Báo Israel: Xung đột Armenia - Azerbaijan bùng nổ, Trung Đông như "chỉ mành treo chuông"?

Hoài Giang |

Tiếng súng kết thúc vào năm 2008 mang lại một khoảng thời gian hòa hoãn tương đối ngắn ở Nam Caucasus trước khi tái bùng nổ và có khả năng ảnh hưởng lên khu vực rộng lớn hơn nhiều

Hôm 27/9, tờ Jerusalem Post đăng tải bài viết nhan đề "Armenia-Azerbaijan clashes could affect wider Middle East - analysis" (tạm dịch: Đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan có thể ảnh hưởng đến cả khu vực Trung Đông rộng hơn nhiều) của nhà phân tích Seth J.Frantzman.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là từ quan điểm của một tờ báo Israel về xung đột đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh ở Nam Caucasus, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Nam Caucasus: Thùng thuốc súng chực phát nổ?

Giao tranh giữa lực lượng Armenia và Azerbaijan bùng phát vào sáng 27/9 dường như có quy mô lớn hơn nhiều so với các cuộc đụng độ "ngày thường".

Sau những cuộc đụng độ vào tháng 7/2020, điều có thể nhận rõ là khu vực Nam Caucasus (Kavkaz) ngày càng trở nên quan trọng. Sau nhiều thập kỷ mà các cuộc họp "sau cánh cửa đóng kín" bị cộng đồng quốc tế phớt lờ, "họ" đã trở lại và nổi bật.

Cuộc xung đột đang tiếp diễn ở đó có ảnh hưởng lớn đến Trung Đông vì Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đều là các "tác nhân tiềm tàng".

Caucasus đã liên tục trải qua xung đột sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Một loạt các tranh chấp chưa được giải quyết đã bị "đóng băng", đôi khi những "tảng băng" này nổi lên bề mặt và trở thành các cuộc chiến mới. Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia là một trong số đó.

Azerbaijan nằm trong vùng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Baku tuyên bố chủ quyền đối với Nagorny-Karabakh, một khu vực nằm giữa nước này và nước láng giềng Armenia.

Báo Israel: Xung đột Armenia - Azerbaijan bùng nổ, Trung Đông như chỉ mành treo chuông? - Ảnh 1.

Bản đồ khu vực Nam Caucasus với Nagorny-Karabakh nằm giữa Armenia và Azerbaijan.

Nhưng khu vực đó lại tự tuyên bố là một nước Cộng hòa Artsakh độc lập khỏi Azerbaijan vào những năm 1990. Với sự hậu thuẫn của người Nga, Armenia vẫn đang tiếp tục nắm quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh.

Xa hơn về phía bắc, cuộc chiến tranh Nam Ossetia vào năm 2008 đã nhanh chóng chứng minh với Gruzia rằng nước Nga đang trên đà cải tổ dưới thời ông Putin vẫn là một "gã khổng lồ".

Bằng cách thức tương tự, ông Putin đã chấm dứt cuộc chiến tranh Chechnya - thứ đã khiến nước Nga bị "sa lầy" những năm 1990, đồng thời dập tắt các hoạt động nổi dậy và chiến tranh du kích của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Bắc Caucasus.

Chiến tranh Nam Ossetia kết thúc vào năm 2008 đã mang lại một khoảng thời gian hòa hoãn tương đối ngắn cho Caucasus.

Nhưng tất cả những cuộc xung đột nói trên đã không được giải quyết. Chúng cũng có liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea và xung đột ở miền đông Ukraine. Cho tới nay tiếng súng vẫn chưa bao giờ ngừng ở Ukraine.

Ngày nay, người Nga thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận phô trương sức mạnh, cả ở miền nam nước Nga, Caucasus, Baltic và gần Belarus để vẽ lại một "bức tranh tổng thể" về một cường quốc mới nổi.

Nga điều động 80.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận Kavkaz 2020.

Nga và Thổ sẽ phân chia Nam Caucasus như đã làm với Syria, Libya?

Thông điệp từ Moscow rất rõ ràng, người Nga vẫn đang "mài nanh dũa vuốt" để sẵn sàng trước bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra, dù đó là ở Belarus hay Nam Caucausus. Và họ đã chứng minh được điều đó sau các hành động ở Syria và Libya.

Nga vẫn chưa can thiệp vào cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Nhưng cần phải hiểu là người Nga sẽ không thể để đồng minh của mình bị đánh bại và Armenia được cho là một trong nhiều đồng minh của Nga.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi chủ nghĩa quân phiệt bằng hành động chiếm đóng miền bắc Syria, không kích và thiết lập các căn cứ ở miền bắc Iraq, gửi phiến quân Syria đến Libya và hàng ngày đe dọa Hy Lạp ở Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn một vai trò bên cạnh Azerbaijan để đối đầu với Armenia.

Có thể thấy người Nga có quan hệ đầy mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ưu tiên của họ là đánh bật các cường quốc phương Tây.

Trong quá khứ, Nga đã cố gắng chia rẽ NATO và phương Tây bằng cách ký kết các thỏa thuận với Ankara ví dụ như việc họ bán cho Ankara hệ thống phòng không S-400 và thực hiện các cuộc tuần tra chung ở tỉnh Idlib, Syria.

Nếu Ankara can dự quá nhiều vào cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia, người Nga có thể tìm kiếm một thỏa thuận khác với Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo việc Nga trở thành "trọng tài" cho những gì xảy ra tiếp theo.

Đây là mô hình mà người Nga đã thực hiện tại Astana, Sochi (liên quan tới chiến sự Syria) và ở Libya, để phân chia ảnh hưởng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Lính Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tập trận ở Idlib, Syria (Nguồn: Rusvesna.su).

"Ẩn số" Iran?

Iran, nước láng giềng của cả Armenia lẫn Azerbaijan cũng để mắt tới các nước Caucasus về thương mại, thu thập thông tin tình báo và các yếu tố khác. Iran đang thúc đẩy một dự án đường sắt mới với Azerbaijan.

Mục tiêu thực sự của Iran là quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga, trong bối cảnh Mỹ vẫn đang gia tăng các biện pháp trừng phạt và mong muốn tạo ra một thế giới đa cực hơn để thách thức Mỹ.

Mục tiêu ở đây có thể liên quan đến cả Thổ Nhĩ Kỳ vì Tehran và Ankara có quan hệ tương đối nồng ấm.

Tuy nhiên xung đột ở biên giới phía bắc của Iran giữa Azerbaijan và Armenia không đem lại lợi ích cho Tehran. Iran có nhiều người dân tộc Azeri và không muốn xung đột lan rộng.

Báo Israel: Xung đột Armenia - Azerbaijan bùng nổ, Trung Đông như chỉ mành treo chuông? - Ảnh 5.

Iran mong muốn một khu vực biên giới phía bắc với Azerbaijan và Armenia yên bình?

Kết luận

Một cuộc xung đột ở Nagorna-Karabakh hoặc một cuộc chiến rộng lớn hơn liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, có thể gây ra ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Quốc cũng quan tâm theo dõi khu vực nhưng cái Bắc Kinh muốn là sự ổn định để phát triển thương mại chứ không phải chiến tranh, còn người Mỹ dường như không còn quan tâm đến việc dàn xếp các thỏa thuận hòa bình như họ đã từng làm trong những năm 1990.

Liên minh Châu Âu (EU) không còn đóng vai trò có ý nghĩa và hầu hết các nước trong khu vực đều cho rằng EU "nói mà không làm" như những gì đã diễn ra ở Syria.

Tất cả những điều này cho thấy Moscow, Tehran, Ankara sẽ đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy hoặc ngăn chặn xung đột ở Caucasus.

Điều gì khác có thể xảy ra trong cuộc xung đột? Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác rất muốn thử nghiệm các hệ thống vũ khí mới phát triển và một cuộc xung đột như giữa Azerbaijan và Armenia được cho là khá phù hợp.

Cuối cùng, cuộc xung đột có thể gây ảnh hưởng tới một điểm nóng khác, đó là Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc vô căn cứ rằng các nhóm vũ trang người Kurd đến hỗ trợ Armenia. Tuy nhiên, Ankara đã sử dụng những tuyên bố này trong quá khứ để che đậy việc chính họ cũng tuyển mộ phiến quân Syria chiến đấu ở nước ngoài.

Xét một cách toàn diện, xung đột ở Nagorna-Karabakh có thể sẽ trở thành điểm đến tiếp theo, nơi mà các cường quốc trong khu vực tiếp tục các cuộc họp "sau cánh cửa đóng kín".

Lực lượng Armenia đăng tải đoạn video xe bọc thép Azerbaijan trúng đạn (Nguồn: Sputnik).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại