Vì sao Nga, EU, NATO lên tiếng về căng thẳng Nagorno-Karabakh?

Thanh Bình |

Hôm 27/9, trước tình hình căng thẳng ở Nagorno-Karabakh, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ngừng bắn ngay lập tức.

RIA đưa tin, theo Bộ Ngoại giao Nga tình hình trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh đã xấu đi nghiêm trọng, hai bên đều tiến hành những trận pháo kích dữ dội và có tin tức về thương vong. “Chúng tôi kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán với mục đích ổn định tình hình”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Cùng ngày, Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell cho biết, EU kêu gọi các bên chấm dứt các hành động thù địch ở Nagorno-Karabakh, giảm leo thang và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn.

“EU kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành động thù địch, giảm leo thang và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn. Việc quay trở lại vòng đàm phán ngay lập tức không cần điều kiện tiên quyết là cần thiết để giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh dưới sự bảo trợ của các đồng chủ tịch Nhóm OSCE Minsk”, thông báo cho biết.

Được biết, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã cố gắng làm trung gian hòa giải xung đột, thành lập Nhóm OSCE Minsk với các nhà ngoại giao từ Pháp, Nga và Mỹ để có được một lệnh ngừng bắn. Hai bên đã ngồi vào đàm phán từ 1992 nhưng vẫn không đạt được tiến triển thực chất; mặc dù những năm qua không xảy ra xung đột quy mô lớn, nhưng các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn xảy ra.

Trong khi đó, theo ông James Appathurai, Đặc sứ của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực Caucasus và Trung Á, các bên tham gia xung đột ở Nagorno-Karabakh nên ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch và nối lại các cuộc đàm phán để giải quyết tình hình một cách hòa bình.

“NATO quan ngại sâu sắc báo cáo về các hành động thù địch quy mô lớn dọc theo đường liên lạc trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh. Các bên nên chấm dứt ngay các hành vi thù địch vốn đã gây ra thương vong cho dân thường. Không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột này. Các bên nên nối lại đàm phán để giải quyết hòa bình”, ông Appathurai cho biết. “NATO ủng hộ các nỗ lực của Nhóm OSCE Minsk”, ông Appathurai nói thêm.

Ngoài ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Văn phòng Tổng thống Azerbaijan cho biết, trong trao đổi, Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định ủng hộ tuyệt đối Azerbaijan. Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Armenia phải chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang xung đột.

Theo truyền thông địa phương, chính phủ Armenia ban hành lệnh thiết quân luật trong nước và thông báo tổng động viên, do tình hình bùng phát trầm trọng ở Nagorno-Karabakh. Đồng thời, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố rằng lực lượng vũ trang của Azerbaijan đã khởi xướng cuộc tấn công đánh vào Nagorno-Karabakh.

Theo ông Pashinyan, đối phương đã phát động cuộc tấn công vào Artsakh. Thời điểm hiện tại quân phòng thủ Armenia đã kháng cự thành công. Ông Pashinyan cũng lưu ý rằng tình hình đang ở trạng thái triển khai chiến dịch.

Cũng theo thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Armenia, bà Shushan Stepanyan quân đội Armenia đã bắn hạ hai trực thăng và ba máy bay không người lái của phía Azerbaijan ở Karabakh. Cả hai bên đều nói có dân thường và binh lính thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc xung đột, Armenia nói 1 phụ nữ và trẻ em đã tử vong.

Trước đó, vào sáng Chủ nhật (27/9), Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo lực lượng vũ trang Armenia đã tiến hành pháo kích vào khu dân cư của nước này tại khu vực Karabak làm nhiều dân thường thiệt mạng. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố đã cảnh báo lực lượng Azerbaijan phát động tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái tại khu vực này nhằm đáp trả hành động của Armenia.

Nagorno-Karabakh là vùng đất ở phía Nam Caucasus (Kavkaz), nằm giữa vùng hạ Karabakh và Zangezur trên khu vực phía đông nam dãy Kavkz. Hầu hết địa hình là đồi núi và rừng, có diện tích 8.223 kilômét vuông. Đây là vùng sinh sống của người Armenia từ xa xưa.

Trước Cách mạng tháng 10 Nga, cả Armenia và Azerbaijan đều là thuộc địa của Nga. Năm 1918, khi Armenia và Azerbaijan thành lập chính quyền Xô Viết, cả hai nước đã có tranh chấp đối với vùng đất này.

Ở thời kỳ Liên bang Xô viết, Nagorno-Karabakh là một tỉnh tự trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Azerbaijan vào năm 1923. Năm 1991, sát trước thời điểm Liên Xô sụp đổ, xung đột quân sự đã nổ ra tại đây giữa Armenia và Azerbaijan.

Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh và khu vực Shahumian giáp giới với Armenia với kết quả là Cộng hòa Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập, đặt thủ đô tại thành phố Stepanakert, vốn là thủ phủ của tỉnh tự trị Nagorno-Karrabakh. Tuy nhiên, Liên hợp quốc không công nhận thực thể địa chính trị này.

Xung đột ở Nagorno-Karabakh kéo dài trong 7 năm (1988-1994) giữa Armenia và nước Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh được Armenia bảo trợ với Azerbaijan.

Các cuộc xung đột nổ ra không bao lâu sau khi Quốc hội Nagorno-Karabakh, một tỉnh tự trị thuộc Azerbaijan, bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Armenia ngày 20/2/1988. Tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan là kết quả của sự bất bình kéo dài từ phía cộng đồng người Armenia ở Nagorno-Karabakh do sự cấm đoán tự do tôn giáo và văn hóa bởi chính quyền Azerbaijan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại