Lực lượng hải quân khác thường nhất ở châu Á

QS |

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, Hải quân Nhân dân Triều Tiên (KPN) được xem là một trong những lực lượng hải quân khác thường nhất tại châu Á.

Phải nhường ngân sách cho chương trình hạt nhân và tên lửa, các lực lượng thường quy của Bình Nhưỡng chỉ giành được chiếc ghế phía sau trên con đường đi tới giấc mơ tạo ra một loại ICBM mang đầu đạn hạt nhân, có thể vươn tới bất cứ đâu trên lãnh thổ Mỹ.

Hệ quả là, KPN trở thành một hạm đội lỗi thời, xiêu vẹo nhưng... một ngày nào đó có thể sớm sở hữu vũ khí hạt nhân.

Quy mô, cơ cấu tổ chức

Quân số của KPN khoảng 6.000 người, trong đó lính nghĩa vụ phục vụ với thời hạn từ 5-10 năm. Xét về quân thường trực thì KPN có quy mô nhỏ nhất trong 3 quân chủng, chỉ bằng 1/20 quy mô của Lục quân và 1/2 quy mô Không quân.

Về cơ cấu tổ chức, KPN có Bộ Tư lệnh Hải quân, 2 sở chỉ huy hạm đội, 16 phi đoàn, 2 lữ đoàn bắn tỉa hải quân và các đơn vị phòng thủ bờ biển được phân bổ ở cả 2 bên bờ biển. Ngoài ra, KPN còn có các trung tâm huấn luyện hải quân, cầu cảng, trung tâm hậu cần và cơ quan quản lý đóng tàu cho hạm đội.

Trang bị

KPN hiện vận hành từ 810-990 tàu hải quân mua từ Liên Xô, Trung Quốc hoặc đóng trong nước. Năm 2001, chuyên gia phân tích Joseph Bermudez ước tính có 360 tàu phân bổ cho Hạm đội phía Tây (hoạt động ở Hoàng Hải), 480 tàu cho Hạm đội phía Đông (phụ trách Biển Nhật Bản).

Tình trạng thiếu hụt ngân sách khiến nhiều tàu trong số này vẫn còn tiếp tục hoạt động cho đến tận ngày nay.

Do tính chất hoạt động của các sư đoàn Triều Tiên/Hàn Quốc, cũng như tầm hoạt động tương đối ngắn của các tàu hải quân trực thuộc KPN nên các tàu KPN hiếm khi di chuyển giữa hai bờ biển.

Chiếm số lượng đông đảo trong hạm đội của KPN là tàu pháo, với 80% có lượng giãn nước dưới 200 tấn. Những con tàu này trang bị súng máy hạng nặng và pháo hạng nhẹ.

Vũ khí lớn nhất trên tàu là pháo 85mm tháo từ các xe tăng T-34/85 đã lỗi thời. Một số tàu trang bị hệ thống rocket đa nhiệm 122mm nhưng chúng tỏ ra thiếu chính xác khi đối phó với các tàu của đối phương và có vẻ được dùng để hỗ trợ các hoạt động đổ bộ.

Một số tàu khác trang bị ngư lôi. Hệ thống điều khiển hỏa lực bị hạn chế khi chỉ có các thiết bị quang học "nguyên thủy", radar thô sơ, phụ thuộc vào radar dẫn đường. Kích cỡ của các tàu này lại quá nhỏ để có thể tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với Hải quân Mỹ.

Như chuyên gia Bermudez viết, "phần lớn những con tàu này chỉ có thể hoạt động ở những vùng biển ôn hòa và trong phạm vi 50 hải lý từ bờ biển".

Thế nhưng, hạm đội tàu pháo lại là bộ phận hoạt động tích cực nhất trong KPN. Triều Tiên và Hàn Quốc đã xảy ra một số trận giao tranh dữ dội trên biển, trong đó có trận Yeonpyeong lần thứ nhất năm 1999, trận Yeonpyeong lần thứ hai năm 2002 và trận Daecheong năm 2009.

Mặc dù các tàu pháo Triều Tiên đã nhiều lần gây thiệt hại cho hải quân Hàn Quốc nhưng KPN lại là phía chịu nhiều thương vong hơn về tàu và nhân lực do các tàu của họ cũ hơn, hỏa lực yếu hơn.

Việc Triều Tiên không còn động thái khiêu khích nào trên biển phần nhiều là do các tàu hải quân Hàn Quốc giờ đã chiếm ưu thế tuyệt đối.

Lực lượng hải quân khác thường nhất ở châu Á - Ảnh 1.

Ông Kim Jong-un tới thị sát một tàu ngầm của Triều Tiên.

Một bộ phân đông đảo khác của KPN là tàu ngầm. Trong bản báo cáo năm 2015 về năng lực quân sự của Triều Tiên, Lầu Năm Góc cho biết KPN có 70 tàu ngầm đang hoạt động.

Bản báo cáo đa quốc gia năm 2010 ghi nhận sự kiện tàu hộ tống ROKS Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm. "Thủ phạm" được cho là một tàu ngầm mini của Triều Tiên.

Theo bản báo cáo này, KPN vận hành 20 tàu ngầm lớp Romeo, 40 tàu ngầm lớp Sang-O ("Shark") và 10 tàu ngầm mini lớp Yono.

Một vài tàu ngầm Sang-O được thiết kế để hỗ trợ người nhái trong các hoạt động bí mật, số còn lại được thiết kế để bảo vệ bờ biển Triều Tiên và quấy rối các tàu thuyền ra vào các cảng biển Hàn Quốc trong thời chiến.

Tuy nhiên, tàu ngầm quan trọng nhất của Triều Tiên là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Gorae ("Whale"). Hình ảnh vệ tinh lần đầu tiên ghi nhận sự tồn tại của mẫu tàu ngầm này vào năm 2014. Theo đó, tàu ngầm lớp Gorae có vẻ được phát triển dựa trên tàu ngầm lớp Yono.

Lực lượng hải quân khác thường nhất ở châu Á - Ảnh 2.

Một hình ảnh vệ tinh khác chụp tàu ngầm lớp Gorae năm 2016.

Website các vấn đề hải quân Covert Shores ước tính tàu Gorae có lượng giãn nước đầy tải 1.650 tấn, dài 65m, thủy thủ đoàn từ 70-80 người. Trên tàu Gorae có 1 ống phóng tên lửa đạn đạo, dùng để triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1 (KN-11).

KN-11 ước tính có tầm bắn từ 970 - 1.500km và gần như chắc chắn sẽ mang theo đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ.

Bên cạnh đó, Triều Tiên vẫn duy trì một lực lượng đổ bộ quy mô nhỏ để triển khai 2 lữ đoàn bắn tỉa của KPN- lữ đoàn 29 và 291.

KPN có khoảng 100 tàu đổ bộ lớp Nampo, được thiết kế dựa trên tàu phóng lôi P-6 của Liên Xô, có thể di chuyển với tốc độ 40 hải lý. Bên cạnh đó, họ còn có 130 tàu đổ bộ đệm khí lớp Kongbang.

Mặc dù lực lượng của KPN có số lượng đông đảo nhưng vẫn chưa đủ khả năng hoạt động bên ngoài bán đảo Triều Tiên.

Trong những năm gần đây, KPN đã tiếp nhận một số tàu chiến mới. Năm 2014 ghi nhận sự xuất hiện của 2 khinh hạm trực thăng - tàu chiến lớn nhất từng được chế tạo cho Hải quân Triều Tiên trong 1/4 thế kỷ qua.

Chuyên gia Joseph Bermudez trên website 38North cho rằng con tàu này chỉ được trang bị lượng vũ khí khiêm tốn và có thêm rocket chống ngầm, nhưng website Covert Shores cho rằng vũ khí trên tàu có khả năng sẽ bao gồm: 1 pháo 76mm và tới 8 tên lửa chống tàu Kumsong-3 - bản sao của Kh-35.

Lực lượng hải quân khác thường nhất ở châu Á - Ảnh 3.

Hình ảnh được cho là tên lửa Kumsong-3 của Triều Tiên

Với tốc độ cận âm và khả năng bay sát mặt biển như tên lửa Exocet (Pháp) và Harpoon (Mỹ), tên lửa hành trình chống tàu của Triều Tiên cực kỳ nguy hiểm, không chỉ với các tàu Hàn Quốc, mà còn với hạm đội tàu mặt nước của Mỹ.

Ngoài các khinh hạm hạng nhẹ, Triều Tiên có vẻ đã chế tạo một số (không xác định) tàu 2 thân tốc độ cao, có lượng giãn nước 200 tấn. Chúng được Bộ Quốc phòng Mỹ định danh là lớp Nongo, có 2 phiên bản tàng hình và không tàng hình.

Cả 2 phiên bản đều mang theo tên lửa chống tàu Kumsong-3, 1 pháo hạm 76mm (có vẻ được nhập khẩu từ Iran) và các tên lửa phòng không vác vai.

Bên cạnh đó, Triều Tiên đã chế tạo một mẫu tàu cao tốc mới có tên "Very Slender Vessel" (VSV), có khả năng xuyên sóng tốc độ cao. Chúng có thể được triển khai như phương tiện xâm nhập chống lại Hàn Quốc hoặc tác chiến mặt nước.

Cuối cùng phải kể đến số lượng đáng kể các hệ thống phòng thủ được Triều Tiên bố trí xung quanh cả 2 bên bờ biển. Phần lớn là pháo 76mm thế hệ cũ nhưng trong năm 2017 đã xuất hiện thêm một số hệ thống phòng thủ mới sơn màu ngụy trang xanh hải quân, ống phóng của chúng có thể triển khai tên lửa Kumsong-3.

Đây không chỉ là dấu hiệu cho thấy các đơn vị phòng thủ bờ biển của Triều Tiên được tăng cường tầm bắn và hỏa lực mà còn cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất tên lửa với số lượng lớn và họ đã thông qua bên thứ 3 mua được một số tên lửa có nguồn gốc từ Nga.

Hiện Bình Nhưỡng đang tìm cách nâng cấp lực lượng hải quân, có khả năng sẽ trở thành lực lượng chống tiếp cận với quy mô vừa phải tại các vùng biển xung quanh Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại