Chiến sự Syria diễn biến khó lường
Chiến sự Syria đang ở vào giai đoạn quyết định khi quân chính phủ trung thành với Tổng thống Assad đang liên tục giáng những đòn sấm sét khiến phiến quân hoảng loạn rơi vào tình thế nguy hiểm có thể sụp đổ ở Idlib bất cứ lúc nào.
Trong lúc các mũi thọc sâu của Quân đội Syria (SAA) áp sát thành phố Idlib từ nhiều hướng, cắt các tuyến tiếp vận huyết mạch của phiến quân thánh chiến khiến chúng rơi vào vòng xoáy tử thần. Để ngăn đà sụp đổ của phiến quân, Thổ Nhĩ Kỳ khẩn cấp ra tay ứng cứu nhưng hàng nghìn binh sĩ nước này cũng bị bao vây, không có đường rút lui.
Tình hình nguy ngập đến mức Thổ Nhĩ Kỳ liều lĩnh tung không quân tham chiến, ném bom vào các vị trí của SAA. Nếu căng thẳng tăng cao, nhất là khi Quân đội Syria trả đũa, rất có thể sẽ đẩy tới mức nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện quy mô lớn giữa 2 quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Đây là điều mà không bên nào mong muốn, không phải chỉ 2 bên đối địch mà cả Nga lẫn cộng đồng quốc tế đều lo ngại. Tuy vậy, trước diễn biến khó lường, các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục vượt biên giới tấn công sâu vào Idlib, phòng không - không quân Syria sẽ chẳng thể ngồi yên mà phải ra tay bảo vệ quân nhà.
Bản đồ cập nhật chiến sự Syria tới hết hôm qua 05/02/2020, đã có ít nhất 3 chốt của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bao vây.
Quân đội Syria có gì để đánh máy bay Thổ Nhĩ Kỳ?
Hiện nay lực lượng tên lửa phòng không Syria khá hùng hậu bao gồm cả những tổ hợp tên lửa tấm xa S-300, tầm trung Buk-M2 và các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 rất hiện đại nhưng đáng tiếc là số lượng có hạn lại phải dàn trải bảo vệ nhiều khu vực mục tiêu trọng yếu nên khó có thể dành ưu tiên lớn cho Idlib.
Hệ thống tên lửa S-300 đầu tiên và duy nhất của phòng không Syria được cho là đã trực chiến ở Masyaf thuộc tỉnh Homs, tiếp giáp phía Nam Idlib có thể sẽ tham chiến bất cứ lúc nào để đánh chặn chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ trận địa này, với vòng tròn hỏa lực lên tới 250km, tên lửa S-300 Syria có thể bắn được các mục tiêu ngay trong vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, có thể thấy S-300 sẽ là xương sống bảo vệ các cánh quân của SAA đang tác chiến ở Idlib, cách trận địa chừng 100km.
Đó là về phòng không, còn không quân thì sao? Hiện nay Không quân Syria sở hữu một số dòng tiêm kích đánh chặn như MiG-21, MiG-23 và MiG-29. Các chiến đấu cơ này tuy cũ nhưng chúng vẫn còn sức chiến đấu nhất định, đặc biệt là MiG-29.
Tuy nhiên, thật lạ là sau lần xuất hiện bất ngờ với vũ khí mới, hiện đại vào đầu tháng 10/2018, đến nay không hề thêm có thông tin nào về những chiếc tiêm kích MiG-29 của Không quân Syria. Chúng đã biến mất hết sức bí ẩn.
Số lượng tiêm kích loại này có trong biên chế Không quân Syria cũng là một con số bí ẩn bởi lẽ vào năm 1986, quốc gia Cận Đông này đã được Liên Xô viện trợ 24 chiếc máy bay tiêm kích MiG-29. Việc chuyển giao được bắt đầu từ năm 1987.
Tuy nhiên, cho tới năm 1989, do Moscow dừng cung cấp viện trợ quân sự cho Damascus khiến việc chuyển giao bị đình lại và con số tiêm kích MiG-29 mà Syria thực tế đã nhận được từ gói viện trợ này là khá "tù mù", nhưng chắc chắn là chưa đủ 24 chiếc.
Ngoài các máy bay nhận được trong gói viện trợ quân sự thì Syria cũng đặt mua một số MiG-29 khác từ Liên Xô. Các nguồn tin khác nhau đều cho rằng Không quân Syria ở thời kỳ cao điểm đã sở hữu tới hơn 40 chiếc tiêm kích MiG-29, tuy nhiên, sau 30 năm sử dụng, số máy bay còn hoạt động được có lẽ không nhiều, cỡ trên dưới 20 chiếc là cùng.
Hình ảnh hiếm hoi về tiêm kích MiG-29 Syria hoạt động trên không.
Nguyên nhân MiG-29 Syria không thể duy trì được hệ số kỹ thuật cao là bởi khó khăn tài chính trầm trọng, không đủ đảm bảo cung cấp nhiên liệu cũng như phụ tùng thay thế, bảo dưỡng sửa chữa.
Trong cuộc xung đột ở Syria, người ta rất ít khi thấy MiG-29 tham chiến, kể cả trong tuần tiễu chặn kích trên không lẫn sử dụng vũ khí không đối đất để tiêu diệt các nhóm phiến quân, khủng bố. Số lần người ta ghi lại được hình ảnh MiG-29 xuất hiện rất ít ỏi, thay vào đó chủ yếu là các "ông lão" Su-22, MiG-21, MiG-23 và thậm chí là cả máy bay huấn luyện L-39.
Trong giai đoạn những năm 2000-2015, Syria mong muốn mua thêm các máy bay tiêm kích thế hệ mới như MiG-31, MiG-29M, MiG-29SMT và máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà các thỏa thuận đều đổ vỡ.
Duy nhất chỉ có một hợp đồng được coi là "đáng giá" khi cả 2 bên Nga-Syria âm thầm triển khai từ năm 2010 đó là nâng cấp MiG-29 hiện có của Syria lên chuẩn mới, hiện đại hơn nhưng từ đó đến nay hầu như có rất ít thông tin được hé lộ.
Tuy vậy, dường như các máy bay này được nâng cấp lên chuẩn MiG-29SM, một phiên bản dành riêng cho Syria với radar mới N019ME có tầm phát hiện 80km đối với mục tiêu có diện tích phản xạ radar cỡ 3m2 và tới 91km đối với mục tiêu cỡ 5m2 ở chế độ quét bán cầu trước, khóa và tấn công 2 mục tiêu đồng thời.
Dù không có khả năng sử dụng các loại vũ khí không đối đất có điều khiển nhưng nó là loại radar chuyên dành cho tiêm kích đánh chặn, có thể dẫn bắn được các loại tên lửa không đối không tầm trung R-27ER1, R-27ET1 (T1) với đầu dò chủ động và đầu dò hồng ngoại cũng như tên lửa RVV-AE đời mới sử dụng đầu dò radar chủ động.
Hồi tháng 10/2018, một số hình ảnh cho thấy MiG-29 nâng cấp đã lộ diện ở trong tình trạng trực sẵn sàng chiến đấu cùng với tên lửa RVV-AE "sát thủ".
Hình ảnh cắt từ video cho thấy tiêm kích MiG-29 Syria mang tên lửa R-73 và RVV-AE tuần tiễu trên không.
Với tên lửa RVV-AE (NATO định danh AA-12 Adder), loại vũ khí tiêu chuẩn cho tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ 5 của Nga, MiG-29 Syria chúng có thể hạ gục các mục tiêu phương tiện bay có tốc độ đến 3.600 km/h trên độ cao từ 20 m đến 25 km, thừa sức vít cổ các chiến đấu cơ F-15, F-16 của Không quân Israel hay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù không xuất hiện trên truyền thông, nhưng giới quan sát quân sự tin rằng các tiêm kích MiG-29 Syria được cất giữ trong các hầm ngầm bí mật tại một số sân bay quân sự và vẫn xuất kích huấn luyện, tuần tiễu chiến đấu thường xuyên.
Hiện chúng đã được lệnh sẵn sàng cất cánh đánh chặn chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ một khi tình thế chiến trường bắt buộc. Tên lửa S-300 Syria dường như cũng đã sẵn sàng khai hỏa, vừa làm nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu đối phương một cách độc lập vừa triển khai bảo vệ các chiến đấu cơ quân nhà nếu bị máy bay Thổ Nhĩ Kỳ săn đuổi.