lửa hành trình hiệu quả hơn so với các phi đội tiêm kích trên tàu sân bay

Cũng theo ông Tuchkov, tầm quan trọng của các loại tên lửa hành trình có độ chính xác cao phóng từ tàu chiến và tàu ngầm đang ngày càng lớn, bởi tầm bắn của chúng thường xa hơn tầm hoạt động của các phi đội máy bay từ một tàu sân bay.

Ông cũng đưa ra những lý do vì sao tên lửa hành trình là công cụ hữu hiệu để tấn công các mục tiêu trên mặt đất hơn các tàu sâu bay.

“Thứ nhất, tên lửa này có độ chính xác cao khi độ lệch mục tiêu của chúng hiện nay chỉ vào khoảng từ 5 đến 10m.

Thứ hai, tên lửa hành trình cũng loại bỏ những nguy cơ của việc triển khai máy bay vào khu vực phòng không của đối phương. Thứ ba, với tên lửa hành trình, các cuộc tấn công có thể thực hiện với mức độ bí mật cao nhất, đặc biệt là khi chúng được phóng đi từ tàu ngầm”, ông Tuchkov nói.

Lý do thứ ba: Việc phát triển tàu sân bay rất đắt đỏ và phức tạp

Vì sao Nga không cần siêu tàu sân bay mới? - Ảnh 2.

Mỹ là quốc gia có lực lượng tàu sân bay hùng hậu nhất thế giới.


Ông Tuchkov nói rằng, việc phát triển một tàu sân bay có trọng lượng 100.000 tấn (tương tự tàu Shtorm) “sẽ tiêu tốn ít nhất là vào khoảng 1 nghìn tỉ ruble, trong đó bao gồm chi phí nghiên cứu và phát triển”. Con số này tương đương với khoảng 16,8 tỉ USD.

“Không chỉ có vậy, để hộ tống tàu sân bay, Hải quân Nga sẽ phải thành lập một đội tàu hộ tống. Mỹ thường có 15 tàu chiến hộ tống và tàu hậu cần đi kèm tàu sân bay, qua đó mẫu hạm được bảo vệ trước máy bay và tàu ngầm địch, đồng thời có thể thực hiện các hoạt động do thám.

Nga sẽ phải mất thêm 100 tỉ ruble (tương đương 1,6 tỉ USD) nữa mới có thể có được đội tàu này”, chuyên gia người Nga nhận định.

Đó là còn chưa kể chi phí cho các phi đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay. Ông Tuchkov phân tích, nếu Bộ Quốc phóng Nga ngừng sản xuất máy bay tiếm kích trên biển MiG-29K và Su-33 sẽ lỗi thời vào năm 2030, họ vẫn còn lựa chọn chế tạo một phiên bản hoạt động trên tàu sân bay của máy bay T-50. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng.

Ông Tuchkov cho biết, việc cải tạo máy bay chiến đấu để có thể hoạt động trên biển “không chỉ bao gồm lắp móc neo, cánh gập và gia cố bằng các chất liệu chống ăn mòn, mà còn thay đổi cả hệ thống buồng lái phù hợp.

Thêm vào đó, loại vũ khí được trang bị cũng cần phải được xem lại, đồng thời nâng cấp hệ thống cảm biến trên máy bay”.Theo chuyên gia người Nga, toàn bộ quá trình này sẽ tiêu tốn thêm 500 tỉ ruble (8,4 tỉ USD), đó là chưa kể chi phí của mỗi chiếc T-50 là khoảng 6 tỉ ruble.

Ngoài ra, chi phí để xây dựng cầu cảng và cơ sở hạ tầng đặc biệt để phục vụ cho việc đóng tàu sân bay mới cũng cần phải được xem xét. Ông Tuchkov nói, tổng chi phí chế tạo mẫu hạm mới đã đạt mức 2 nghìn tỉ ruble (tức 33,6 tỉ USD). Để tiện so sánh, tổng ngân sách của quân đội Nga trong năm 2016 vừa qua là 69,2 tỉ USD.

Vì sao Nga không cần siêu tàu sân bay mới? - Ảnh 3.

Chi phí chế tạo tàu sân bay được cho là đủ để phát triển hàng chục tàu ngầm hạt nhân mới.


“Với khoản tiền này, Nga có thể chế tạo khoảng 80 tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới. Lợi ích mà chúng mang lại còn lớn hơn một tàu sân bay”, ông Tuchkov nói.

Chuyên gia này cũng nói thêm rằng Nga còn có lựa chọn khác tốt hơn, đó là các tàu khu trục mang trực thăng chiến đấu lớp Pribov. Với trực thăng Ka-52 hiện đại, chúng được coi là tiêu tốn ít chi phí hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả trong chiến đấu của Hải quân Nga.

Sau cùng, ông Tuchkov hi vọng rằng sức hút đối với dự án tàu sân bay Shtorm sẽ giảm bớt trong tương lai vì chi phí khổng lồ của nó sẽ “gây hại về tài chính” cho Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại