Khác biệt Đông-Tây
Trong kỳ nghỉ hè 5 ngày hồi tuần trước cùng gia đình ở Martha's Vineyard, khu nghỉ ưa thích của các Tổng thống và giới nhà giàu Mỹ, truyền thông ghi lại những hình ảnh ông Barack Obama hào hứng chơi golf.
Cùng thời điểm, các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc nhiều khả năng "đang bơi trên vùng biển Bột Hải bị ô nhiễm", hoặc "dạo chơi trên bãi biển độc quyền" ở khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh 280 km về phía Đông.
Truyền thông Mỹ có hàng tá hình ảnh ông Obama tận hưởng những kỳ nghỉ như thế này, nhưng ở Trung Quốc thì trái ngược. (Ảnh: Getty Images)
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), sự khác biệt là trong khi Obama thu hút cánh phóng viên, truyền hình ghi lại cảnh ông tận hưởng kỳ nghỉ hè cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống, thì truyền thông nhà nước Trung Quốc không đề cập chút nào đến kỳ nghỉ của các lãnh đạo nước này.
Dù vậy, sự "mất tích" trên truyền thông của Chủ tịch Tập Cận Bình hay Thủ tướng Lý Khắc Cường kể từ đầu tháng 8 đã không qua được sự quan sát của dư luận.
Dấu hiệu duy nhất để biết được lãnh đạo Trung Nam Hải đã bắt đầu kỳ nghỉ là khi hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin Ủy viên thường trực Bộ chính trị Trung Quốc Lưu Vân Sơn có cuộc gặp gỡ các học giả, chuyên gia do Bắc Kinh mời tới Bắc Đới Hà. Báo cáo nhấn mạnh Lưu "thay mặt" ông Tập Cận Bình.
SCMP cho hay, khi các lãnh đạo trở lại làm việc vào thứ Hai (15/8), truyền thông chính thống Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa tin dày đặc về các hoạt động hay sự kiện gặp gỡ của họ, và "giả vờ" rằng 2 tuần yên ắng vừa qua "chưa từng xảy ra".
Cho đến nay nguyên nhân các lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ xác nhận việc họ đi nghỉ hè, trái ngược với những đồng cấp phương Tây, vẫn là điều bí ẩn.
Tác giả Wang Xiangwei, cựu Tổng biên tập của SCMP, bình luận trên tờ này cho rằng có thể việc đi nghỉ sẽ khiến các lãnh đạo "ít giống lãnh đạo" hơn, hoặc ảnh hưởng đến hình ảnh tuyên truyền về họ như những người "làm việc không mệt mỏi vì người dân".
Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (trái) gặp chính khách Mỹ Joe Biden tại Bắc Đới Hà năm 2001. (Ảnh: Reuters)
Kỳ nghỉ gây nhiều đồn đoán
Kỳ nghỉ thường niên tại Bắc Đới Hà chưa bao giờ là một sự kiện êm ả, căn cứ theo tư liệu lịch sử để lại.
Theo SCMP, rất nhiều quyết sách trọng yếu liên quan đến nước CHND Trung Hoa kể từ khi thành lập năm 1949 đã được đưa ra trong những căn phòng kín, nơi những người đứng đầu đất nước "đối chọi, tính toán chiến thuật và giả vờ với nhau để giành ưu thế". Tất cả các cuộc họp này diễn ra trong bí mật.
Từ năm 1953, các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu tụ hội hàng năm ở Bắc Đới Hà để tránh cái nóng ở thủ đô. Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông được cho là đã ở Bắc Đới Hà tới 4 tháng vào năm 1954.
Truyền thống này bị cắt đứt khi cuộc Cách mạng văn hóa nổ ra, sau đó khôi phục vào năm 1984 khi lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, một người rất thích bơi, bắt đầu đi nghỉ ở đây.
Đến năm 2003, chế độ nghỉ dưỡng một lần nữa bị đình chỉ bởi tân lãnh đạo Hồ Cẩm Đào, với lý do việc di chuyển cả bộ máy của đảng, chính phủ, cơ quan lập pháp và quân sự đến Bắc Đới Hà "là sự lãng phí công quỹ".
Nhưng "ý chỉ" của ông Hồ Cẩm Đào dường như không ngăn được những lãnh đạo về hưu tiếp tục đi nghỉ tại đây.
Vào năm 2013, khi Tập Cận Bình nắm quyền, kỳ nghỉ mang tính "nghi thức" một lần nữa được tái khởi động.
Sự bí ẩn của kỳ nghỉ Bắc Đới Hà đã khiến nó trở thành đề tài gây tò mò đối với nhiều hãng truyền thông nước ngoài, đặc biệt là các hãng tin tiếng Hoa.
Ông Tập Cận Bình nỗ lực "chế độ hóa" hoạt động nghỉ dưỡng ở Bắc Đới Hà để tránh đây trở thành một diễn đàn chính trị bên lề (Ảnh minh họa: AFP)
Theo SCMP, "Hội nghị Bắc Đới Hà" năm nay được quan tâm vì diễn ra chỉ 2 tháng trước Hội nghị trung ương vào tháng 10 tới, khi ban lãnh đạo Trung Quốc thảo luận và có thể thông qua quy tắc mới trong việc điều chỉnh thành viên, đặc biệt là các quan chức cấp cao.
Đồng thời, ông Tập Cận Bình sẽ tăng cường chiến dịch chống tham nhũng. Thậm chí có quan điểm cho rằng ông sẽ giành lấy nhiều quyền kiểm soát hơn trong quản lý kinh tế, vốn là nhiệm vụ của Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Tin tức rò rỉ cùng những đồn đoán liên quan đến các cuộc "họp kín" ở Bắc Đới Hà phải mất vài ngày, thậm chí vài tuần để đến được các hãng thông tấn ở nước ngoài.
Những thông tin được đăng tải sau đó, thường dưới dạng "tiết lộ", sẽ khiến ban lãnh đạo Bắc Kinh tức giận vì những đồn đoán có thể làm gia tăng lo ngại của quốc tế về tình trạng cạnh tranh chính trị ở Trung Quốc, cũng như kế hoạch điều khiển nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu đi về phía trước.
SCMP cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc "chỉ có thể trách chính mình" khi chính họ không công khai cho dư luận về các diễn biến ở Bắc Đới Hà.