Binh sĩ Thổ thiệt mạng vì pháo kích Syria: "Chảo lửa" Idlib "tăng nhiệt", quan hệ Nga-Thổ chưa kịp "sáng bừng" đã u ám trở lại?

Mạnh Kiên |

Vụ việc binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong trận phái kích của quân đội Syria có thể là bước ngoặt làm rạn nứt quan hệ Nga-Thổ, đồng thời khiến "chảo lửa" Idlib nguy cơ bước vào cuộc chiến khốc liệt.

Bước ngoặt

Kể từ tháng 4 năm ngoái, lực lượng Chính phủ Syria đã tiến hành một chiến dịch quân sự ngoài luồng để chiếm lại thành trì cuối cùng của phiến quân ở Idlib.

Hôm 4/2, chiến dịch đã rơi vào một bước ngoặt kịch tính và đầy rủi ro khi các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad trong một cuộc tấn công đã khiến 8 nhân viên quân sự và dân sự Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, theo Al Jazeera.

"Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công, chúng ta thường thấy kịch bản quân Chính phủ tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn và Nga can thiệp để làm chậm lại tình hình. Sau đó, quá trình này sẽ lặp lại", Ahmet Evin, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm chính sách Istanbul thuộc Đại học Sabanci nói.

"Nhưng lần này, việc lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng đã làm căng thẳng tăng lên đáng kể".

Sự leo thang đã đe dọa làm tổn hại mối quan hệ giữa Moscow và Ankara. Mặc dù ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột ở Syria và Libya, hai nước đã có mối quan hệ gần gũi hơn trong những năm gần đây khi tăng cường hợp tác về năng lượng, quốc phòng và thương mại.

Cái chết của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đến trước chuyến thăm Ukraine của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ muốn tận dụng chuyến đi để kêu gọi Nga tôn trọng thỏa thuận Astana 2017 nhằm mở đường cho một giải pháp chính trị ở Syria.

Alexey Khlebnikov, một chuyên gia về Trung Đông và là nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga ở Moscow cho rằng, Tổng thống Erdogan dường như đang đánh giá quá cao ảnh hưởng của Điện Kremlin đối với chính quyền Tổng thống Assad.

"Nga không thể khiến chính quyền Assad làm theo bất cứ điều gì họ muốn", ông nói. "Moscow đã gặp khó khăn đáng kể với Damascus trong quá khứ và tôi không thấy Moscow có toàn quyền kiểm soát những gì Damascus đang làm trên chiến trường".

Tuy nhiên, chuyên gia Khlebnikov cũng lưu ý rằng, phía Ankara cũng đã không tuân theo các yêu cầu của tiến trình Astana, như tách các chiến binh "ôn hòa" của nước này ra khỏi các lực lượng cực đoan hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố vào căn cứ không quân Nga.

Hàn gắn ngay lập tức

Binh sĩ Thổ thiệt mạng vì pháo kích Syria: Chảo lửa Idlib tăng nhiệt, quan hệ Nga-Thổ chưa kịp sáng bừng đã u ám trở lại? - Ảnh 2.

Mối quan hệ sâu sắc giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ có thể giải quyết được tình hình?

Bất chấp sự rạn nứt rõ ràng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, Ali Bakeer, một nhà phân tích và nghiên cứu chính trị ở Ankara, cho biết sự hợp tác giữa hai nước là đủ sâu để vượt qua sự rạn nứt như vậy.

"Có mối quan hệ sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, đồng thời họ có lợi ích chung ở nhiều cấp độ", ông nói. "Nổi bật trong mối quan hệ này là một dự án đường ống khí đốt Biển Đen vừa được công bố vào tháng trước và một thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không đã gây lo ngại cho các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ".

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Erdogan cũng có mối quan hệ cá nhân được cho là khá nồng ấm. Trong một dấu hiệu cho thấy hai nước đang tích cực giảm thiểu căng thẳng, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm hôm 4/2 để thảo luận tình hình.

Theo các báo cáo mới nhất, Điện Kremlin cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý thực hiện các biện pháp ngay lập tức để cải thiện sự phối hợp hành động tại Syria.

Trả đũa

Trong diễn biến mới nhất, sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở phía đông bắc Syria - nơi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch chống lại lực lượng người Kurd vào tháng 10 năm ngoái được cho là đã chấm dứt.

Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, một cuộc tuần tra chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở khu vực biên giới đã bị hủy bỏ ngay sau khi cuộc tấn công diễn ra.

"Hai sự kiện này đã diễn ra cùng một lúc", chuyên gia Khlebnikov nói. "Dường như đã có một số sự đánh đổi của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Idlib và phía đông bắc Syria - nơi quan trọng hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ".

Các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong cuộc tấn công ở Saraqib, một thị trấn nằm ở ngã ba đường cao tốc M4 và M5 chiến lược, nơi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm quân vào cuối tuần qua.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả lại hành động trên bằng các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Syria, khiến 13 người thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã "vô hiệu hóa" hơn 70 "thành viên quân Chính phủ". Chính phủ Syria hiện không đưa ra tuyên bố nào về thương vong.

Cùng với việc bảo vệ các nhóm phiến quân mà mình hậu thuẫn, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại hàng trăm ngàn dân thường di tản về phía biên giới nước này để thoát khỏi cuộc tấn công của quân đội Syria.

"Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng kết cục không thể tránh khỏi khi Idlib thất thủ là một làn sóng tị nạn mới, điều này sẽ gây ra vấn đề cho ông Erdogan ở trong nước", Kamal Alam, một nhà phân tích quân sự tại Anh nhấn mạnh với Al Jazeera.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại