Vì sao không được dốc ngược, vác nạn nhân bị đuối nước rồi chạy?

K.Chi |

Mùa Hè là mùa nguy cơ đuối nước ở trẻ tăng cao, nếu không biết cách sơ cứu đuối nước có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng cho nạn nhân.

Vác người đuối nước lên vai chạy vòng quanh, ép bụng cho nước chảy ra là các biện pháp sơ cứu đuối nước trong dân gian nhưng lại phản khoa học, tác dụng ngược.

Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ vừa cấp cứu cho trường hợp em Nguyễn Thái S (13 tuổi ở Tiên Du - Phù Ninh - Phú Thọ) đi tắm sông bị đuối nước. Sau khi được người dân sơ cứu và Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh cấp cứu ban đầu, đặt ống nội khí quản thở máy, S. được gia đình chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Vào Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng ý thức lơ mơ, oxy hóa máu giảm thấp do phổi bị tổn thương nặng trong quá trình đuối nước. Ngay lập tức S. đã được các bác sĩ áp dụng các biện pháp điều trị tích cực như thở máy theo ARDS net; lọc máu liên tục; kháng sinh; hỗ trợ dinh dưỡng...

Sau hai ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bé S. đã dần ổn định, ý thức tỉnh táo hoàn toàn, oxy hóa máu dần cải thiện. Ngày thứ ba sau điều trị, bé đã cai được máy thở, rút ống nội khí quản, đáp ứng tốt, và có thể ra viện.

Vì sao không được dốc ngược, vác nạn nhân bị đuối nước rồi chạy? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Ngô Xuân H (33 tuổi ở Thị trấn Lâm Thao - Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng hôn mê, oxy hóa máu giảm rất thấp, toan chuyển hóa nặng, kèm theo tình trạng rối loạn nhịp tim rất nặng.

Sau khi được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực áp dụng các biện pháp điều trị tích cực như thở máy theo ARDS net; lọc máu liên tục; điều chỉnh rối loạn toan kiềm; kháng sinh chống nhiễm khuẩn; hỗ trợ dinh dưỡng... tình hình bệnh nhân mới tiến triển tốt hơn.

BS Huỳnh Bá Tản – Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, cho biết hầu như năm nào cũng vậy vào mùa nóng (mùa Hé), các hồ bơi, ao hồ, sông suối, bãi biển rất đông người tắm và bơi lội, trong đó trẻ em chiếm đa số. Năm ngoái, một bé gái 6 tuổi trong lúc học bơi bị ngạt nước nhưng không thể cứu được. Đây là điều đáng tiếc vì, theo bác sĩ Tản, nhiều người không biết cách sơ cứu khi trẻ bị ngạt nước.

Theo BS Nguyễn Thành Đạt – Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, đuối nước có thể dẫn đến tử vong. Toàn bộ cơ thể tiếp xúc với nước lạnh có thể dẫn đến hạ thân nhiệt, tim ngừng đập đột ngột hay đường thở bị tắc do bị sưng hoặc nước tràn vào.

Nạn nhân đuối nước luôn cần sự chăm sóc y tế ngay cả khi hoàn toàn bình phục tại thời điểm gặp nạn. Nước vào phổi gây kích thích đường hô hấp sưng phù vài giờ sau đó, hiện tượng này gọi là đuối nước thứ phát hay chết đuối trên cạn. Ngoài ra, vấn đề hạ thân nhiệt cũng cần điều trị.

Nếu nạn nhân không tỉnh kèm không thở hoặc thở không bình thường, hãy tiến hành sơ cứu đường thở cho bệnh nhân bằng cách ép tim ngoài lồng ngực. Nếu bạn chỉ có một mình, hãy hô hấp nhân tạo (CPR) 02 phút rồi gọi 115.

BS Tản cũng cho biết nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân.

Ngoài ra, khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

Các bước sơ cứu đuối nước

Bước 1, đưa nạn nhân ra khỏi nước (cẩn thận nếu không bạn sẽ thành … nạn nhân kế tiếp), đặt nạn nhân nằm xuống, đầu thấp hơn thân mình, để nước chảy ra và chống hít sặc.

Bước 2, giữ ấm, loại bỏ quần áo ướt, thay bằng quần áo khô, đắp chăn/mền, nếu tỉnh, hãy cho nạn nhân uống nước ấm.

Bước 3, hãy gọi 115 hoặc nếu bạn đủ khả năng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế an toàn, hãy làm như vậy vì khả năng đuối nước thứ phát như đã trình bày.

Bước 4, nếu nạn nhân không tỉnh (gọi không dậy) và bạn chỉ có một mình hãy làm CPR 02 phút rồi gọi 115.

Bước 5, nếu nạn nhân thở trở lại được, hãy thực hiện như B2 trong lúc chờ giúp đỡ đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại