Bắc Đới Hà: Cuộc nghỉ hè bí ẩn đã không còn bí ẩn?

Bùi Đàm Hương Vy |

Đây là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc công khai đưa tin về kỳ nghỉ hè của các lãnh đạo nước này tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc.

Tân Hoa Xã đưa tin về Bắc Đới Hà

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 8/8 đưa tin, nhận lời mời của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, các chuyên gia và học giả đã có mặt tại Bắc Đới Hà để tham dự kỳ nghỉ hè.

Ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, đã có cuộc gặp mặt với các chuyên gia hôm 5/8, đồng thời thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình gửi lời thăm hỏi tới các chuyên gia.

Tân Hoa Xã bình luận: "Kỳ nghỉ Bắc Đới Hà là sân chơi để nghỉ ngơi thư giãn, là nơi hội tụ trí tuệ đồng thời cũng là dịp để các tư tưởng lớn gặp nhau".

Theo Đa Chiều, cuộc gặp gỡ giữa ông Lưu với giới chuyên gia cho thấy ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao của Trung Nam Hải cũng đang nghỉ dưỡng tại đây như một hoạt động thường niên.

Theo cách giải thích của Tân Hoa Xã, mục đích của Ủy ban Trung ương khi có lời mời các vị chuyên gia đến Bắc Đới Hà là để thể hiện sự quan tâm, mến mộ của đảng, đặc biệt là các quan chức cấp cao đối với người tài, các chuyên gia hay còn gọi chung là phần tử trí thức.

Đây cũng được coi như một động thái chính trị.

Tham dự kỳ nghỉ Bắc Đới Hà lần này có tổng cộng 56 chuyên gia. Ngoài ông Lưu Vân Sơn, ông Tập và thủ tướng Lý Khắc Cường cùng các quan chức cấp cao cũng có buổi gặp gỡ không chính thức cùng các chuyên gia.

Bắc Đới Hà: Cuộc nghỉ hè bí ẩn đã không còn bí ẩn? - Ảnh 1.

Ông Lưu Vân Sơn (phải) gặp gỡ các chuyên gia, học giả Trung Quốc được mời tới nghỉ dưỡng ở Bắc Đới Hà. (Ảnh: Tân Kinh)

Không còn "hội nghị Bắc Đới Hà"?

Đa Chiều bình luận, việc các chuyên gia, học giả Trung Quốc tham gia kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà và được các lãnh đạo tiếp kiến, ở một khía cạnh nào đó đã chứng minh hình thức hội nghị Bắc Đới Hà đã diễn biến theo hướng "thảo luận triển khai phương hướng".

Hội nghị thảo luận phương hướng, hay "wuxuhui", là một dạng hội nghị của Trung Quốc, trong đó cấp lãnh đạo các cơ cấu như đảng, cơ quan chính phủ, quân đội, doanh nghiệp... thảo luận về các mục tiêu dài hạn, xác định lộ trình vĩ mô, tiến hành biểu dương...

Dạng hội nghị này khác với các hội nghị thực tiễn của ĐCSTQ hay Bộ chính trị Trung Quốc, vốn tập trung vào bổ nhiệm nhân sự, thảo luận việc thực hiện các chính sách cụ thể trong từng giai đoạn.

Hội nghị Bắc Đới Hà tập trung vào "định hướng" gần như đã được truyền thông Trung Quốc thừa nhận.

Tờ The Paper (Trung Quốc) nói rằng, màu sắc chính trị trong kỳ nghỉ hàng năm ở Bắc Đới Hà đang nhạt dần, mà ngày càng trở thành "sảnh gặp gỡ nhân tài" của các lãnh đạo cấp cao trong đảng.

Tờ Phương Nam Cuối tuần (Trung Quốc) nhận định, Bắc Đới Hà đã không còn là "thủ đô mùa hè" - nơi các lãnh đạo Trung Quốc làm việc như thời lãnh tụ Mao Trạch Đông, mà đang trở thành "Trại David (nơi nghỉ dưỡng của các Tổng thống Mỹ)" của Trung Quốc.

Uông Ngọc Khải, giáo sư Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc cho biết: "Chế độ công tác ở Bắc Đới Hà từng trở thành trung tấm quyết sách của chính phủ. [Trung Quốc] xóa bỏ chế độ công tác Bắc Đới Hà, nhưng vẫn duy trì cơ chế nghỉ dưỡng cho các chuyên gia."

Bắc Đới Hà: Cuộc nghỉ hè bí ẩn đã không còn bí ẩn? - Ảnh 2.

Truyền thông phương Tây vẫn tin rằng một hội nghị bí mật được tiến hành ở Bắc Đới Hà để thương thảo những quyết sách liên quan đến vận mệnh Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Đa Chiều, dường như không tin vào sự "bình yên" trong kỳ nghỉ và cuộc tụ hội hiếm hoi giữa các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Nam Hải, báo giới phương Tây vẫn gọi sự kiện này là "hội nghị Bắc Đới Hà" và nhận định các lãnh đạo Trung Quốc sẽ thảo luận nhiều về vấn đề nhân sự cấp cao.

Đặc biệt, Đại hội XIX của ĐCSTQ sẽ diễn ra vào mùa thu 2017, đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo tối cao.

Thời mao Trạch Đông, hội nghị Bắc Đới Hà đã quyết định kế hoạch "Đại nhảy vọt". Thời Đặng Tiểu Bình, hội nghị lại thông qua quyết sách "phá rào cản giá cả".

Đa Chiều cho hay, bắt đầu từ thời ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh đạo, hội nghị Bắc Đới Hà dần dần đi theo con đường chính trị hóa và trở thành diễn đàn để các cựu lãnh đạo thể hiện tầm ảnh hưởng lên chính trường.

Sau Đại hội XVIII (2012), hội nghị này dần trở lại khuôn khổ một kỳ nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do các cơ quan truyền thông Trung Quốc hầu như không bao giờ đưa ra những thông tin chính thức về Bắc Đới Hà, nên nhiều đồn đoán xoay quanh "hội nghị bí ẩn nhất Trung Quốc" vẫn xuất hiện hàng năm.

Năm nay, việc Tân Hoa Xã có những thông báo chính thức về Bắc Đới Hà, tuy chỉ mới dừng ở mức độ đưa tin về cuộc gặp gỡ giữa Tập, Lý cùng các chuyên gia trong thời gian nghỉ dưỡng, nhưng được coi là thay đổi lớn của truyền thông Trung Quốc.

Thông tin chính thống được đưa ra cũng làm nhạt bớt những suy đoán về các cuộc "họp kín" xoay quanh những nội dung nhạy cảm của chính trường Trung Quốc.

Có vẻ báo chí nước này đã bước đầu xâm nhập được vào "vùng cấm". Nếu như truyền thông Trung Quốc không vấp phải những hạn chế trong việc đưa tin về kì nghỉ của lãnh đạo thì có lẽ đã có nhiều hơn những người tin vào việc "Bắc Đới Hà không có hội nghị nào cả".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại