Đường ruột của bạn là ngôi nhà cho hàng tỷ vi khuẩn, lợi có hại có. Một trong số những loài vi khuẩn khá lành tính sống trong ruột là Klebsiella pneumoniae.
Chúng trôi dạt một cách vô hại trong đường tiêu hóa, đôi khi xuất hiện cả trên khoang miệng và bên ngoài da.
Klebsiella pneumoniae thậm chí còn có lợi trong việc ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hại khác.
Chỉ có điều, một khi nó biến thành dạng siêu vi khuẩn (hypervirulent strain of K. pneumoniae –hvKp), bạn sẽ phải đối mặt với một cơn ác mộng thực sự.
Năm 1980, các bác sĩ tại Đài Loan phát hiện ra chủng hvKp có thể gây nhiễm trùng dẫn đến áp xe não và gan. hvKp cũng đóng vai một dạng vi khuẩn ăn thịt người gây hoại tử từ bên trong.
Nó có thể giết chết một người hoàn toàn khỏe mạnh chỉ trong vòng 1 ngày.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, chúng ta chưa có bất cứ cách nào để phân biệt được Klebsiella pneumoniae dạng thường và dạng siêu vi khuẩn hvKp. Các bác sĩ chỉ xác định được hvKp khi các triệu chứng đã xảy ra trên người bệnh, thường thì khi đó đã quá muộn.
Khi vi khuẩn vô hại trong ruột biến thành dạng ăn thịt người, nó có thể giết chết bạn chỉ trong vòng 1 ngày
Xác định sớm được hvKp và phân biệt nó với Klebsiella pneumoniae dạng thường là một mục tiêu mà nhiều nhà khoa học đã theo đuổi trong nhiều năm nay.
Tại Đại học Buffalo ở Mỹ, Thomas Russo, trưởng khoa truyền nhiễm và các đồng nghiệp của ông đã tìm ra được những thẻ di truyền ẩn kín trong DNA của hvKp.
Những thẻ này có thể được sử dụng để nhận diện siêu vi khuẩn Klebsiella pneumoniae một cách chính xác và đáng tin cậy.
“Hiện nay, không có bất kể xét nghiệm phổ thông nào để phân biệt chính xác các chủng Klebsiella pneumoniae bình thường và hypervirulent", Russo nói.
"Nghiên cứu này cung cấp một lộ trình rõ ràng về cách một công ty có thể phát triển xét nghiệm như vậy để sử dụng trong các phòng thí nghiệm lâm sàng. Nó hết sức cần thiết".
Hết sức cần thiết thật ra cũng đã là một cách nói giảm đi nhiều.
Vài năm trở lại đây, các nhà bệnh học lại phát hiện ra một hình thức đa kháng thuốc (MDR) của K. pneumoniae. Dạng siêu vi khuẩn mới này có khả năng chống lại cả kháng sinh mạnh nhất của chúng ta.
Cho đến thời điểm này, sự xuất hiện của siêu vi khuẩn K. pneumoniae kháng kháng sinh vẫn còn chưa phổ biến.
Nhưng tỷ lệ đang gia tăng và các tổ chức y tế đặt sự cảnh giác cao độ trên nó. Kịch bản đáng sợ là khi hvKp kết hợp với siêu vi khuẩn này và học được khả năng chống lại kháng sinh dòng cuối cùng ... chúng ta sẽ gặp rắc rối to.
Klebsiella pneumoniae là những vi khuẩn sống trong đường ruột của chúng ta
Càng sớm càng tốt, có một xét nghiệm để phân biệt hvKp với vi khuẩn K. pneumoniae thông thường sẽ là một chiến thắng cho mỗi bệnh nhân không may nhiễm phải nó.
Trên góc nhìn vĩ mô, đó sẽ còn là công cụ cho các nhà dịch tễ học theo dõi sự lây lan của siêu vi khuẩn, cảnh giác sự kháng thuốc và báo hiệu với dân chúng khi cần thiết.
Kịch bản xấu về K. pneumoniae có thể xảy ra theo 2 chiều hướng: Một là những con hvKp có thể nhặt DNA kháng thuốc trong môi trường mà những con K. pneumoniae MDR chết đi để lại. Từ đó, chúng sẽ học được cách kháng tất cả các kháng sinh hiện có.
Hai là những con K. pneumoniae đa kháng thuốc có thể biến hình thành dạng hvKp ăn thịt người. Thực tế thì kịch bản số 2 đã xảy ra đầu năm nay. “Nó là nguyên nhân gây ra cái chết của 5 bệnh nhân trong đơn vị chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện ở Hàng Châu, Trung Quốc”, Russo cho biết.
Những con hvKp hay xuất hiện ở các quốc gia Châu Á, không rõ vì chúng bắt đầu lây lan từ đây hay vì nhạy cảm hơn với người da vàng.
Còn quá nhiều điều chúng ta cần tìm hiểu về những con K. pneumoniae và 2 dạng siêu vi khuẩn của nó. Hiện tại, điều mà các nhà nghiên cứu nhắm đến là phân biệt được một cách chính xác dạng hvKp.
Tất nhiên, theo dõi sát sao các chủng siêu vi khuẩn này là điều cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tìm ra cách giải quyết vấn đề kháng kháng sinh nói chung. Tìm ra các loại kháng sinh mới để chống lại K. pneumoniae đa kháng thuốc cũng là một giải pháp.
Nghiên cứu về K. pneumoniae được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Microbiology.
Tham khảo Sciencealert