Kỳ tích của Không quân Israel trước đối thủ PK Syria: "Thắng không kiêu, bại không nản"?

Trịnh Ngọc Tiến |

Liên tục hứng chịu những tổn thất nặng nề trước máy bay chiến đấu Israel, nhưng lực lượng phòng không Syria tỏ ra hạn chế trong việc rút kinh nghiệm.

Từ thất bại trong cuộc chiến Yom Kippur

Kể từ sau Thế chiến 2, Trung Đông trở thành điểm nóng của thế giới với những cuộc xung đột giữa Israel và các quốc gia Arab. Khu vực này cũng là nơi nhập khẩu vũ khí Liên Xô (và sau đó là Nga) và Mỹ nhiều nhất trên thế giới.

Hệ thống phòng không 2K12 Kub (định danh NATO: SA-6 Gainful) là hệ thống phòng không di động đầu tiên được Liên Xô nghiên cứu và phát triển nhằm đối phó với các mục tiêu bay ở độ cao thấp và trung bình.

Ngoài tính năng cơ động, đạn tên lửa của tổ hợp Kub có khả năng kháng nhiễu cao do sử dụng phương pháp dẫn đường bán chủ động, hiệu chỉnh quỹ đạo pha giữa và tự dẫn chủ động ở pha cuối.

Ngoài trang bị trong Hồng quân Liên Xô, tổ hợp Kub còn được “ưu tiên” xuất khẩu cho các quốc gia Trung Đông để đối phó với lực lượng không quân hùng mạnh của Israel.

Kỳ tích của Không quân Israel trước đối thủ PK Syria: Thắng không kiêu, bại không nản? - Ảnh 1.

Phòng không Syria khai hỏa một tổ hợp Kub.

Tổ hợp Kub với biệt danh “Ba ngón tay thần chết” (một tổ hợp phóng có 3 đạn tên lửa) đã làm nên danh tiếng với những chiến công "chôn vùi" lực lượng không quân Israel trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973.

Do Israel nắm bắt được các điểm yếu của các tổ hợp phòng không SAM-2 Dvina hay S-125 Pechora là rất khó đối phó được với các mục tiêu bay thấp nên trong cuộc chiến Yom Kippur, các phi công Israel đã tiếp tục sử dụng chiến thuật này.

Với việc bay thấp bám địa hình và đột ngột công kích, máy bay chiến đấu Israel tưởng như sẽ giành hoàn toàn ưu thế trên không. Tuy nhiên, họ không biết một mối nguy hiểm mới đang rình rập và máy bay Israel đã trở thành "mồi ngon" cho các tổ hợp Kub mới được trang bị.

Do là mới đưa vào trang bị, nên hệ thống máy thu phát tín hiệu và cảnh báo tên lửa trang bị trên máy bay chiến đấu A-4 Skyhawk và F-4 Phantom đều không có khả năng nhận diện và cảnh báo sớm cho phi công Israel khi bị theo dõi bởi radar của hệ thống Kub.

Sau chiến tranh Yom Kippur, Israel thừa nhận đã mất hơn 100 máy bay, trong đó có 40 chiếc bị bắn hạ bởi hệ thống Kub. Có thể nói ở thời điểm đó, không quân Israel đã hoàn toàn bất lực trước hệ thống phòng không Kub.

Cuộc chiến Yom Kippur năm 1973

Đến cuộc chiến 14 phút

Ấn tượng bởi thành tích nói trên trong chiến tranh Yom Kippur, Syria đã chi tổng cộng 2 tỷ USD để mua 228 hệ thống tên lửa phòng không 2K12 Kub (SAM-6), đủ trang bị cho 19 tiểu đoàn phòng không.

Về phía Không quân Israel, sau thất bại trong cuộc chiến Yom Kippur họ đã gấp rút phát triển các biện pháp đối phó và cảnh báo, nhằm trực tiếp vào khả năng chiến đấu của hệ thống Kub.

Trong khi đó, Syria lại không có những điều chỉnh tương ứng nên hiệu quả tác chiến của hệ thống phòng không Kub trong quân đội nước này đã bị hạn chế.

Khi Chiến tranh Trung Đông lần thứ 5 nổ ra vào năm 1982, Israel đã coi 19 tiểu đoàn tên lửa Kub của Syria là mục tiêu chính.

Trong cuộc quyết chiến tại thung lũng Bekaa (thuộc lãnh thổ Lebanon), một số lượng lớn máy bay chiến đấu của Israel đã phá hủy các hệ thống "ba ngón tay thần chết" trị giá 2 tỷ USD của Syria chỉ trong vòng 6 phút.

Ở giai đoạn mở màn chiến dịch, Israel sử dụng một lượng lớn máy bay không người lái (UAV) Delilah phóng từ mặt đất vào thung lũng Bekaa. Lập tức, các tổ hợp Kub Syria khai hỏa vào các mục tiêu mà họ cho là máy bay chiến đấu Israel.

Kỳ tích của Không quân Israel trước đối thủ PK Syria: Thắng không kiêu, bại không nản? - Ảnh 3.

Tùy theo mục đích sử dụng trong quân sự, UAV Delilah có thể trở thành mục tiêu giả để "nhử" phòng không đối phương hoặc tên lửa hành trình tấn công mục tiêu cụ thể.

Khi phía Syria bộc lộ trận địa tên lửa, F-4 Wild Weasel của Không quân Israel lập tức sử dụng các loại tên lửa bức xạ chống radar Keres (biến thể cải tiến của Israel từ tên lửa chống radar AGM-78 Standard của Mỹ).

Kết quả chỉ trong 10 phút đầu tiên của chiến dịch, 10 trong số 19 trận địa phòng không Syria đã bị vô hiệu hóa do bị trúng đạn hoặc hết đạn, khi các hệ thống này lãng phí tên lửa vào các "mồi nhử" là UAV Delilah.

4 phút sau đó, một đợt tấn công ồ ạt các mục tiêu mặt đất đã được tiến hành ở thung lũng Bekaa với sự tham gia của 26 máy bay tiêm kích F-4E Phantom và cùng với số lượng tương đương cường kích IAI Kfir C2 do Israel chế tạo.

Máy bay chiến đấu của Israel đã tập kích chính xác và phá hủy hoàn toàn 19 hệ thống tên lửa phòng không Kub của Syria. Uy danh của Kub bị chôn vùi và danh tiếng của Không quân Israel được khôi phục.

Sau đó các chuyên gia quân sự Mỹ đã tới Israel để khai thác kinh nghiệm chiến đấu. Những bài học kinh nghiệm tiếp thu từ Không quân Israel đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên chiến thuật của Liên quân trong Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” năm 1991.

Kỳ tích của Không quân Israel trước đối thủ PK Syria: Thắng không kiêu, bại không nản? - Ảnh 5.

Đồ họa miêu tả chiến thuật của Không quân Israel trong trận quyết chiến tại thung lũng Bekaa năm 1982.

Phòng không Syria, những đứa trẻ không chịu lớn?

Liên tục hứng chịu những tổn thất nặng nề trước Israel, nhưng lực lượng phòng không Syria tỏ ra hạn chế trong việc rút kinh nghiệm. Cho tới thời điểm hiện tại họ vẫn lãng phí tên lửa trước những mục tiêu giả của Israel.

Trong một cuộc không kích gần đây của Israel vào các mục tiêu ở Syria, phòng không nước này tuyên bố đã đánh chặn được hơn 40 tên lửa hành trình của Israel.

Tuy nhiên sau khi điều tra, các chuyên gia Nga cho rằng Syria không hạ được bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Israel và hoàn toàn bị "đánh lừa" gây tổn thất nặng nề.

Để đánh chặn các cuộc tập kích đường không của Israel, Syria đã sử dụng một lượng lớn tên lửa tầm xa và tên lửa của hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S1 mà họ tuyên bố đã đánh chặn “hiệu quả” đối với các tên lửa hành trình của Israel.

Những mục tiêu giả của Israel thực chất là loại UAV điều khiển từ xa tương đương công nghệ của thập niên 1950. Tất cả chúng đều sử dụng linh kiện cũng như hệ thống dẫn đường GPS dân sự có giá thành rất rẻ và di chuyển với tốc độ tương đương 0,7 lần tốc độ âm thanh.

Các chuyên gia Nga phát hiện ra Syria đã dùng một số lượng lớn tên lửa phòng không “xịn” (được Nga hỗ trợ và giá thành gấp hàng chục lần UAV) để đánh chặn.

Chính vì những mục tiêu giả có thể dễ dàng bị đánh chặn và thu hút hỏa lực của phòng không Syria nên máy bay chiến đấu Israel hoàn toàn dễ dàng có thể phá hủy các hệ thống phòng không của Syria tương tự những gì đã diễn ra năm 1982 tại thung lũng Bekaa.

Mặc dù phòng không của Syria đã và đang sở hữu nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, nhưng họ đã không phát huy được hiệu quả tác chiến của các loại vũ khí đó. Chính vì vậy, máy bay chiến đấu Israel mới có thể tự do ra vào không phận và tùy ý tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Syria.

Hệ thống phòng không Pantsir-S2 đang khai hỏa tên lửa và bị hạ bằng nhiều đợt tấn công liên tục của UAV tự sát và các loại vũ khí khác của Israel hôm 21/1/2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại