Vị giáo sư gốc Việt tìm ra "bí mật" của tế bào ung thư: Nỗi sợ hãi là động lực tạo đột phá

Ngọc Minh |

“Nỗi sợ hãi không khiến tôi nản chí mà là động lực để tạo ra khác biệt, đột phá”- đó là câu trả lời đầy quả quyết của vị giáo sư Đặng Văn Chí.

Giáo sư Đặng Văn Chí, Giám đốc Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig đã có 2 người thân ra đi vì căn bệnh ung thư. "Nỗi sợ hãi không khiến tôi nản chí mà là động lực để tạo ra khác biệt, đột phá"- đó là câu trả lời đầy quả quyết của vị giáo sư tiên phong nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư thì sinh học khi được phóng viên hỏi có sợ bản thân mình mắc ung thư không.

Vị giáo sư gốc Việt tìm ra bí mật của tế bào ung thư: Nỗi sợ hãi là động lực tạo đột phá - Ảnh 1.

Ngọc Minh: 53 năm rời Việt Nam, sao ông lại lựa chọn thời điểm này để trở về nước?

GS Đặng Văn Chí: Tôi rời Việt Nam sang Mỹ khi mới là một đứa trẻ 12 tuổi. Vào năm 1967 tôi cùng người anh được ba cho sang Hoa Kỳ học. Thú thật lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau 53 năm trong tôi có rất nhiều cảm xúc khó tả.

Khi đặt chân xuống sân bay, được nhìn thấy những người Việt Nam, nghe giọng nói tôi cảm giác rất thân thương vô cùng!

Tuy tôi chỉ ở Việt Nam một thời gian ngắn. Nhưng quãng thời gian tuổi thơ đó cũng có rất nhiều kỷ niệm nghịch ngợm, phá phách của con nít. Gia đình tôi có 10 anh chị em. Tôi là con thứ 6 và được gọi là bé bảy. Nhà đông con nên tôi có rất nhiều kỷ niệm với các anh chị, em của tôi tại Sài Gòn (TP. HCM).

Nhiều người sẽ thắc mắc vì sao tôi không về Việt Nam sớm hơn. Tất cả đều có lý do. Tôi là người rất ham và mê công việc, khi tập trung vào công việc tôi cứ bị cuốn đi, do vậy tôi không thể có thời gian trở lại Việt Nam sớm hơn.

Tôi nói cho bạn điều này nhé! Trước đó, tôi cũng có kế hoạch đưa con cháu trở lại Việt Nam, nhưng chưa có dịp thích hợp. Vì để trở về phải lên kế hoạch, sắp xếp công việc…

Vị giáo sư gốc Việt tìm ra bí mật của tế bào ung thư: Nỗi sợ hãi là động lực tạo đột phá - Ảnh 2.

Ngọc Minh: Một người mê công việc, thời gian đối với giáo sư chắc sẽ quý giá như "vàng". Tôi và mọi người rất muốn biết khi nhận được lời mời trong Hội đồng giải thưởng VinFuture vì sao ông lại gật đầu đồng ý ngay? Chắc hẳn phải có lý do gì đặc biệt?

GS Đặng Văn Chí: Đúng vậy, tôi nhận lời tham gia Hội đồng giải thưởng VinFuture vì nó cho tôi cơ hội trở về Việt Nam hàng năm. Các anh em của tôi đã trở về Việt Nam những năm trước đây. Cuối cùng thì cá nhân tôi đã làm được điều đó. Giây phút này đây, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có mặt tại Việt Nam.

Ngọc Minh: Là người cầm cân nảy mực trong Hội đồng giải thưởng VinFuture ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi khoa học của Việt Nam?

GS Đặng Văn Chí: Sau rất nhiều năm trở lại Việt Nam, tôi thấy có rất nhiều thay đổi về khoa học công nghệ. Tôi đã có cơ hội được đi thăm Trung tâm VinBigData. Tôi thấy rõ được những nỗ lực rất lớn của chính phủ Việt Nam trong việc phát triển khoa học công nghệ của nước nhà. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa để phát triển khoa học công nghệ mang tới nhiều lợi ích cho xã hội.

Ngoài ra, thì Việt Nam vẫn cần phải có những đầu tư dài hạn để từ đó để khai thác tối đa nền tảng về khoa học công nghệ mà chúng ta đã có.

Tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn mang lại lợi ích cho hàng triệu người từ việc phát triển khoa học công nghệ.

Vị giáo sư gốc Việt tìm ra bí mật của tế bào ung thư: Nỗi sợ hãi là động lực tạo đột phá - Ảnh 3.

Ngọc Minh: Ông được đánh giá là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư thì sinh học, giáo sư có gặp những khó khăn như những người đi tiên phong thường gặp không?

Gs Đặng Văn Chí: Vào thời điểm năm 1997 khi tôi bắt đầu công việc nghiên cứu, cũng có rất nhiều người thành kiến với công việc tôi làm. Trong thời điểm đó, tôi chỉ có duy nhất một điều là sự đam mê và thôi thúc muốn tìm hiểu sâu hơn về phương pháp ung thư thì sinh học.

Tôi cũng muốn biết rõ hơn gen gây ra ung thư hoạt động như thế nào. Làm sao hiểu được cơ chế gây ra ung thư của gen đó ra sao, đặc tính của nó…

Do vậy, tôi bỏ qua tất cả những nghi ngờ, thành kiến chỉ tập trung vào nghiên cứu mà thôi.

Những thành quả nghiên cứu của tôi không trực tiếp tạo ra các thuốc điều trị ung thư. Nhưng nó đã đóng góp chung vào ngành nghiên cứu ung thư và đã là nền tảng để các công ty hiện nay phát triển thuốc điều trị ung thư.

Hàng ngày tôi vẫn phải làm công việc của mình là tìm ra các các phương thức điều trị tốt hơn cho căn bệnh ung thư.

Tôi cũng có những người thân qua đời vì căn bệnh ung thư. Anh trai tôi mắc ung thư và qua đời với năm 2007. Thời điểm đó tôi đang làm việc tại Đại học Johns Hopkins 24 năm nơi tôi từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ rời đi.

Nhưng tôi đã quyết định rời Đại học Johns Hopkins để tập trung nhiều hơn cho công việc nghiên cứu ung thư.

Vị giáo sư gốc Việt tìm ra bí mật của tế bào ung thư: Nỗi sợ hãi là động lực tạo đột phá - Ảnh 4.

Ngọc Minh: Chính ông đã từng nói liệu pháp điều trị ung thư thì sinh học là phương pháp điều trị bên lề không nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tới, tuy nhiên, ông lại rất dày công theo đuổi…

GS Đặng Văn Chí: Trong sinh học có khái niệm nhịp sinh học ngày và đêm. Các cơ quan trong cơ thể đã tiến hóa để thích ứng với nhịp sinh học đó.

Có nghĩa là nếu theo đúng nhịp sinh học vào ban đêm chúng ta sẽ nghỉ ngơi và vào ban ngày chúng ta trong trạng thái hoạt động nhiều hơn.

Bản thân các tế bào cũng có cơ chế đồng hồ sinh học hoạt động vào ban ngày và nghỉ ngời vào ban đêm. Tuy nhiên, tế bào ung thư lúc nào cũng ở trong trạng thái hoạt động.

Nếu áp dụng theo phương pháp thì sinh học chúng ta phải thuyết phục được các bệnh viện thực hiện xạ trị cho bệnh nhân chủ yếu vào buổi sáng. Vì thời điểm này các tế bào ung thư chịu nhiều tác động của xạ trị hơn và các tế bào thường sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Nhờ đó, tác dụng phụ đối với bệnh nhân sẽ giảm đi.

Và ngược lại vào buổi chiều thì hạn chế xạ trị vì sẽ ảnh hưởng lớn tới tế bào thường, gây ra nhiều tác dụng phụ hơn cho cơ thể. Đây là điểm khác biệt của phương pháp thì sinh học trong điều trị ung thư so với các phương pháp điều trị truyền thống.

Như tôi đã nói ở trên, nếu áp dụng phương pháp ung thư thì sinh học, hoạt động xạ trị sẽ không thực hiện vào buổi chiều. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của các bệnh viện, vì thế, phương pháp này chưa nhận được sự quan tâm nhiều.

Ngọc Minh: Gắn bó cả cuộc đời nghiên cứu về ung thư, ông hạnh phúc với phát hiện nào của bản thân nhất?

Gs Đặng Văn Chí: Bệnh ung thư có nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi cơ thể bị ung thư sẽ giống như một cái ô tô bị hỏng nhưng vẫn phải tiếp tục đi và vẫn cần có nguyên liệu để hoạt động.

Trong những năm qua tôi đã phát hiện ra được kiểu gene ung thư MYC liên quan đến việc ngăn chặn gene trung tâm của đồng hồ sinh học trên động vật có vú, như BMAL1.

Gene này làm nhiễu loạn các chu kỳ dao động bình thường của điều chỉnh phân tử bên trong tế bào và thúc đẩy quá trình tổng hợp protein vào trạng thái bất thường, liên tục thúc đẩy sự phát triển khối u.

Như vậy, loại gen đó chính là nguyên liệu để cho chiếc ô tô (cơ thể) chạy dù nó đã bị hỏng. Đó chính là một phát kiến giúp cho việc điều trị ung thư dần chạm được tới việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Vị giáo sư gốc Việt tìm ra bí mật của tế bào ung thư: Nỗi sợ hãi là động lực tạo đột phá - Ảnh 5.

Ngọc Minh: Ông đã từng nói, GS Đặng Văn Chiếu – cha ông - là hình mẫu để ông phấn đấu lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa? Khi nhớ về GS Chiếu, điều gì khiến ông nể phục và học hỏi nhất?

GS Đặng Văn Chí: Lúc còn nhỏ, tôi là một đứa trẻ rất nghịch ngợm, ham chơi. Nhưng dù đi chơi ở đâu nhưng khi chiều Sài Gòn buông xuống tôi sẽ trở về phòng khám của ba tôi và cùng ông đi về nhà. Trong suốt những năm tháng ở bên ba, tôi học được rất nhiều điều.

Có 2 điều mà tôi luôn nể phục ở ba và má là lòng nhân ái, sự cao thượng của một con người. Tôi nhớ có lần tôi và ba trên đường từ phòng khám về nhà, một người ăn xin còn rất trẻ đã đến trước mặt xin tiền của ba.

Ba tôi nói sẽ cho chàng thanh niên trẻ tiền nhưng với điều kiện anh ấy phải nói cho ba tôi cách dùng số tiền này như thế nào để trở thành con người tốt hơn.

Có một lần, ba đi ngang qua một người nghèo bị bệnh. Ba hỏi họ bị làm sao, khó chịu ở đâu? Thấy họ khó khăn không có tiền điều trị, ông đã quay trở lại bệnh viện (thời điểm đó GS Chiếu đang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy - PV) lấy thuốc và đưa cho bệnh nhân. Hàng ngày, mỗi chiều trước khi về nhà, ba thường ghé qua chỗ bệnh nhân đó để thăm khám lại.

Vị giáo sư gốc Việt tìm ra bí mật của tế bào ung thư: Nỗi sợ hãi là động lực tạo đột phá - Ảnh 6.

Tôi còn học được ở ba việc coi bệnh nhân như chính là người thân của mình. Tôi đã được chứng kiến khi bệnh nhân của ba mất, ba đã rất buồn như trong gia đình tôi có người thân mất đi vậy. Chính tình yêu thương bệnh nhân của ba đã thôi thúc tôi điều trị, nghiên cứu, phát triển các phương pháp điều trị ung thư.

Mỗi ngày thức dậy, tôi luôn tự nhủ với bản thân: "Mình phải tạo ra một cái gì đó mới, bước đột phá mới để đóng góp cho việc điều trị ung thư".

Ngọc Minh: Ông còn ảnh hưởng điều gì từ người ba của mình nữa không?

GS Đặng Văn Chí: Ba tôi là người có ảnh hưởng rất lớn tới các con. Tôi có hỏi bố vì sao ba cứ làm việc liên tục mà không đi nghỉ ngơi, du lịch? Ba tôi có nói: "Công việc là niềm yêu thích của ba, mỗi ngày đi làm việc là đi nghỉ rồi".

Những điều mà ba nói đã ảnh hưởng rất lớn với tôi. Tôi suy nghĩ: "Ngày nào ba tôi đến bệnh viện đều được nghỉ ngơi vì sao mình lại không làm công việc như ba".

Tôi đã được học tại một trường y tốt nhất ở Mỹ. Nhưng việc học không có gì vất vả. Vì tôi đã coi nghiên cứu y khoa chính là niềm vui. Mỗi ngày tôi đi làm là được đi nghỉ.

Công việc trước đây của tôi vừa làm bác sĩ vừa nghiên cứu vì đây là công việc bổ trợ lẫn nhau. Thành tựu trong phòng nghiên cứu giúp tôi tìm ra cách điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.

Sau này tôi đi theo con đường nghiên cứu nhiều hơn vì cần phải tạo ra sự khác biệt lớn hơn.

Ngọc Minh: Tôi rất tiếc khi được biết ông đã mất đi 2 người thân yêu là bố và anh trai vì căn bệnh ung thư. Nỗi đau mất người thân có phải động lực để ông muốn hiểu về căn bệnh này?

GS Đặng Văn Chí: Khi chứng kiến ba và anh mất vì bệnh ung thư, cảm giác của tôi rất bất lực, không hề dễ chịu chút nào. Đó là nỗi đau mà tôi nhớ suốt đời và cũng là động lực để tôi quyết tâm nghiên cứu về căn bệnh ung thư và tìm ra cách chữa bệnh.

Khi chứng kiến anh trai qua đời, tôi đã rất trăn trở làm sao tìm ra được các biện pháp điều trị ung thư hữu hiệu hơn. Chúng ta biết rằng, dù thuốc có tốt tới đâu đi nữa, bệnh nhân ung thư vẫn qua đời hàng ngày. Làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện được việc giảm tỷ lệ tử vong khi mắc ung thư vẫn là một thử thách.

Vị giáo sư gốc Việt tìm ra bí mật của tế bào ung thư: Nỗi sợ hãi là động lực tạo đột phá - Ảnh 7.

Khi một bệnh nhân khám phát hiện ung thư ở giai đoạn cuối tỷ lệ điều trị khỏi sẽ rất nhỏ. Để nâng cao tỷ lệ sống cho bệnh nhân ung thư trong những năm qua thế giới đã có rất nhiều tiến bộ trong nghiên cứu trong điều trị.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số loại ung thư đáp ứng được điều trị. Do vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu để hiểu rõ hơn về bệnh ung thư. Khi chúng ta biết được nguyên nhân gây ra ung thư sẽ tiến tới loại bỏ được căn bệnh ung thư.

Ngọc Minh: Mất đi 2 người thân vì căn bệnh ung thư, ông có sợ tới 1 lúc nào đó mình bị mắc. Vì với bệnh tật khó có thể nói trước và không trừ một ai?

GS Đặng Văn Chí: Tôi không sợ mình sẽ mắc ung thư vì không ai có thể sống được mãi mãi. Hiện tại, tôi chỉ quan tâm tìm ra giải pháp để phát hiện ung thư sớm và điều trị nó một cách hiệu quả.

Tôi mãn nguyện với những gì mình đang làm và không sợ ung thư vì tôi đang muốn tạo ra sự khác biệt. Tôi có một câu nói: "Nỗi sợ hãi không khiến tôi nản chí mà là động lực để tạo ra khác biệt, đột phá".

Nhiều năm nay, vào mỗi dịp Giáng sinh tôi đều nhận được một tấm thiệp cảm ơn từ một người bệnh nhân lâu năm. Đây là bệnh nhân đã từng mắc ung thư và được tôi điều trị khỏi.

Cảm giác cầm tấm thiệp từ người bệnh nhân đó trên tay tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Vì tôi đã cứu sống được bệnh nhân.

Ngọc Minh: Ung thư tại Việt Nam vẫn đang là một căn bệnh đầy thử thách trong quá trình điều trị. Tỷ lệ tử vong khi bệnh nhân ung thư nhập viện rất cao. GS có nhận thấy được vấn đề gì trong điều trị ung thư hiện nay của Việt Nam?

GS Đặng Văn Chí: Với một số căn bệnh ung thư hiện nay đã có vắc xin để phòng ngừa. Do vậy việc đầu tiên chúng ta cần phải làm đó là tăng cường các biện pháp ngừa ung thư để không bị mắc bệnh, nhất là các bệnh nhân nghèo.

Vị giáo sư gốc Việt tìm ra bí mật của tế bào ung thư: Nỗi sợ hãi là động lực tạo đột phá - Ảnh 8.

Điều thứ 2, nên có những cách cung cấp thuốc điều trị ung thư tốt cho người nghèo để họ sống tốt hơn và không còn quá nhiều đau đớn.

Tại Mỹ hiện nay có nhiều công nghệ hiện đại tiên tiến để điều trị ung thư. Những công nghệ này không dành cho tất cả mọi người vì nó rất đắt đỏ, người giàu mới tiếp cận được.

Còn ở Việt Nam công nghệ điều trị ung thư còn hạn chế. Nhưng đây cũng là điểm lợi thế chúng ta sẽ chú trọng hơn vào các công nghệ mới. Khi đầu tư vào công nghệ thì chúng ta cần tìm cơ chế để dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người nghèo.

Ngọc Minh: Giáo sư có dự định ở Việt Nam trong thời gian sắp tới hay không?

GS Đặng Văn Chí: Tôi đang có tham gia dự án đột quỵ với Trung tâm VinBigData. Tôi nhận thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ đột quỵ cao trong các nước Châu Á. Hàng năm số người tử vong do đột quỵ tại Việt Nam cũng rất cao.

Điều này có nghĩa rất có thể người Việt có mang loại gen dễ dẫn tới đột quỵ. Và chúng ta cần nghiên cứu để đi tìm và giải quyết gen đó. Từ đó tìm ra phương pháp phát hiện đột quỵ sớm, cảnh báo người mang gen.

Cảm ơn giáo sư, chúc ông sức khỏe và có những trải nghiệm tuyệt vời tại Việt Nam!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại