Điều gì khiến Trung Nam Hải cải cách nhằm vào đoàn Thanh niên?

Song Phương |

Trong tuần này, đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa đưa ra tuyên bố lớn về việc tiến hành cải cách mạnh mẽ nhằm vào đoàn Thanh niên Cộng Sản (TNCS) Trung ương.

Theo phân tích trên tờ The New York Times, việc tiến hành cải cách này trên thực tế là hành động của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thu hẹp ảnh hưởng của những người tiền nhiệm và các đối thủ trong Trung Nam Hải.

Trong hệ thống quan chức Trung Quốc, rất nhiều người được đưa lên thông qua đoàn Thanh Niên đã bị "đưa ra bên lề" dưới thời Tập Cận Bình.

Đoàn TNCS Trung Quốc đã từng là cái nôi của nhiều nhà lãnh đạo, và không ít quan chức cấp cao đương nhiệm từng được thăng quan nhờ thời gian phục vụ trong đoàn.

Trước thời Tập Cận Bình đã từng có những nhà lãnh đạo nổi bật xuất thân từ đoàn TNCS, bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường hay Phó chủ tịch Lý Nguyên Triều. Một trong số những nhà lãnh đạo phải kể đến là cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Tuy nhiên, theo như công bố chính thức vào thứ Ba (2/8) vừa qua về phương án cải cách trên các phương tiện truyền thông đưa tin, đoàn TNCS – ngôi trường chính trị tinh anh của Trung Quốc đã từng có thời gian huy hoàng, có thể sẽ đối mặt với việc biến mất, một đi không trở lại.

Mục đích của chương trình cải cách này là để làm giảm sự lãnh đạo của đoàn và tăng cường quyền kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với đoàn Thanh niên, tranh thủ tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi nỗ lực cống hiến cho Trung Nam Hải.

Điều gì khiến Trung Nam Hải cải cách nhằm vào đoàn Thanh niên? - Ảnh 1.

"Hổ béo" Lệnh Kế Hoạch là một trong số nhân vật tiến thân từ đoàn TNCS Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Không còn "đoàn phái"?

New York Times dẫn lời "một nhà lãnh đạo giấu tên trong đoàn TNCS trung ương" giải thích về cuộc cải cách lần này rằng "đoàn TNCS tinh giản biên chế cơ quan hành chính, thực hiện ‘thu hẹp bộ máy, mở rộng cơ sở’", " đối mặt với hoàn cảnh xã hội và lớp thanh niên đang có sự thay đổi lớn, đoàn TNCS đã và đang tồn tại rất nhiều điểm không thích ứng, không phù hợp".

Cũng có nhiều cán bộ đảng và chính phủ Trung Quốc thể hiện được sự nổi bật trong lý lịch về kinh nghiệm công tác đoàn, một số nhà phân tích còn gọi là "bè phái" – từ ngữ dùng để chỉ tập hợp một số cán bộ được thăng chức nhờ hoạt động trong đoàn TNCS.

Những cán bộ này luôn duy trì được sự trung thành với Đoàn TNCS trung ương.

Tuy nhiên, cựu biên tập Lý Đại Đồng của tờ Thanh niên Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của Trung ương đoàn TNCS Trung Quốc, cho biết những quan chức được đưa lên từ đoàn TNCS thực chất không được kết dính như một số người tưởng tượng.

Hơn nữa, trước khi ông Tập Cận Bình lên nhậm chức cuối năm 2012, môi trường đoàn TNCS đã không giống như trước, là một vườn ươm những tài năng chính trị.

Ông Lý Đại Đồng nhận định, đoàn TNCS rõ ràng đã không còn gây được sức ảnh hưởng lớn nữa.

Lý nói: "Dưới thời Hồ Cẩm Đào, bạn có thể miễn cưỡng mà nói, tồn tại một phe biệt lập gọi là 'đoàn phái', nhưng bây giờ đã không còn nữa."

"Những chỉ trích gần đây đối với đoàn Thanh niên cho thấy rõ ràng một điều rằng, sức ảnh hưởng của nó đã dần đi đến hồi kết", "đoàn TNCS đã thực sự trở bù nhìn" - ông này nhận định.

Giáo sư Bạc Trí Dược, một nhà nghiên cứu về chính trị học Trung Quốc tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand cho biết , tuyên bố cải cách vừa qua cho thấy, nhiều cán bộ trong Trung ương đoàn TNCS sẽ khó có khả năng được đề bạt lên đội ngũ những quan chức cấp cao mới của quốc gia.

Hàng ngũ những quan chức cấp cao mới sẽ được công bố vào cuối năm sau và đội ngũ này sẽ do Tập Cận Bình cùng những nhà lãnh đạo khác chọn lọc.

"Thực chất của cuộc cải cách lớn mà họ đang tiến hành là hợp pháp hóa xóa bỏ (ảnh hưởng của) đoàn TNCS – nguồn cung cấp những nhà lãnh đạo trong tương lai," Bạc Trí Dược đánh giá.

Ông Bạc nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The New York Times: "Đó là quyền lực ngầm của cái gọi là 'đoàn phái'."

Trước khi cuộc cải cách lần này được công bố, đoàn TNCS Trung QUốc cũng đã nhận được nhiều chỉ trích liên quan đến tham nhũng, rời xa quần chúng và không thực hiện đúng bản chất, lý tưởng của thế hệ trẻ khi thành lập.

Đoàn TNCS Trung Quốc thuở sơ khai, có thể cho là bắt nguồn của đảng Cộng Sản Trung Quốc, được thành lập vào thập niên 1920, đóng vai trò quan trọng là cầu nối cho tầng lớp sinh viên, công nhân, và những thành phần khác có thể tham gia vào cuộc cách mạng cộng sản.

Tính đến cuối năm ngoái, đoàn TNCS Trung Quốc đã có đến 87.5 triệu thành viên, trong đó có rất nhiều là sinh viên đại học với ước muốn cuối cùng là được tham gia vào ĐCS.

Đoàn viên Trung Quốc thông thường có độ tuổi tối đa là 28, nhưng tuổi của những đoàn viên Trung ương giữ chức vụ quan trọng có thể lớn hơn.

Trong những năm 1980, đoàn TNCS được coi như là nguồn nuôi dưỡng những tài năng lãnh đạo của tương lai, đó là thời kì đoàn dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Hồ Diệu Bang.

Giáo sư Bạc Trí Dược cho rằng, có lẽ có một điều quan trọng hơn, thời kì đó ĐCSTQ đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân tài.

Thời kì cuối thập niên 1970, khi Đặng Tiểu Bình lại lên nắm quyền, chấm dứt cuộc Cách mạng Văn hóa và loại bỏ những người ủng hộ cuộc cách mạng này, để đào tạo những thế hệ những thế hệ kế nhiệm tiềm năng, đoàn TNCS đã trở thành một nền tảng đào tạo cực kì quan trọng.

Đoàn TNCS Trung Quốc đạt đỉnh cao danh tiếng là thời kì Hồ Cẩm Đào. Ông từng là Thư kí thứ nhất của Trung Ương đoàn TNCS, được Đặng Tiểu Bình cân nhắc lựa chọn thành người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc thời bấy giờ.

Từ sau khi Tập Cận Bình nhậm chức, ông luôn gây ra được sức ảnh hưởng lớn hơn so với những người tiền nhiệm. Đồng thời cũng có nghĩa ảnh hưởng quyền lực của các cán bộ trong đoàn TNCS bị giảm đi.

Đáng chú ý nhất là cựu Chánh văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch, người đã bị khai trừ khỏi đảng, cách chức tháng 7 năm ngoái vì tội tham nhũng.

Lệnh đã gần như có hy vọng đạt được chức vụ lãnh đạo cao cho đến tháng 3/2012, khi con trai ông này lái một chiếc Ferarri Spider gây tai nạn cho 2 người phụ nữ, trong đó một người đã tử vong.

Hồi tháng trước, Lệnh Kế Hoạch đã bị kết tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và thu thập trái phép bí mật nhà nước, đồng thời bị kết án tù chung thân.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sau khi nghỉ hưu đã có một cuộc sống bình lặng, ngay cả khi những thân tín của ông bị "ngã ngựa" cũng không tạo ra tác động lớn đến ông, chứng tỏ một điều ông có sức ảnh hưởng lớn đối với nền chính trị Trung Quốc.

Vài tháng trước khi công bố phương án cải cách đoàn TNCS, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã ban hành một văn kiện khá dài bày tỏ ý những ý kiến chỉ trích khắc nghiệt về các vấn đề bất thường trong đoàn.

Để giải quyết những ý kiến này, tháng 4 năm nay, các lãnh đạo trung ương đã tuyên thệ sẽ "tích cực bài trừ khuynh hướng quý tộc hóa, con ông cháu cha".

Bạc Trí Dược còn nói, tuy đoàn TNCS vẫn có thể hỗ trợ trong việc chọn lựa và bồi dưỡng cho những nhà lãnh đạo tương lai, nhưng những ứng cử viên được chọn lựa sẽ phải chứng minh họ đủ kinh nghiệm hơn so với những người được bổ nhiệm trước đó.

"Một trong những lời phê bình với đoàn TNCS, đó là việc vì lợi ích thăng tiến cá nhân, mà các nhà lãnh đạo đã tốn quá nhiều thời gian cho việc ngồi bàn giấy mà thiếu hụt đi những kinh nghiệm thực tế," ông Bạc nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại