AFP: Ông Tập Cận Bình cố gắng kéo dài thời kỳ lãnh đạo

Hải Võ |

Hãng AFP (Pháp) cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gần như trở thành lãnh đạo quyền lực nhất nước này trong nhiều thập kỷ qua.

AFP dẫn ý kiến của các nhà phân tích cho rằng, ông Tập sẽ cố gắng duy trì thời kỳ lãnh đạo dài hơn 10 năm và trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện điều đó kể từ thời Đặng Tiểu Bình.

Các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc được cho là đã tập trung tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc để dự "hội nghị bí mật" được diễn ra không chính thức hàng năm, nơi các cuộc thảo luận được cho là tập trung vào cuộc chuyển giao quyền lực trong Bộ chính trị Trung Quốc tại đại hội XIX của ĐCSTQ vào mùa thu 2017.

Đại hội XIX sẽ xác định một Ủy ban thường trực Bộ chính trị mới gồm 7 thành viên, trong đó gần như chắc chắn sẽ có nhân vật kế nhiệm Tập Cận Bình, khi ông kết thúc 2 nhiệm kỳ cầm quyền vào năm 2022.

Ông Tập Cận Bình hiện giữ chức Tổng bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch ủy ban quân sự trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch nước Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia Trung Quốc... cùng nhiều chức vụ lãnh đạo các ủy ban, tiểu tổ khác trong Trung Nam Hải.

Tuy nhiên, theo AFP, ông Tập cho đến nay vẫn trì hoãn việc xác định một người kế nhiệm tiềm năng.

Với "truyền thống" duy trì ảnh hưởng trong bộ máy nhà nước sau khi về hưu của các lãnh đạo Trung Quốc, giới học giả và các nhà phân tích tin rằng Tập Cận Bình sẽ cố gắng kéo dài nhiệm kỳ của mình hơn mốc 10 năm.

Christopher K. Johnson, cựu chuyên gia của CIA, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho hay, việc ông Tập tìm cách kéo dài thời gian lãnh đạo "ngày càng trở thành một nhận định chắc chắn của rất nhiều nhà phân tích".

Ông Willy Lam, chuyên gia về chính trị tại Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK), cho rằng có đến 60-70% khả năng Chủ tịch Trung Quốc sẽ không từ bỏ quyền lực của mình.

Nếu đạt được mục tiêu đó, ông Tập sẽ "vi phạm" quy tắc bất thành văn do Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo cầm quyền giai đoạn 1979-1989, đặt ra.

Quy tắc trên yêu cầu các Tổng bí thư ĐCSTQ không giữ chức quá 10 năm và đã trở thành cơ sở giúp Trung Quốc có được những cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm trong thập niên 1990.

Đây cũng là cách để Trung Nam Hải có được sự đổi mới ở tầng lớp đứng đầu, tạo cơ hội cầm quyền cho các nhóm quan điểm khác nhau trong đảng ở những thời kỳ khác nhau. Quy tắc của Đặng Tiểu Bình cũng là khuôn khổ để Bắc Kinh ngăn chặn sự xuất hiện của một lãnh đạo "tham quyền cố vị".

AFP: Ông Tập Cận Bình cố gắng kéo dài thời kỳ lãnh đạo - Ảnh 2.

Ông Vương Kỳ Sơn, người phụ trách chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng. (Ảnh: Getty Images)

Chưa có dấu hiệu rõ ràng về "người thừa kế"

Theo AFP, Hiến pháp Trung Quốc quy định thời hạn cầm quyền đối với Chủ tịch nước và Thủ tướng cũng như các thành viên Bộ chính trị nước này, nhưng không có một điều luật như vậy bằng văn bản đối với Tổng bí thư ĐCSTQ.

Từ năm 2015 đã có quan điểm cho rằng Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI), một Ủy viên thường trực Bộ chính trị sẽ phải về hưu sau Đại hội XIX do "quy tắc bất thành văn" về vấn đề tuổi tác, sẽ được ở lại cương vị thêm một nhiệm kỳ nhằm "tạo ra tiền lệ trong giới lãnh đạo đảng".

Đối với 7 Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, "7 lên 8 xuống" là một quy tắc ngầm, tức cán bộ 67 tuổi có thể được bầu vào vị trí này, nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".

Ông Vương được đánh giá là "đồng minh thân cận" của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" từ năm 2013.

Victor Shih, giáo sư Đại học California, Mỹ nhận xét rằng ý định duy trì quyền lực của ông Tập là khá rõ ràng khi ông đưa mình trở thành lãnh đạo của hàng loạt ủy ban, tiểu tổ và các cơ quan trọng yếu của trung ương.

Shih nói với AFP: "Đó là cách để ông Tập làm tăng thách thức đối với bất kỳ ai sẽ thay thế mình trong tương lai. Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa xuất hiện một 'người kế nhiệm' nổi bật."

Người phá "quy tắc ngầm"

Christopher K. Johnson chỉ ra rằng Tập Cận Bình đã phá vỡ không ít quy tắc bất thành văn trong Trung Nam Hải, kể từ khi trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ sau Đại hội XVIII năm 2012.

Chiến dịch chống tham nhũng của ông đã phá quy tắc "không xử lý các cựu Thường ủy Bộ chính trị" bằng vụ xử lý cựu Bí thư Ủy ban chính pháp trung ương Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang.

Ông Tập cũng là người mở màn cuộc "đả hổ" đáng kinh ngạc trong quân đội Trung Quốc, với sự "ngã ngựa" của cả hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.

Các chuyên gia cho rằng, nếu có thêm thời gian lãnh đạo, Tập Cận Bình sẽ theo đuổi cuộc cải cách mà ông hứa hẹn từ lâu, cũng như tăng cường chính sách quyết đoán trong vấn đề biển Đông.

Các đồng minh của ông cho rằng thời gian cầm quyền dài hơn sẽ cho phép ông Tập thực hiện các mục tiêu trẻ hóa quốc gia và gấp đôi thu nhập bình quân đầu người năm 2010 vào vào năm 2020, trước khi ĐCSTQ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập.

AFP: Ông Tập Cận Bình cố gắng kéo dài thời kỳ lãnh đạo - Ảnh 4.

Tổng thống Putin (trái) thực sự trở thành "hình mẫu" để ông Tập học hỏi trong việc duy trì quyền lực chính trị. (Ảnh: Reuters)

Hình mẫu Putin

Học giả Willy Lam nói với AFP, Chủ tịch Tập Cận Bình đã giảm thiểu những thách thức tiềm tàng lớn nhất bằng cách thiết lập địa vị quyền lực trong quân đội và công an.

Hồi tuần trước, Trung Nam Hải còn ban hành thông báo siết chặt quản lý đối với đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, một "bệ phóng quyền lực" đã đưa nhiều nhân vật đến vị trí lãnh đạo, bao gồm cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hay đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Các chuyên gia nói rằng Tập Cận Bình đã nhìn thấy "hình mẫu đáng ghen tị" ở Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã thành công trong việc duy trì quyền lực hơn 15 năm qua khi "luân chuyển" giữa vị trí tổng thống và thủ tướng.

Ông Lam bình luận: "Giống như người bạn tốt Putin, [Tập Cận Bình] muốn có nhiều hơn 2 nhiệm kỳ nắm quyền."

Tuy nhiên, giáo sư chính trị Bạc Trí Dược Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, cho rằng ông Tập muốn học theo Putin là không thể.

Ông Bạc trả lời phỏng vấn AFP cho hay: "Putin có thể chuyển đổi chức vụ mà không bị mất quyền lực, nhưng trong chính trường Trung Quốc đó là điều bất khả thi."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại