Khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc không kích trả đũa khiến hàng chục binh sĩ Syria thiệt mạng trong tuần này, Nga chỉ lên tiếng phản đối mà không có hành động đi kèm. Điều này đã phản ánh sự cẩn trọng của Moscow dù đang ở thế cửa trên so với Ankara.
Vụ việc binh sĩ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ xung đột với nhau được coi là căng thẳng tồi tệ nhất giữa Moscow và Ankara kể từ sau vụ việc máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vào năm 2015.
Đây là thách thức nghiêm trọng cho mối quan hệ sâu sắc giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khi cả hai mở rộng quyền ảnh hưởng ở Trung Đông và phía đông Địa Trung Hải.
Phản ứng im ắng bất thường của Điện Kremlin cũng cho thấy sự cân bằng có thể được giữ vững như thế nào trong mối quan hệ nhạy cảm giữa hai tổng thống, tờ Bloomberg nhận định.
"Rất khó để Tổng thống Putin dung hòa với người đồng cấp Erdogan nhưng ông không có sự lựa chọn nào khác", Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn của Điện Kremlin cho biết. "Nga không thể hoạt động ở Trung Đông nếu xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ".
Sau nhiều thế kỷ cạnh tranh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ coi mối quan hệ đối tác đang tăng lên của cả hai là công cụ chính để đạt được các mục tiêu chiến lược trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực suy giảm.
Tuy nhiên, dù được coi là người có vị thế lớn hơn, Tổng thống Putin vẫn được đánh giá là có ít công cụ để kiềm chế người đồng cấp Erdogan - người có thể tận dụng mối quan hệ vẫn còn dính líu với Mỹ để làm đòn bẩy với Nga.
Tình thế nguy hiểm
Tổng thống Putin không còn cách nào khác ngoài hợp tác với người đồng cấp Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ đã mất niềm tin vào Mỹ nhưng không hoàn toàn tin tưởng vào Nga, mặc dù mối quan hệ với Moscow cho phép Ankara khẳng định chính sách đối ngoại của mình một cách độc lập hơn, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nhận định.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa mình vào một tình huống khó khăn cùng với Nga. Nhưng nếu lợi ích của cả hai quốc gia va chạm thì không ai trong số họ có thể nổi lên như một người chiến thắng", Mesut Hakki Casin, giáo sư luật tại Đại học Yeditepe và là thành viên ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh của chính quyền Erdogan nêu quan điểm.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn chuyển sự chú ý từ Idlib sang phía đông bắc Syria, nơi nước này duy trì một vùng đệm để giữ lực lượng người Kurd tránh xa khỏi biên giới đất nước, Andrey Baklanov, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga ở Trung Đông nhấn mạnh. "Sự kiên nhẫn của Nga và của người Syria sẽ là yếu tố quyết định".
Căng thẳng tương tự đang diễn ra ở Libya. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 4/2 đã phàn nàn về việc hàng trăm chiến binh từ Idlib đã tham gia cuộc xung đột sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ cử phiến quân Syria đến hỗ trợ cho chính quyền của Thủ tướng Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) Fayez al -Sarraj.
Những người lính Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang huấn luyện cho lực lượng trung thành của Thủ tướng Sarraj.
Trong khi đó, đối thủ của các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn là hàng trăm lính đánh thuê từ công ty Wagner của Nga. Theo truyền thông và các quan chức phương Tây, lực lượng lính đánh thuê này đã được thuê để hỗ trợ chỉ huy Khalifa Haftar của Quân đội Quốc gia Libya vốn đang bế tắc trong cuộc tiến công vào Tripoli.
Trong cuộc điện đàm hôm 4/2, hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan kêu gọi các bên tham chiến ở Libya tuân thủ lệnh ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán hồi tháng trước, đồng thời cũng đồng ý tăng cường phối hợp các hoạt động của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Theo Bloomberg, trong lúc các cuộc đàm phán về căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bao trùm sự hoài nghi, thì khả năng các cuộc xung đột ở Idlib và Libya hướng đến một viễn cảnh tích cực vẫn còn là điều xa vời.